Nỗi niềm sắm Tết tại “chợ sinh viên“

Tranh nhau mua quần áo hạ giá.
Tranh nhau mua quần áo hạ giá.
Trước Tết 2 ngày, "chợ sinh viên" ở Cầu Giấy, Hà Nội vẫn vô cùng tấp nập, người mua, người bán nhộn nhịp. Sinh viên, học sinh và cả những công nhân lao động nghèo, tranh thủ chọn cho mình và người thân những món hàng ưng ý, giá rẻ.

Chợ Nhà Xanh nằm trên phố Phan Văn Trường, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội, từ lâu đã là địa điểm mua sắm hết sức quen thuộc với sinh viên.

Những ngày giáp Tết này, "chợ sinh viên" càng nhộn nhịp hơn với các loại hàng hóa, phong phú về chủng loại, mẫu mã, giá cả hợp túi tiền. Khu chợ có hàng trăm gian hàng, nhưng gần Tết chủ yếu bày bán quần áo, giày dép, túi xách, đồ trang sức... Tất cả đều được rao với giá "xả hàng" đón Tết.

Vốn là chợ bình dân, chưa tính đến chất lượng hàng hóa, giá cả tại chợ vào những ngày giáp Tết này giảm hơn cả ngày thường. Chị Hòa, chủ cửa hàng bán quần bò cho biết, một chiếc quần bò loại trung bình giá ngày thường là 180.000, giờ chỉ còn 120.000.

 "Sắp Tết rồi, bán được cái nào hay cái ấy, chủ yếu là thu vốn về" - chị nói. Chị Hòa không tiết lộ những ngày giáp Tết này, cửa hàng chị bán được bao nhiêu tiền hàng. Khi được hỏi, liệu giá giảm như thế có lỗ không, chị cười: "Lỗ có mà chết à?".

Khách hàng đến chợ chủ yếu là sinh viên, học sinh các trường ở khu vực lân cận. Ngoài ra còn có công nhân lao động tại các nhà máy khu vực Cầu Giấy, Cầu Diễn... Em Nguyễn Hồng Thơm, học sinh trường THPT Hồng Thái, Đan Phượng, Hà Tây lặn lội đến tận đây để sắm Tết.

Thơm cho biết, dù đường xa nhưng em thỉnh thoảng vẫn ghé qua đây để mua sắm. "Em mua được quần áo cho bản thân. Mẫu mã ở đây phong phú, tha hồ chọn. Em thích đến đây vì giá cả rẻ, hợp với túi tiền của học sinh, sinh viên" - Thơm nói.

Phạm Thị Thu Hoài, trường năng khiếu thể dục thể thao hồ hởi khoe vừa mua được chiếc kính râm với giá 30.000 đồng. "Ngày mai em về quê nên coi như vừa đi chơi, vừa đi chợ sắm Tết luôn". Có lẽ, chỉ ở những khu chợ sinh viên thế này, các sản phẩm mới có mức giá "bèo" như thế. Hoài cho biết, đến đây chủ yếu là những người ít tiền.

Trong dòng người tấp nập qua lại ấy, nhiều bạn trẻ không chỉ sắm sửa cho riêng mình, mà không quên mua quà "thành phố" cho bố mẹ, anh chị em ở quê. Nguyễn Thị Hảo, sinh viên năm thứ 3 trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, vừa xong ngày làm thêm cuối cùng tại một nhà hàng dê núi ở Cầu Giấy. Hảo tranh thủ sắm sửa cho bố mẹ vài món đồ lặt vặt, gọi là có quà của con gái đi học ở Hà Nội.

Mỗi tháng làm thêm, Hảo nhận được mức lương 2,5 triệu đồng, cũng tạm đủ cho cuộc sống sinh viên. Khi được hỏi, liệu có lo lắng với chất lượng hàng hóa khi chỉ có giá "bèo" ở chợ này, Hảo hồn nhiên: "Đúng là nhiều khi chất lượng cũng không đảm bảo, nhưng chẳng hạn chiếc áo em mua cho bố về phải giặt vài lần thì chắc yên tâm, vẫn mặc được. Chủ yếu đây là tấm lòng của con cái đối với bố mẹ nhân dịp Tết".

Không chỉ khách hàng là sinh viên, nhiều nhiều "chủ hàng" cũng là sinh viên. Nguyễn Thị Hiền, sinh viên năm thứ 2 Đại học Thương Mại lo lắng, còn 2-3 ngày nữa là Tết, mà vốn chưa thu được hết, lãi chẳng thấy đâu. "Bạn bè về quê gần hết, bọn em cũng sốt ruột. Bố mẹ ở nhà thì mong, em cũng muốn tranh thủ nốt 1-2 ngày nữa xem có thu được thêm đồng nào không, đem về biếu bố mẹ một ít gọi là quà Tết nho nhỏ".

Giữa không khí nhộn nhịp của chợ Tết sinh viên, không giấu nổi nhiều niềm ưu tư, lo lắng về một cái Tết nơi quê nhà với những sinh viên làm thêm như Hiền và bạn bè...

Theo Lao động
MỚI - NÓNG