110 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ (10/10/1911-10/10/2021)

Nơi lưu giữ những dấu ấn của nhà cách mạng lỗi lạc

0:00 / 0:00
0:00
Đền tưởng niệm ông Lê Đức Thọ
Đền tưởng niệm ông Lê Đức Thọ
TP - Khu Đền tưởng niệm ông Lê Đức Thọ tọa lạc tại thôn Địch Lễ (xã Nam Vân, thành phố Nam Định). Đây là quê hương, nơi sinh sống của ông trong suốt thời kỳ niên thiếu. Tại ngôi đền này hiện đang lưu giữ nhiều kỷ vật gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của ông, trong đó đáng chú ý có bộ cờ tướng và cây gậy được đích thân các cựu tù nhân Côn Đảo tặng.

Chị Vũ Thị Hoàng Lan, hướng dẫn viên tại Khu đền tưởng niệm ông Lê Đức Thọ cho biết người dân thôn Địch Lễ nói riêng, xã Nam Vân nói chung có thói quen mỗi khi đi qua ngôi đền này đều dừng xe, vào đền kính cẩn thắp nén nhang thơm tưởng nhớ công lao của nhà cách mạng lỗi lạc, người con của quê hương.

Nơi lưu giữ những dấu ấn của nhà cách mạng lỗi lạc ảnh 1

Bộ cờ tướng và chiếc gậy của các cựu tù nhân Côn Đảo tặng ông Lê Đức Thọ

Chỉ cho chúng tôi cây đa được thân mẫu của ông Lê Đức Thọ là cụ Đinh Thị Hoàng trồng từ cách đây 130 năm, khi bà 20 tuổi, vừa về làm dâu gia đình họ Phan ở thôn Địch Lễ, hướng dẫn viên Vũ Thị Hoàng Lan cho biết: “Gia đình của ông Lê Đức Thọ (tên khai sinh là Phan Đình Khải, quê quán xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định) vốn dòng dõi danh giá. Thân phụ ông là cụ Phan Đình Quế (1882-1928), sinh thời là một người hay chữ, được dân làng kính trọng và được bầu làm Hương trưởng. Thân mẫu là cụ Đinh Thị Hoàng (1882-1956) cũng dòng thế phiệt. Chỉ riêng việc cụ bắt đầu cuộc đời làm dâu bằng việc trồng cây cũng nói lên phần nào truyền thống nho học của gia đình. Chính cội nguồn truyền thống gia đình nho giáo, hiếu học ông Lê Đức Thọ đã sớm giác ngộ cách mạng, rèn luyện, phấn đấu trở thành người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà tổ chức và lãnh đạo tài năng của Đảng.

Cũng theo hướng dẫn viên này, hai cụ thân sinh của ông Lê Đức Thọ sinh hạ được 8 người con, 5 người trai và 3 người gái, ông Thọ là con thứ ba trong gia đình.

“Qua thăng trầm thời gian, ngôi nhà và những vật dụng gắn liền với tuổi thơ của ông Lê Đức Thọ đều không giữ được. Nhưng người dân thôn Địch Lễ vẫn truyền nhau những câu chuyện về sự đảm lược, luôn đứng ra “gánh vác việc làng, việc nước của thân phụ ông Lê Đức Thọ và tấm gương ham học, hiếu thảo của những người con”, chị Hoàng Lan kể.

“Người anh” của các cựu tù nhân Côn Ðảo

Ở nhà tưởng niệm của ông Lê Đức Thọ, những kỷ vật lưu lại đều rất giản dị, gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của ông như kính, bi đông nước, mũ cối, chăn màn… Đáng chú ý là có một bộ cờ tướng và một chiếc gậy gỗ được chú thích là do anh em nhà tù và Đảng bộ nhà tù Côn Đảo tặng.

