Nỗi khổ cà phê được mùa, rớt giá

Nỗi khổ cà phê được mùa, rớt giá
TP - Dưới cái nắng khô hanh khắp Tây Nguyên, những vườn cà phê đỏ mọng ngày nào nay đã chuyển sang màu tím đen. Trên các vườn rẫy, người trồng cà phê thu hoạch hối hả trong nỗi lo buồn cà phê rớt giá mạnh.

> Giá cà phê rớt thảm
> Được mùa, cà phê Khe Sanh lại mất giá

Nhận khoán lỗ nặng

Vườn cà phê của Công ty TNHH MTV Cà phê 734 ở xã Đăk Mar, huyện Đắk Hà (tỉnh Kon Tum) vụ thu hoạch năm nay không sôi động như mọi năm. Anh Dương Văn Tuyền, công nhân đội 5 than thở: “Nhà tôi nhận khoán 1,3 ha cà phê, năng suất thu hoạch ước đạt khoảng 11 tấn tươi/ha. Với năng suất này và với giá hơn 6 triệu đồng tấn tươi như hiện nay, trừ chi phí đầu tư gồm tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bơm tưới, thuê lao động thu hái, đóng bảo hiểm…, tôi lỗ gần 20 triệu đồng/ha”.

Anh Tuyền giải thích không phải anh thiếu kinh nghiệm thâm canh, mà do khu vực này đất xấu, không đủ nước tưới, cà phê trồng từ những năm 1983-1984 nay đã già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh nên năng suất thấp hơn các nơi khác. Trước tình hình trên, anh đã đề nghị cấp trên đầu tư tái canh lại vườn cà phê để tháo gỡ khó khăn cho người lao động.

Cà phê năng suất thấp nhưng công thuê khoán hái lại không giảm. “Theo chủ trương của huyện, công ty đưa ra giá thuê lao động thu hái 60 nghìn đồng/tạ cà phê tươi. Tuy nhiên, trên thực tế do năng suất thấp, người hái cà phê đòi 70 nghìn đồng/tạ. Buộc lòng, tôi phải chấp nhận giá hái này, nếu không, sẽ chẳng có công hái!”

Chị Hoàng Thị Loan, anh Triệu Hồng Phong đều là công nhân đang hái cà phê gần đó xác nhận vụ này mỗi hộ đều lỗ trên mỗi ha nhận khoán không dưới 20 triệu đồng. Đang mùa thu hoạch thành phẩm sau một năm lao động cực nhọc, nhưng chúng tôi chẳng thấy ai tươi tắn, mà toàn tràn ngập nỗi lo buồn trên những khuôn mặt khắc khổ, sạm đen .

Số lao động đi hái cà phê thuê cũng chẳng vui gì. Chị Phạm Thị Thương, quê ở tỉnh Hải Dương cho biết: “Tranh thủ lúc nông nhàn, chúng tôi lặn lội vào đây hái cà phê kiếm tiền nuôi con ăn học. Những vườn cà phê này năng suất thấp, làm quần quật cả ngày không nghỉ trưa, hai vợ chồng mới hái được 4,5 tạ, chỉ được trả công hơn 300
nghìn đồng”.

Anh Trần Quảng, quê ở tỉnh Quảng Trị kể: Dù nhận hái 70 nghìn đồng/tạ, nhưng cà phê thưa trái quá nên mỗi người chỉ hái được 2 tạ/ ngày. Trừ mọi chi phí ăn uống, xe cộ vào ra, cả mùa hái cà phê năm nay muốn đem về nhà được cỡ 3 triệu đồng chắc chắn phải hái tới bầm tay, kiệt sức!

Nỗi lo của người quản lý

Ông Lê Văn Thái-Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 734 ưu tư: Công ty có trên 500 ha cà phê được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước. Năng suất cà phê của công ty năm nay ước đạt 15 tấn tươi/ha, đã tăng khoảng 2 tấn tươi/ha so với năm trước. Do giá cà phê xuống thấp hơn 2 nghìn đồng/kg cà phê tươi so với cùng kỳ năm ngoái, nên người lao động gặp khó khăn.

Để tạo điều kiện cho người lao động, Cty 734 thu mua cà phê theo giá thị trường, người lao động được quyền chốt giá lúc nào mình muốn. Dẫu vậy, người lao động vẫn buồn, còn công ty thì lo khoản nợ vay 30 tỷ đồng đầu tư cho sản xuất và kinh doanh cà phê những năm 1998-2001 tới nay vẫn chưa có khả năng thu hồi.

Không riêng tỉnh Kon Tum, mà điệp khúc cà phê được mùa mất giá này đang khiến người lao động và doanh nghiệp khắp nơi trong ngành cà phê trên cả nước phải đau đầu!

Chiều 2/12/2013, ông Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nhận định trong buổi giao ban báo chí định kỳ tại thành phố Buôn Ma Thuột: Hiện giá cà phê đang ở mức thấp hơn cả giá thành, nếu người lao động không đủ lực để tích trữ chờ lúc giá lên, phải bán ngay tại thời điểm này thì rất thiệt thòi! Công nhân nhận khoán trong các công ty cà phê lại còn khổ hơn nữa vì phần sản phẩm buộc phải nộp theo mức khoán cho doanh nghiệp. Đây quả thực là vấn đề nan giải, cấp tỉnh có muốn cũng không tự tháo gỡ, giải quyết được…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG