Nỗi sợ phát triển 'nóng' nhà kính ở Đà Lạt

Lấp hồ để làm nhà kính
Lấp hồ để làm nhà kính
TPO - Nhà kính dùng để sản xuất nông nghiệp mọc lên nhan nhản ở TP.Đà Lạt, lấn chiếm cả đất rừng, gây ra những hệ lụy như lũ lụt, không khí nóng lên và ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thơ mộng của thành phố du lịch.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI vừa đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2020-2025, trong đó nhấn mạnh sẽ quy hoạch lại hệ thống nhà kính, nhà lưới, gắn với phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường.

Nỗi sợ phát triển 'nóng' nhà kính ở Đà Lạt ảnh 1 Nhà kính mọc trái phép trên đồi thông vừa bị tháo dỡ.

Việc làm này cũng nhằm góp phần tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn không khí mát mẻ, trong lành để thực hiện mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế động lực, song hành phát triển với cùng ngành sản xuất rau, hoa.

Hiện nay, theo UBND TP.Đà Lạt, trong số 10.500 ha đất sản xuất nông nghiệp ở địa phương, có hơn 2.550 ha nhà kính. 

Không phải tìm ở đâu xa, nhà kính được dựng lên ở ngay những khu vực thuộc nội thành Đà Lạt. Những nơi có mật độ nhà kính cao nhất là Phường 12 với tỷ lệ diện tích nhà kính/diện tích canh tác chiếm 83,7%. Ở các phường 5,7 và 8, tỷ lệ này là trên 60%.

Nỗi sợ phát triển 'nóng' nhà kính ở Đà Lạt ảnh 2 Nhà kính dày đặc.

Các giải pháp công nghệ (trong đó có nhà kính) giúp nhà nông đạt doanh thu lớn (từ 1-3 tỷ đồng/ha/năm), thu nhập trên một diện tích vào loại cao nhất cả nước.

Tuy nhiên, sản xuất rau hoa trong nhà kính cùng gây ra nhiều hệ lụy như phân tích của PGS-TS Nguyễn Mộng Sinh (nguyên Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa Học và Kỹ thuật Lâm Đồng): Việc xây dựng nhà kính mang tính chất phong trào, đại trà với mật độ cao đã phá vỡ cảnh quan của Đà Lạt, làm tăng hiệu ứng nhà kính.

Đà Lạt đang nóng lên với đỉnh nhiệt độ có lúc vượt ngưỡng 30 độ C gây nên tình trạng oi bức khó chịu. Một trong những nguyên nhân là do phát triển “nóng” các nhà kính.

Mật độ nhà kính dày đặc che hết diện tích bề mặt của đất khiến nước mưa không thể thấm xuống mà tập trung thành những dòng chảy lớn dẫn đến xói mòn đất sản xuất nông nghiệp; gây ra lũ ống, ngập lụt cục bộ vào những ngày mưa lớn làm bồi lắng ao, hồ, sông, suối…

Nỗi sợ phát triển 'nóng' nhà kính ở Đà Lạt ảnh 3 Nhà kính áp sát, thu hẹp dòng chảy của suối.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, một số loại rau, hoa có thể trồng ngoài trời nhưng nhà nông vẫn “nhốt” vào nhà kính làm cho tính đa dạng sinh học bị hạn chế; mặt khác, có nguy cơ tích lũy mầm mống sâu bệnh nếu công tác vệ sinh đồng ruộng không tốt.

Nhiều nhà quy hoạch đô thị cho rằng, không nên vì lợi nhuận mà đánh đổi môi trường. Việc phát triển nhà kính quá mức kiểm soát, sử dụng nhà kính không đạt chuẩn, phát triển tự phát với tốc độ nhanh, mật độ xây dựng cao tại một số khu vực đã phá vỡ cảnh quan, mỹ quan đô thị. Từng là thành phố xanh nhưng Đà Lạt đang mất dần các giá trị vốn có của mình.

Nỗi sợ phát triển 'nóng' nhà kính ở Đà Lạt ảnh 4 Nhà kính trồng hoa của nhiều nông hộ rất thô sơ, ngập lụt vào mùa mưa.

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, chỉ đạo: Phải giữ gìn, phát huy tiềm năng thế mạnh cảnh quan kiến trúc độc đáo, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng rất đặc trưng để đưa Lâm Đồng trở thành điểm đến An toàn - Thân thiện - Chất lượng cao và có vị trí nổi tiếng trên bản đồ du lịch thế giới.

MỚI - NÓNG