Nơi giao thừa không ghé qua

Bác sĩ Hùng khám cho bệnh nhi. Ảnh: Thái Hà
Bác sĩ Hùng khám cho bệnh nhi. Ảnh: Thái Hà
TP - “Năm mới nhiều yêu thương đến với bác sĩ và gia đình”. Anh mỉm cười, tay bấm phím điện thoại hồi đáp lời chúc của một bệnh nhân mà anh từng cứu sống. Bất chợt tiếng đồng nghiệp cắt ngang: “Có ca đa chấn thương nặng cần mổ gấp”. Không kịp nhấn phím gửi tin nhắn, anh cất vội điện thoại rồi bước nhanh về phía phòng mổ.

Trận địa không tiếng súng

Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng sốc, siêu âm tại phòng cấp cứu, phát hiện tràn dịch màng phổi, xương hông vỡ, mảnh xương mu đâm xiên vào bàng quang, nghĩa là ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Giữa mùa đông xứ Bắc, nhiệt độ phòng mổ luôn ở chế độ thấp để đảm bảo vô trùng nhưng trên trán những phẫu thuật viên mồ hôi rịn từng giọt. Ca mổ diễn ra căng thẳng, trong phòng chỉ có tiếng máy móc hỗ trợ sự sống cho bệnh nhân chạy rì rầm, thi thoảng mới có tiếng bác sĩ trao đổi. Hơn 2 tiếng trôi qua, những mũi khâu cuối cùng khép lại ca mổ, kèm theo tiếng thở phào sau khẩu trang kín mít… 

Bước ra khỏi phòng phẫu thuật, bác sĩ TS. Hoàng Minh Đức, khoa Điều trị theo yêu cầu (Bệnh viện Việt Đức) trở về phòng làm việc, với tay lấy chiếc điện thoại. Màn hình hiện con số 2 giờ 15 phút sáng. Hàng chục tin nhắn và cuộc gọi nhỡ của người thân, bạn bè gửi đến. Lúc ấy bác sĩ Đức hiểu mình lại vừa trải qua ca mổ nối liền 2 năm khi thời khắc giao thừa đã trôi đi tự bao giờ.

Bất cứ bệnh viện nào khoa Cấp cứu thường vất vả nhất. Cho đến tận đêm 30, bác sĩ vẫn hối hả với những ca cấp cứu được chuyển lên từ tuyến dưới. Thậm chí đến tận sáng mùng 1, họ vẫn khoác blouse trắng đi thăm bệnh như thường.

Hơn 10 năm, từ khi còn sinh viên năm cuối rồi trở thành bác sĩ nội trú cho đến giờ là một bác sĩ có thâm niên, năm nào anh cũng trực tết trong bệnh viện. Vài lần trong từng đó năm, khi trong buồng mổ, lúc đang tiếp nhận, khám cấp cứu cho bệnh nhân, bác sĩ Đức và đồng nghiệp chợt nhận ra năm mới đã đến khi nghe tiếng pháo hoa đón giao thừa vang lên. Bệnh việt Việt Đức nằm trên phố Phủ Doãn, gần hồ Hoàn Kiếm mà không khí khác nhau một trời một vực. Chỉ cách một cánh cổng, bên ngoài phố xá tưng bừng, nhà nhà đoàn viên, mùi thuốc pháo tan loãng dần trong không gian báo hiệu đất trời giao hòa thiêng liêng, bên trong buồng bệnh đượm mùi dung dịch sát khuẩn, tiếng va chạm lanh canh khe khẽ của dao kéo, bông băng thấm máu và những khuôn mặt âu lo của nhân viên y tế trước sinh mệnh người bệnh.

Ngần ấy năm đã qua, nói về những lần trực Tết, người đàn ông gần 40 tuổi không còn thấy sợ như ngày mới chập chững vào nghề. Nhưng lẫn giữa sự trầm tĩnh thêm chút chai lì là ánh nhìn xót xa kín đáo khi nhớ về những sinh linh phải trút bỏ cõi thế đúng khoảnh khắc trời đất giao hòa, bởi họ thấy bệnh nhân vĩnh viễn ra đi mà không thể làm gì. Trong nghịch cảnh đó, những bóng áo blouse lại lặng lẽ cầu nguyện cho người bệnh xấu số được siêu sinh tịnh độ.

Nụ cười không dễ nhận ra

Ký ức thời sinh viên khi được phân công trực Tết chầm chậm về trong anh. “Căng thẳng có, buồn có nhưng cũng hào hứng. Ngày đó, kinh nghiệm làm việc chưa nhiều mà bệnh nhân vào viện đa số đều là nguy kịch nên tôi căng thẳng lắm. Sợ nữa. Sợ không cứu được bệnh nhân, sợ bệnh nhân chết đúng đêm giao thừa. Rồi tôi sợ nhìn ánh mắt và sợ nghe tiếng khóc của người nhà bệnh nhân khi người thân của họ đứng giữa lằn ranh sống - chết. Vẫn biết mình cùng với các thầy đã nỗ lực hết sức để cứu nhưng không tránh được bệnh nhân tử vong, năm đó, tết thực sự nặng nề”, bác sĩ Đức kể mà như thể chính anh gây ra lỗi lầm không thể thứ tha.

