“Hoàn lưu bão số 2 đã gây gió mạnh cấp 7 - 8 ở các tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, tại đảo Hòn Ngư có gió giật cấp 12, đất liền ven biển gió giật cấp 9 - 10, riêng Hoành Sơn (Hà Tĩnh) gió giật cấp 11”, Trung tâm KTTV Bắc Trung Bộ cho biết trong bản tin phát lúc 2h30 sáng nay, 17/7.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều ngày 16/7 đến 01h ngày 17/7 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có mưa to với lượng mưa phổ biến từ 100 - 200mm, một số nơi có mưa rất to như Hoành Sơn (Hà Tĩnh) 278mm, Kỳ Anh (Hà Tĩnh): 217mm; TP Hà Tĩnh: 210mm…
Hồi 02 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 105,4 độ Kinh Đông trên đất liền các tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.
Sau khi đổ bộ vào đất liền, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20km, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.
Sáng sớm 17/7 vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có còn duy trì gió bão mạnh cấp 7 - 8, giật cấp 10-11. Sâu trong đất liền có gió mạnh cấp 5 – cấp 7. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3. Sóng biển cao từ 2 – 3 mét.
Cơ quan KTTV nhận định ngày hôm nay Bắc Trung Bộ tiếp tục còn có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến: 50 - 100mm. Mưa lớn tập trung trong thời đoạn ngắn cần đề phòng lũ, lũ quét, sạt lở đất ở trung du và miền núi; ngập úng ở vùng trũng thấp.
Vùng gần tâm bão đi qua, nhiều cây cối và một diện tích lớn hoa màu bị gãy, đổ. Các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão chưa có báo cáo về thương vong.
Tại thành phố Vinh, mưa lớn kéo dài từ đêm 16 đến sáng ngày 17 gây ngập cục bộ trên một số tuyến đường. Gió bão quật đổ nhiều cây lớn, bẻ gãy nhiều biển quảng cáo.
Huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) phát lệnh di dời khẩn cấp các hộ dân ven biển ngay trong chiều và đêm qua. Trước khi bão ập đến, Xã Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) tổ chức thanh niên tình nguyện gia cố đê điều, tăng cường kiểm tra các hồ đập, cống thủy lợi Đá Bạc và xuống tận các hộ dân có người già neo đơn để hỗ trợ, giúp dân di chuyển đến nơi an toàn tránh bão.
Liên lạc với Phó Bí thư TX Hoàng Mai (Nghệ An) Võ Văn Dũng lúc 04h sáng nay, ông Dũng cho biết: “Tại Hoàng Mai gió giật rất mạnh. Chúng tôi đang xác minh thông tin một tàu của ngư dân xã Quỳnh Lập tránh bão ở gần đảo bị đứt dây neo”.
Ông Nguyễn Hữu Nam (thôn Cầu Đá, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân) qua điện thoại tường thuật với TPO lúc 0 giờ ngày hôm nay: "Lúc bão hoàn lưu gió giật kinh hoàng, nhiều cây phi lao bị đổ. Đến rạng sáng 17/7 cấp độ gió bão đã giảm".
Lúc 7h sáng nay, UBND tỉnh Nghệ An có cuộc họp trực tuyến cùng các ngành, các huyện để đánh giá thiệt hại, có phương án khắc phục sau khi bão tan.