Cũng theo hướng dẫn viên Hoàng Lan, lịch sử ghi nhận ông Lê Đức Thọ thuộc lớp Đảng viên cộng sản đầu tiên của Đảng ta. Năm 17 tuổi, ông đã đứng trong đội ngũ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Tháng 10/1929, ông được kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng. Ngày 7/11/1930, ông bị thực dân Pháp bắt giam, tra tấn dã man và kết án tù khổ sai chung thân. Ông kiên quyết đấu tranh, chống án, buộc Toà thượng thẩm thực dân phải giảm mức án của ông xuống 10 năm khổ sai.

Năm 1931, ông bị đày ra nhà tù Côn Đảo. Tại địa ngục trần gian này, khí phách hiên ngang, bất khuất, vượt lên mọi đòn roi, tra tấn và đủ trò chiêu hàng của kẻ địch ở người tù mới đã cảm phục được các cựu tù nhân. Vì vậy, khi mới 20 tuổi, ông được tín nhiệm cử vào Ban thường vụ Chi ủy Nhà tù và Bí thư chi bộ.

Khi đền thờ được khánh thành năm 2014, nhiều lớp con cháu của các cựu tù nhân Côn Đảo khi về thăm đã kể về việc cha chú họ tự hào vì từng có thời ở chung nhà tù với ông Lê Đức Thọ. Những tù nhân ở Côn Đảo đều xem ông là “đàn anh”, là chỗ dựa tin tưởng để tiếp tục kiên định con đường cách mạng.

“Một số cựu tù Côn Đảo khi biết khánh thành nhà tưởng niệm ông Lê Đức Thọ, họ bất chấp tuổi cao, bệnh tật, nằng nặc bắt con cháu đưa về thăm. Họ đều có chung một nhận định là ngay từ thời trai trẻ, khi bị đưa ra nhà tù Côn Đảo, ông Lê Đức Thọ luôn có một niềm tin mãnh liệt vào ngày mai tất thắng của dân tộc, của đất nước và không ngừng lan tỏa niềm tin ấy tới các đồng đội trong tù, dẫn dắt anh em chống lại mọi sự đàn áp của cai ngục. Bộ cờ và cây gậy này được những cựu tù nhân Côn Đảo tự tay làm tặng ông Lê Đức Thọ và là biểu thị cho sự tôn vinh “người đàn anh” ngày đó”, hướng dẫn viên tại đền thờ kể.

Tỉnh Đoàn Nam Định tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ

Anh Nguyễn Vũ Chiên, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Nam Định cho biết, kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ (10/10/1911 - 10/10/2021), Tỉnh Đoàn Nam Định đã phát động phong trào thi đua “Tuổi trẻ Nam Định học tập và làm theo tấm gương đồng chí Lê Đức Thọ”. Theo đó, các cấp bộ Đoàn của tỉnh đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ; tri ân và tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí.

Lịch sử ghi lại, năm 1936, trước sức đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta và phong trào Bình dân ở Pháp, thực dân ở Đông Dương phải trả tự do cho một số tù chính trị, trong đó có ông Lê Đức Thọ. Ra tù, trở về Nam Định, ông tiếp tục bắt liên lạc với Đảng và xây dựng một số cơ sở bí mật của Đảng ở Nam Định.

Năm 1939, biết rõ ông Lê Đức Thọ là một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt phong trào cách mạng ở Nam Định, thực dân Pháp cho mật thám theo dõi, khám xét, bắt ông và khép tội “phần tử nguy hiểm cho an ninh”, kết án 5 năm tù đưa đi giam giữ ở Hà Nội, Sơn La và Hòa Bình. Trong lao tù độc ác của bọn thực dân, bị địch tra tấn dã man, ông vẫn luôn luôn nêu cao khí tiết của người cộng sản, không khai báo hoạt động của Đảng, thường xuyên tổ chức học tập chính trị, lý luận cách mạng, động viên bạn tù giữ vững tinh thần chiến đấu.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.