Nỗi lo kép khi hè về

0:00 / 0:00
0:00
TP - Kỳ nghỉ hè đến, không ít phụ huynh rơi vào nỗi lo kép, khi vừa phải quản lý con cái vừa phải bảo đảm guồng quay công việc.

Những đứa trẻ tự “trông” mình

Sáng sớm, khu nhà trọ tại xóm Yên Xá, xã Hưng Đông, thành phố Vinh, Nghệ An đã vắng bóng người lớn. Dãy trọ năm phòng thì có đến ba phòng khóa cửa. Hai phòng còn lại chỉ có những đứa trẻ tự trông mình. Trong phòng, có em xem tivi, ipad; có em lại chăm chăm vào chiếc điện thoại đã được kết nối sẵn internet. “Bố mẹ cháu đi làm cả rồi. Ở nhà chỉ có mình cháu thôi”, em Lê Anh Dũng (11 tuổi) nói rồi tiếp tục xem điện thoại.

Nỗi lo kép khi hè về ảnh 1

Một lớp học vẽ vào dịp hè tại Nhà văn hóa thiếu nhi Việt Đức

Thông qua cuộc gọi zalo được Dũng kết nối, chúng tôi được trò chuyện cùng người bố của em là Lê Văn Công (34 tuổi). Anh Công cho biết, anh làm công việc lái xe đường dài nên gần như không có ngày nghỉ. Vợ anh là công nhân tại Cty Great Longview (Khu công nghiệp VSIP). Hằng ngày, anh chị đều bận rộn với công việc, đi sớm về khuya. Vợ chồng anh có hai con, bé đầu 11 tuổi và bé sau gần 4 tuổi. Sau khi các con nghỉ hè, vợ chồng anh phải gửi bé sau về quê nhờ ông bà nội trông giúp. Còn bé đầu đã lớn nên ở lại phòng trọ, tự chăm sóc trong lúc bố mẹ đi làm.

Nỗi lo kép khi hè về ảnh 2

Em Lê Anh Dũng (11 tuổi) chăm chăm vào chiếc điện thoại khi bố mẹ đi làm cả ngày

“Biết là để con ở nhà một mình không hẳn đã an toàn nhưng nói thật, mình không có tiền để thuê người trông, ông bà hai bên lại đều ở xa. Vợ chồng tôi cũng dặn dò cháu về các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra nhưng thực sự vẫn vô cùng lo lắng. Cứ được nghỉ giữa giờ, nghỉ trưa là tôi lại gọi điện, gọi video để kiểm tra tình hình của con”, anh Công tâm sự.

“Theo chương trình “Phúc lợi đoàn viên”, con em người lao động khi tham gia các lớp học tại hai nhà văn hóa sẽ được giảm từ 15 - 20% kinh phí. Đây là một trong những nỗ lực của công đoàn các cấp trong việc hỗ trợ đời sống tinh thần, vật chất cho công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, những năm qua, số lượng con em công nhân đăng ký học tại đây rất ít”.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Nhà văn hóa thiếu nhi Việt Đức

Phòng bên có hai em nhỏ tầm 4-5 tuổi cũng đang ở nhà một mình xem tivi, ipad. Khi được hỏi bố mẹ các em đang ở đâu, chủ trọ cho biết, bố các em hiện đang đi làm xa, mẹ là lao động tự do. Khi các bé được nghỉ hè, không còn ai trông con, người mẹ mỗi lúc ra ngoài đều mở sẵn tivi, ipad cho các con ở phòng tự trông nhau. Thi thoảng nhờ bà chủ trọ đi qua trông chừng một chút.

Ở xóm Yên Xá có gần chục khu nhà trọ được xây dựng với diện tích nhỏ, giá cho thuê vừa phải nhằm hướng đến đối tượng là công nhân, người lao động làm việc tại các nhà máy thuộc Khu công nghiệp VSIP. Với điều kiện kinh tế hạn hẹp, các công nhân chỉ có hai lựa chọn, hoặc gửi con về quê, hoặc để con tự trông nhau ở phòng trọ. Các con chủ yếu giải trí bằng việc xem tivi, điện thoại và đối mặt với nhiều nguy hiểm tiềm ẩn.

Loay hoay tìm chỗ gửi con

Nhiều năm làm công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Vinh, cứ mỗi năm đến dịp nghỉ hè, chị Vi Thị Xuân (32 tuổi) lại “quay cuồng” theo con. Mang theo hai con nhỏ từ huyện miền núi Kỳ Sơn xuống thành phố Vinh, chị Xuân mong các con sẽ có điều kiện học tập tốt. Bé lớn đã học lớp 2, nay nghỉ hè không có người trông, trong khi các nhà trẻ quanh khu công nghiệp lại quá ít so với nhu cầu của người lao động. “Hơn một tuần nay, hai vợ chồng ngược xuôi tìm chỗ gửi con nhưng vẫn chưa tìm được, những nơi trông trẻ tư nhân họ chỉ trông những cháu từ 3 tuổi trở xuống, còn các cháu lớn, họ không nhận trông. Đi gửi ở đâu họ cũng không nhận. Chắc là sang tuần tôi phải gửi hai con về quê nhờ ông bà trông giúp”, chị Xuân cho hay.

Với những gia đình neo người, không thể nhờ ông bà nội, ngoại hay họ hàng trông hộ thì việc gửi con khó càng thêm khó. Chị Nguyễn Thị Hương (25 tuổi, trú huyện Thanh Chương) có con đang học mầm non cho biết: “Vợ chồng tôi sống xa quê, công việc lại rất bận rộn và chiếm nhiều thời gian, ở đây lại không có họ hàng thân thích nên không biết nhờ ai. Tôi cũng đã đi tìm nhiều nhóm trẻ tư nhưng vì số trẻ đăng ký vào đã quá đông nên họ không nhận. Hiện giờ, vợ chồng tôi cũng chưa biết tính thế nào”.

Không chỉ ở lứa tuổi thiếu nhi, mà các em thiếu niên cũng khiến bố mẹ lo lắng bởi tình trạng sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều trong dịp nghỉ hè. Để giải quyết nỗi lo đó, những ngày qua, nhiều phụ huynh đã lựa chọn gửi con vào các trung tâm đào tạo kĩ năng sống, bồi dưỡng năng khiếu.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Nhà văn hóa thiếu nhi Việt Đức cho biết, trong đợt tuyển sinh các lớp học hè từ ngày 10/5 đến nay, Nhà văn hóa đã nhận được gần 600 lượt đăng ký của phụ huynh cho con theo học tại đây. Trong đó, các lớp học vẽ, MC và múa được đăng ký nhiều nhất. So với các năm trước, năm nay số lượng học sinh đăng ký tham gia các lớp học năng khiếu dịp hè còn khá khiêm tốn.

MỚI - NÓNG