Nới room - liều thuốc bổ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau rất nhiều sức ép phải hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp và người dân cuối năm gây áp lực lên chính các nhà băng, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định...nới room.

Thông tin việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng 1,5-2% cho toàn hệ thống, tương đương có 157 nghìn tỷ đồng được đưa vào lưu thông khiến tất cả thị trường vốn bỗng chốc trở nên phấn chấn. Trên các diễn đàn, mạng xã hội từ nhà đầu tư chứng khoán cho tới doanh nghiệp đều khấp khởi mừng. Nếu như các doanh nghiệp bất động sản le lói hi vọng vốn ngân hàng sẽ chảy vào các dự án đang dang dở, giúp họ hoàn thiện, thì người đi mua nhà, doanh nghiệp cần vốn làm ăn cuối năm cũng ngóng đợi được giải ngân để phục vụ mục đích làm ăn của mình. Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư giao dịch khớp lệnh phấn chấn cũng cho thấy sự nức lòng và tràn trề hi vọng của họ.

Tại lần nới room này, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng sẽ theo hướng, các ngân hàng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Một lãnh đạo ngân hàng chia sẻ với PV Tiền Phong: “Việc nhà điều hành điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng lần này thực sự được tính toán cân nhắc rất kỹ. Các tổ chức tín dụng được cảnh báo phải làm sao để vốn chảy vào đúng nơi cần vốn, để doanh nghiệp giữ được sự ổn định, tạo việc làm cho người lao động, người có nhu cầu thực có thể vay được tiền để xử lý công việc ổn thỏa”.

Nới room - liều thuốc bổ ảnh 1

Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thêm 1,5-2% cho toàn hệ thống.

TS Cấn Văn Lực nêu ba điểm đáng nói: Dòng vốn này góp phần giải tỏa một phần nhu cầu vốn cuối năm của doanh nghiệp và người dân; Hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh, ổn định thị trường và ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng cuối năm và đầu năm tới; Vốn tín dụng tăng thêm gần 200.000 tỷ đồng, đáp ứng các nhu cầu thiết thực (dự án, công trình dở dang, người mua nhà, các hợp đồng xuất nhập khẩu và các khoản nợ đến hạn…) khả năng cũng không gây áp lực quá lớn lên lạm phát.

Vừa cách đây 2 tháng, với thông tin ngân hàng chỉ được dùng nốt chỉ tiêu tín dụng còn lại và chỉ một số ít nhà băng lớn được phép, thị trường lập tức phản ứng tiêu cực. Chứng khoán sụt giảm thê thảm, bị bán tháo bất chấp tin tức kinh tế đang tốt lên; Sự hoảng sợ về hơn nửa triệu trái phiếu doanh nghiệp đến kỳ đảo nợ; Người dân bất an muốn rút tiền khỏi ngân hàng SCB; Doanh nghiệp bất động sản cũng kêu khóc không biết bấu víu vào đâu khi ngân hàng quay lưng... Bên cạnh đó, doanh nghiệp bị cắt đơn hàng, hàng loạt công nhân phải luân phiên nghỉ việc, bị nợ lương. Tất cả, đã tạo thành một dàn hợp xướng “đòi giải cứu”.

Ngày 6/12, kết luận phiên họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Trong bối cảnh nhiều thời cơ và thách thức đan xen, dứt khoát không điều hành giật cục, không chuyển đổi trạng thái đột ngột, tránh tình trạng “lúc này quá chặt chẽ, lúc khác quá lỏng lẻo, lúc này quá đơn giản, lúc khác quá cầu kỳ, lúc này quá cầu toàn, lúc khác quá nóng vội”; Bảo đảm cân bằng giữa an toàn và phát triển”. Có lẽ, xuất phát từ ý chí quyết tâm này của người đứng đầu Chính phủ, cũng như phân tích bức tranh toàn cảnh các lĩnh vực, bộ, ngành mà cánh cửa nới room đã được mở ra. Tuy nhiên, nới room cũng không phải là chìa khóa vạn năng để có thể làm nên điều thần kì giải cứu bất động sản, chứng khoán, hay nhiều doanh nghiệp. Hãy xem đây là liều thuốc bổ kịp thời, để các thị trường tự điều chỉnh, vượt khó khăn.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.