“Thời khắc giao thừa tại khoa Cấp cứu là những y lệnh mổ khẩn cấp, những ca  bệnh nặng tuyến dưới chuyển lên hay những tiếng gào khóc vì đau đớn của con trẻ. Thế nên nhiều đồng nghiệp của tôi trắng đêm, sáng hôm sau về nhà chỉ muốn lăn ra ngủ bù để chuẩn bị cho ca trực tiếp theo”, bác sĩ Hùng trầm tư

12 năm vào nghề, đảm nhiệm vị trí bác sĩ chính tại khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi T.Ư), thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tân Hùng chưa từng đón giao thừa ở nhà. Năm nay cũng thế, như “truyền thống” từ ngày bước chân vào làm tại đây, nhà gần bệnh viện nên anh luôn giành phần trực tết về mình để nhường cho những đồng nghiệp ở xa được về quê ăn Tết. Thậm chí năm Hùng cưới vợ, anh vẫn xung phong đỡ đần đồng nghiệp nhà xa. Là dâu mới nên vợ anh không tránh khỏi bỡ ngỡ, cần có chồng bên cạnh động viên, chia sẻ nhưng vì đặc thù công việc nên hình như từ đó, cô vợ bắt đầu… tập dượt thêm vai trò của một người đàn ông. Từng đó năm làm dâu, vợ bác sĩ Hùng thay chồng cáng đáng những việc trong gia đình mỗi lần anh vắng nhà.

“Không ít đêm giao thừa hay sáng mùng 1 Tết, bệnh nhân nặng thi nhau nhập viện, cả ca trực hầu như thức trắng đêm, dồn hết mọi lực lượng cứu chữa. Đến lúc cấp cứu xong, mọi người mới giật mình vì đã bước sang năm mới từ lúc nào”, bác sĩ Hùng nhớ lại. Bất chợt giọng anh chùng xuống, ánh mắt như ngấn nước kể về những đứa trẻ còn non nớt đã vĩnh viễn ra đi khi năm mới chạm cửa. Năm đó kíp trực tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, mất bù rất nặng. Mọi nỗ lực của các bác sĩ để chạy đua với thời gian, với nỗ lực cao nhất giữ mạng sống cho đứa trẻ nhưng bất thành. Bệnh nhi xấu số mất khi năm mới vừa qua được vài chục phút. Nhìn xe đẩy phủ tấm ga trắng muốt đưa sinh linh vừa mới lìa đời về nhà đại thể, những y bác sĩ dường như sụp xuống, không ai nói được một lời…

Bất cứ bệnh viện nào khoa Cấp cứu thường vất vả nhất. Cho đến tận đêm 30, bác sĩ vẫn hối hả với những ca cấp cứu được chuyển lên từ tuyến dưới. Thậm chí đến tận sáng mùng 1, họ vẫn khoác blouse trắng đi thăm bệnh như thường. Bệnh nhân nhập viện đủ loại, từ tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt đến ngộ độc, đuối nước… Người nhà bệnh nhân ủ rũ, thi thoảng thấy bóng bác sĩ là nhào đến hỏi han tình hình người thân. Không khí Tết như chẳng thể chạm được đến nơi này. Thảng chăng đôi phút bớt việc, đi lướt qua gian sảnh của khoa thấy cành đào bung nở thắm sắc những con người bận rộn ấy mới chợt nhớ ra năm mới đã về. Ngoài kia, mọi người cùng nhau đếm ngược từng giây đón năm mới, còn trong khoa, các y bác sĩ chạy đua với thời gian cứu bệnh nhân.

Thời gian và những khắc nghiệt trong công việc đã bào mòn các bác sĩ trực Tết. Họ chỉ tập trung vào việc cứu người. Nhưng khoảnh khắc lắng lại, gạt sang một bên sự cô đơn, nỗi buồn vì xa gia đình trong giờ phút thiêng liêng, phần lớn họ đều thầm biết ơn khoảng thời gian đặc biệt đó bởi trực Tết là cơ hội để học hỏi và trưởng thành, là thước đo bản lĩnh những chiến sĩ ngành Y, là niềm vui nhân lên bội phần khi những sinh mệnh được họ níu giữ lại với cuộc đời. Dẫu đôi lúc chạnh lòng bởi sự thiệt thòi không thể tránh khỏi nhưng những thiên thần khoác áo bloues luôn thấu hiểu, họ sinh ra để mang sứ mệnh hồi sinh và vì thế ẩn sau lớp khẩu trang là nụ cười hạnh phúc mà không phải người đối diện nào cũng nhận ra...

Nơi giao thừa không ghé qua ảnh 1 Các bác sĩ khoa Cấp cứu chống độc (BV Nhi T.Ư) hội chẩn ca bệnh. Ảnh: Thái Hà
MỚI - NÓNG