Từ giá trị kinh tế cao trong mô hình nuôi trăn nên mấy năm gần đây, tại xã Hiệp Lợi thuộc thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đã có hàng trăm hộ đổ xô nuôi trăn và trở thành nơi nuôi trăn lớn nhất ở tỉnh Hậu Giang. Các ấp ở xã Hiệp Lợi hầu như nhà nào cũng có vài lồng đến vài chục lồng nuôi trăn.
Có nhiều năm gắn bó với loài vật này, anh Dương Văn Khởi (37 tuổi) ở ấp Xẻo Vong C, cho biết: “Trăn đất là loài vật nuôi dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc và cho lợi nhuận cao. Mỗi năm gia đình tôi thả nuôi từ 700 –1.000 con. Nếu được giá sau 8 – 10 tháng nuôi trăn đạt trọng lượng khoảng 6 kg/con hộ nuôi sẽ có lợi nhuận trên 1 triệu đồng, nếu rớt giá cũng lãi phân nửa, còn trăn sau 24 tháng nuôi đạt trọng lượng 45kg/con hộ nuôi thu lãi từ 3 – 4 triệu đồng/con”.
Cũng theo nhiều hộ nuôi trăn trên địa bàn thị xã Ngã Bảy, trăn nuôi từ 5 – 7 ngày mới cho ăn một lần. Vì thế, nuôi trăn có thể tranh thủ đi làm những công việc khác để kiếm thêm thu nhập. Đây là loài vật nuôi ít hao hụt, giá bán tương đối ổn định và đầu ra rất dễ dàng nên mức lợi nhuận khá cao so với nuôi heo.
Vừa là hộ nuôi trăn vừa là cơ sở thu mua, anh Lê Minh Đường cùng ở ấp Xẻo Vong C, cho biết: “Tôi nuôi trăn đã được gần 20 năm nay, trăn thường bị mắc một số bệnh như đẹn miệng, sưng phổi, hô hấp, nhưng ít bị hao hụt. Thậm chí trăn chết người nuôi vẫn không bị thua lỗ. Vì con trăn có giá trị là bộ da, giá con chết và con sống chênh lệch chỉ 30.000 – 40.000 đồng/kg”.
Theo anh Đường, trăn là loài động vật ít thải phân và nước tiểu hơn so với heo, vịt, gà. Nguồn thức ăn cho trăn là chuột và đầu gà được phối trộn với tỉ lệ 50/50. Bình quân 4 kg thức ăn sẽ cho 1 kg trăn thịt, cộng các khoản phí khác khoảng 250.000 đồng/kg. Thường thì 5 ngày cho ăn một lần. Trăn nuôi sau 1 năm đạt trọng lượng từ 6 – 10 kg/con.
Từ việc nuôi trăn có lãi cao nên tại xã Hiệp Lại đã có trên 117 hộ nuôi trăn thương phẩm.
Không chỉ nuôi trăn thương phẩm, anh Đường còn bán trăn giống. Trong phong trào nuôi trăn đang lên nên đầu năm đã có nhiều người đến đặt hàng mua con giống.
Anh Đường, chia sẻ: “Mọi năm, tôi nuôi 2.000 con trăn và ngoài bán thịt tôi còn bán ra cho các hộ nuôi khoảng 1.000 con trăn giống với giá từ 400.000 – 450.000 đồng/con nên năm nay nhiều bà con đến đặt mua, ai dè trăn đẻ ít nên phải bù qua qua cho đủ số”.
Mỗi năm, với việc nuôi 1.500 – 2.000 con trăn, trừ đi chi phí anh Đường có nguồn lợi nhuận trên một tỷ đồng. Theo anh Đường, lồng nuôi đa số được đóng bằng gỗ và lưới sắt với kích thước 1 m2. Mật độ thả nuôi từ 7 – 10 con/lồng (loại trăn nhỏ), 2 – 3 con/lồng (loại trăn lớn).
Chính từ việc phát triển rầm rộ loài vật nuôi này mà đẩy chi phí đầu tư tăng cao và tốn nhiều thời gian trong việc mua thức ăn. Vào buổi chiều hàng trăm người kéo đến các cơ sở bán chuột để mua mồi về cho trăn ăn. Nhiều người đợi chợ hàng giờ mà vẫn không mua được.
Ông Trần Hoàng Hải hộ nuôi trăn ở ấp Tân Long, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Mấy tháng này trăn nhỏ nên cần mua chuột mới lớn cho nó ăn mà lúc này khan hàng lắm. Trước đây, cách nhau 3 ngày tôi mới đến đây mua chuột. Nhưng giờ, phải đến đây mỗi ngày vì có bữa mua chỉ được vài con, có bữa đến trễ chẳng còn con nào. Ít khi nào mà đi một bữa mua đủ số lượng cần”.
Biết tại xã Hiệp Lợi có nhiều người nuôi trăn nên nhiều thương lái mang chuột đến đây bán "đắt như tôm tươi".
Chính từ thu nhập cao nên nhiều hộ chọn trăn là loài vật nuôi để phát triển kinh tế và nguồn chuột ở các cơ sở trở nên đắt hàng. Vì vậy, giá bán cũng được đẩy lên cao. Cụ thể chuột lứa khoảng 20 con/kg được bán với giá 45.000 đ/kg thay vì 35.000 đ/kg so với thời điểm trước.
Chuột thịt giá 50.000 đ/kg cao hơn trước 5.000 đ/kg. Còn có những nơi chuột thịt được bán với giá 70.000 đ/kg, còn chuột trăn được bán với giá 3.000 đ/con, tính ra 1 kg trên 60.000 đồng/kg.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Huynh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Lợi, cho biết: “Trăn là loài vật nuôi giống như các loài khác nên giá cả rất bấp bênh. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây giá bán ổn định. Nhiều lúc trăn loại 35 kg/con bán với mức giá từ 380.000 – 400.000 đồng/kg cao hơn rất nhiều so với giá bình thường.
Chính vì thế, hộ nuôi trăn trên địa bàn xã tăng lên đáng kể. Hiện tại, số hộ nuôi trăn của toàn xã là 117 hộ (quy mô từ 300 - 2.000 con/hộ) với 12.050 con thay vì chỉ có khoảng 90 hộ. Ngoài ra có 300 – 400 hộ nuôi nhỏ lẻ (dưới 20 con/hộ).
Để nâng cao hơn giá trị và đầu ra, xã đã tiến hành thành lập HTX Hiệp Phát với 22 thành viên để giải quyết đầu ra cho bà con nuôi trăn trong vùng”.
Theo Nguyễn Hành - Nhân Nguyễn