Tràn ngập nội dung độc hại
Chủ kênh Youtube Thơ Nguyễn vừa đăng clip xin lỗi và giải thích câu chuyện xung quanh búp bê Kuma Mập, tuy nhiên chỉ người đại diện đứng ra xin lỗi vì lí do chủ kênh “bị suy sụp”. Trước đó ngày 25, 27/2, Thơ Nguyễn đăng clip trên Tik Tok về búp bê “xin vía học giỏi” cho các bạn nhỏ. Ngay sau đó, cộng đồng mạng kêu gọi tẩy chay vì cho rằng nội dung độc hại và gây liên tưởng Kumathong (búp bê “bùa ngải” của Thái Lan).
Theo giải thích từ người đại diện kênh Youtube Thơ Nguyễn, hiểu lầm nêu trên do thời lượng Tik Tok chỉ giới hạn 60 giây nên không truyền đạt đầy đủ thông điệp “muốn học giỏi phải tự nỗ lực chứ chẳng thể xin ai, cũng chẳng có phép màu, siêu nhiên nào cả”. Thế nhưng cách gọi con búp bê là Kuma Mập dễ gây hiểu nhầm, hơn nữa hành vi cho búp bê uống coca để xin vía cũng phản cảm.
Đây không phải lần đầu Thơ Nguyễn bị phản ứng. Cả nghìn clip chủ yếu dành cho trẻ em trên kênh cá nhân, người này từng bị la ó vì clip làm bồn tắm thạch Gelli Baf khổng lồ. Hoặc loạt thí nghiệm, thử thách dù có cảnh báo không nên học theo, nhưng vẫn gây lo ngại như bỏ đá khô vào chai kín gây nổ, đun bia và nước ngọt trên bếp.
Có đủ trò nghịch dại khác mà các youtuber nghĩ ra để câu khách. Chẳng hạn youtuber Nguyễn Thành Nam từng đăng clip thả gần 100 con dao từ trên cao xuống dưới khiến người xem rợn tóc gáy. Những trò độc, quái dị khác như thử dùng móc áo treo cổ, thử thách thắt cổ mà vẫn thở... nằm trong muôn vàn nội dung xấu, độc khác trên mạng xã hội.
Cần biện pháp mạnh
Những kênh Youtube hướng tới giới trẻ, đặc biệt là trẻ em có lượng đăng ký rất lớn, ví như kênh Thơ Nguyễn có tới hơn 8,7 triệu người đăng ký. “Lợi ích kinh tế là một yếu tố quan trọng chi phối hành vi sản xuất thông tin trên mạng xã hội. Chính việc cổ vũ các nội dung không phù hợp qua lượt share, view, like, tạo điều kiện cho các chủ trang kiếm nhiều tiền, khiến nở rộ xu hướng tạo ra các nội dung không lành mạnh nhưng lại kích thích sự tò mò. Không chỉ Thơ Nguyễn mà rất nhiều trang tương tự chính là biểu hiện của việc chạy theo lợi ích kinh tế để tạo ra các nội dung phản cảm”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia phân tích.
Nhìn về hiện tượng này, TS Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thông và Phát triển cho rằng, sự phát triển của mạng xã hội tạo cơ hội cho các nhà truyền thông tự phát. Không gian mạng như cái chợ hỗn loạn, đòi hỏi người tiếp nhận phải có nhận thức chân chính, có trình độ và bộ lọc tốt. Tuy nhiên trẻ em, trẻ vị thành niên có tâm lý tò mò hiếu động dễ theo trào lưu - là lứa tuổi có nguy cơ cao tiếp nhận thông tin mà chưa có nhận thức đúng đắn. Các em dễ bị tác động, học theo và có những suy nghĩ lệch lạc.“Hậu quả nghiêm trọng hơn chúng ta nghĩ rất nhiều, nó để lại di chứng lâu dài về tinh thần, chẳng hạn chứng nghiện điện thoại, nghiện trò chơi điện tử hay nghiện mạng xã hội”.TS Đặng Vũ Cảnh Linh
Không còn là nguy cơ nữa, chúng ta thấy hậu quả nhãn tiền do những nội dung xấu độc trên Youtube gây ra thời gian qua. Đầu năm ngoái, một học sinh cuối cấp 2 ở Hải Dương bị đa chấn thương sau khi tự chế thuốc nổ do học theo video trên Youtube. Cuối năm 2020, một bé 5 tuổi tử vong do học theo trò thắt cổ trên mạng. Trò nghịch dại này còn khiến một bé 7 tuổi khác hút chết, may mắn được gia đình phát hiện.
“Hậu quả nghiêm trọng hơn chúng ta nghĩ rất nhiều, nó để lại di chứng lâu dài về tinh thần, chẳng hạn chứng nghiện điện thoại, nghiện trò chơi điện tử hay nghiện mạng xã hội”, TS Đặng Vũ Cảnh Linh cảnh báo. Ông đề xuất đến lúc cần nghiêm túc đưa ra chế tài mạnh dưới góc độ pháp luật để quản lý nội dung trên không gian mạng. Để ngăn chặn những nội dung xấu, độc này, ông Cảnh Linh nhắc đến giải pháp ngăn chặn từ gốc rễ. Điều này có nghĩa chính các chủ kênh mạng xã hội cần có cam kết về nội dung để nâng cao trách nhiệm với xã hội. Đồng thời, các nhà truyền thông mạng cũng cần được trang bị và nâng cao kiến thức, kỹ năng để hướng tới sản xuất video lành mạnh.
Đại diện Cục Phát thanh -Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) ngày 11/3 cho biết, Cục phối hợp Cục An ninh Chính trị Nội bộ (Bộ Công an) để mời chủ kênh Thơ Nguyễn lên làm việc. Theo đại diện Cục, chủ kênh Thơ Nguyễn có dấu hiệu truyền bá mê tín dị đoan (tuyên truyền bùa ngải, búp bê Kumathong). Trong trường hợp xác định được vi phạm, chủ kênh sẽ bị xử phạt theo quy định.