> Hãi hùng đất lở
> Đề phòng Cty nước ngoài tháo chạy sau khi gây ô nhiễm
Dùng giẻ bịt vết nứt ngăn gió lùa
Xã An Lĩnh có hơn 1.200 dân, trên 19% là hộ nghèo. Từ năm 2009, mưa lũ kéo dài khiến nhà ở, ruộng vườn của nhiều hộ dân các thôn Phong Thái, Quang Thuận và Thái Long (An Lĩnh) bị trượt lún, nứt tường và bồi lấp nặng. Tình trạng trên ngày càng nghiêm trọng hơn.
Nhà ông Trần Quốc Vương (vùng 4, thôn Phong Thái) bị sụt, nứt nặng nằm trên độ cao hơn 10m so với đường bê tông liên thôn. Từ năm 1984 đến nay, khu vực này có ít nhất 4 lần xảy ra sụt lún gây nứt tường và sân nhà.
Năm 2009, đất bị trượt khiến tường nhà nhiều chỗ bị xé rộng gần 20cm từ chân móng đến kề mái ngói. Nhiều vị trí trong nhà, tường bị đổ nghiêng làm hụt đòn tay phải dùng cây chống đỡ và dùng giẻ để bít các vết tường nứt ngăn gió lùa.
Những cơn mưa lớn vừa qua, nước lũ từ trên núi Động Chính dồn dập đổ xuống quét chân móng, khiến các vết nứt ngày càng rộng hơn, tạo nhiều hầm hố xung quanh nhà, làm sạt lở ruộng mía. Tương tự, nhà ông nhà ông Bùi Thanh Trần bị xuống móng, chân cột nhà bị nứt gãy và nhiều vết nứt dọc trên tường.
Huyện Tuy An và xã An Lĩnh đã xây dựng một khu tái định cư Giếng Dông mới rộng 12ha, bố trí chỗ ở cho khoảng 100 hộ dân, mỗi hộ 300m2. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 12 hộ bị sạt lở nhà nghiêm trọng đến nơi ở mới, hơn 30 hộ còn lại vẫn chấp nhận sống bất an.
Thiếu tiền, thiếu nước
Móng nhà dân bị nứt. |
Thu nhập thấp, chủ yếu nhờ vào diện tích đất sản xuất ít ỏi từ cây chuối, mía và lúa nước, nên hầu hết các hộ đều không thể di dời mặc dù được nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ khi hoàn thành xây dựng nhà mới.
Bà Nguyễn Thị Trúc Phượng, vợ ông Vương, cho biết: “Gia đình tôi tổng thu nhập cả năm khoảng 15 triệu đồng chưa trừ chi phí. Cả nhà rất muốn đến nơi ở mới nhưng không đủ tiền xây nhà”.
Gần bên là nhà các ông Lê Kim Hùng và Nguyễn Mẹo cũng trong hoàn cảnh tương tự. Gia đình ông Bùi Thanh Trần có 8 nhân khẩu sống trong ngôi nhà 40m2 bị nứt toác, sụt móng, có thể sập bất cứ lúc nào.
“Cả nhà trông cậy vào 3 sào mía, 2 sào ruộng nên không biết khi nào mới có đủ tiền chuyển đến khu tái định cư xây nhà mới” - ông Trần nói.
Ông Nguyễn Quang Trung, cán bộ địa chính xã An Lĩnh, cho biết: Khu tái định cư mới cơ bản hoàn thành, địa phương đã vận động những hộ còn lại trong vùng bị ảnh hưởng đến nơi ở mới.
Tuy nhiên, do khó khăn về nước sinh hoạt vào mùa nắng và xa đất canh tác nên nhiều hộ vẫn chưa chịu di dời do chưa có kinh phí xây cất nhà mới. Đồng thời, từ nhà cũ đến khu tái định cư mới gần 5 km, mà đường sá toàn dốc, đá nên rất khó khăn cho đời sống của dân.
Do vậy, các hộ dân vẫn “bám” lấy nhà và làm vườn để sinh sống, dù biết nguy hiểm.
Ông Trung lý giải thêm: Khu tái định cư mới có vị trí cao, thoáng mát, song vào mùa khô kiệt, người dân phải bơm nước từ dưới ao có độ sâu khoảng 50m để dùng.
Trong khi đó, ở vùng đất cũ dân đang ở nguồn nước dồi dào, đáp ứng không chỉ cho sinh hoạt mà cả trong trồng trọt, chăn nuôi.