Nỗi khổ của lính da màu trong chiến tranh Việt Nam

Một cảnh trong phim “5 chiến hữu”
Một cảnh trong phim “5 chiến hữu”
TP - Khi bàn về chủ đề xung đột sắc tộc và cộng đồng người da màu trong thế giới điện ảnh, không thể không nhắc đến Spike Lee. Bằng tài quan sát sắc sảo, kiến thức uyên bác về các vấn đề lịch sử, chính trị cùng tình yêu mãnh liệt với nền văn hóa đặc trưng của người da màu, Spike Lee đã tạo nên những kiệt tác bất hủ mang tính thời sự về những mâu thuẫn không thể hàn gắn giữa hai chủng tộc da trắng và da màu  ở Mỹ.

Bộ phim mới nhất của ông - Da 5 Bloods (5 chiến hữu), vừa được công chiếu giữa mùa đỉnh dịch trên nền tảng Netflix đang nhận được  nhiều sự quan tâm của công chúng, đặc biệt tại Việt Nam. Bộ phim đặt bối cảnh tại Việt Nam, có sự tham gia diễn xuất của các diễn viên Việt và chọn đề tài chiến tranh Việt Nam để nêu lên bản chất phi nghĩa của cuộc chiến. Bộ phim ra mắt ngay đúng thời điểm  phong trào Black Lives Matter đang trong giai đoạn nóng hổi.

Như  “luật bất thành văn”, mọi phong trào sắc tộc sẽ không thể trọn vẹn nếu thiếu đi sự lên tiếng bằng ngôn ngữ điện ảnh của Spike Lee.

Cốt truyện của Da 5 Bloods theo chân bốn cựu binh Mỹ da màu gồm Otis (Clarke Peters), Paul (Delroy Lindo), Melvin (Isaiah Whitlock), Eddie (Norm Lewis) trong chuyến đi trở lại Việt Nam để tìm hài cốt của người đồng đội Norman Holloway (do“Báo đen” Chadwick Boseman thủ vai), đồng thời cũng tìm lại chiếc rương vàng mà “bộ năm chiến hữu” đã tìm thấy và chôn giấu trong rừng rậm 50 năm về trước.

 Da 5 Bloods vào thẳng vấn đề ngay giây phút đầu tiên với lời dẫn của tay đấm huyền thoại Muhammad Ali cùng những bức ảnh, tư liệu ghi lại các phong trào phản đối chiến tranh và sự tàn khốc, vô nhân tính mà binh lính Mỹ gây ra tại Việt Nam: “Lương tâm tôi không cho phép tôi cầm súng và bn giết những người anh em, những người khắc khổ và những người nghèo đói nơi bùn lầy chỉ vì một nước Mỹ giàu mạnh, to lớn hơn. Bắn họ để làm gì chứ? Họ còn không gọi chúng tôi là mọi đen, không hành hình chúng tôi, không thả chó xua đuổi chúng tôi, không tước đi quốc tịch của chúng tôi.”

Thật trớ trêu khi lính da màu phải xung trận chiến đấu cho chính đất nước đang chĩa súng vào những người anh em của họ. Bằng thứ ngôn ngữ điện ảnh nặng tính phê phán của mình, Spike Lee đã lột tả sự bất công mà nước Mỹ đối xử với người da màu trong chiến tranh Việt Nam qua những đoạn thoại rất đời và đầy châm biếm xuyên suốt mạch truyện.

Da 5 Bloods còn khắc họa rõ nét những dư chấn nặng nề của chiến tranh trong cuộc sống thời bình của người lính Mỹ. Trở về Việt Nam chính là dịp để bốn cựu binh đối diện với những kí ức kinh hoàng đã đeo bám họ suốt hàng chục năm. Mỗi người một hoàn cảnh, một câu chuyên riêng được bóc tách chậm rãi để người xem có thể từ từ cảm nhận được nỗi đau tinh thần dai dẳng mà chiến tranh gây ra,dẫu nó đã kết thúc từ lâu.

Phim của Spike Lee thường nêu nhiều thông điệp thế nhưng không phải tất cả chúng đều có được sự trau chuốt trong cách kể chuyện. Nếu chỉ coi Da 5 Bloods là một bài giảng về sắc tộc, chiến tranh, lịch sử, nó đã làm rất tốt. Tuy vậy, khi xét về các yếu tố làm nên một tác phẩm điện ảnh chỉnh chu, nó lại phạm phải nhiều lỗi nghiêm trọng, đặc biệt là ở khâu kịch bản và tạo dựng bối cảnh.

Bối cảnh của phim được đặt ở Việt Nam, chủ đề của phim là về lính da màu trong chiến tranh Việt Nam thế nhưng hình ảnh Việt Nam trong phim lại chỉ được thể hiện một cách khiên cưỡng, nhạt nhòa, gói gọn vỏn vẹn ở nửa đầu phim. Các nhân vật người Việt cũng nằm trong nhóm một màu, thiếu chiều sâu như đã nói ở trên. Đơn cử như vai diễn của Johnny Trí Nguyễn, dẫu có thời lượng xuất hiện đáng kể và đóng vai trò quan trọng nhưng vẫn không  để lại nhiều ấn tượng.

Dấu ấn Việt Nam trong phim

Cần phải nhắc lại Da 5 Bloods là phim về lính da màu trong chiến tranh Việt Nam chứ không phải là phim về chiến tranh Việt Nam. Việt Nam chỉ là một phương tiện để Spike Lee nêu lên quan điểm của ông về vấn nạn sắc tộc của nước Mỹ và đó có thể chính là lí do khiến phim không nhận được phản hồi tích cực đến từ khán giả Việt.

Nỗi khổ của lính da màu trong chiến tranh Việt Nam ảnh 1  Ngô Thanh Vân trong vai Hanoi Hannah.    

Nhưng ít ra thì Lee đã không đem đến hình tượng sai lệch về đất nước và con người Việt Nam như không ít phim từ Hollywood trước đây đã làm. Có thể thấy rõ ông chỉ muốn thể hiện khía cạnh tương đồng trong quan điểm của người Việt và người lính Mỹ da màu về một cuộc chiến tranh phi nghĩa và không hề có ý định đi sâu hơn bởi như đã nói ở trên, đối tượng chính của Da 5 Bloods là về lính da màu trong chiến tranh Việt Nam.

Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không dành lời khen cho màn hóa thân xuất sắc của Ngô Thanh Vân trong vai Hanoi Hannah. Mặc dù chỉ có số lần xuất hiện ít ỏi nhưng hình ảnh cô phát thanh viên cá tính với điếu thuốc luôn cầm trên tay của đài Hanoi Radio cùng những thông điệp sắc sảo, đanh thép gửi đến lính Mỹ đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng người xem. Hanoi Hannah đích thị là một trong những nhân vật Việt Nam đáng nhớ nhất trên phim Hollywood trong những năm gần đây.  

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.