Nỗi đau thôn nghèo

Một người dân ở Cẩm Tú bị ung thư
Một người dân ở Cẩm Tú bị ung thư
TP - Vài năm gần đây, người dân thôn Thuần Lương (Cẩm Tú, Cẩm Thủy, Thanh Hóa) luôn sống trong lo âu. Trong 3 năm qua, đã có hơn chục người chết vì ung thư. Thêm 3 người nữa đang sống trong khắc khoải của căn bệnh nan y này. Dân hoang mang không biết nguyên nhân gây bệnh từ đâu?

> 'Làng ung thư' đâu chỉ có Thạch Sơn

Một người dân ở Cẩm Tú bị ung thư
Một người dân ở Cẩm Tú bị ung thư.

Thôn Thuần Lương có diện tích đất tự nhiên khoảng 40ha, với 790 nhân khẩu nằm song song với đường Hồ Chí Minh. Đa phần là dân đi xây dựng kinh tế mới từ năm 1963. Lâu nay người dân nơi đây chỉ quen với công việc đồng áng, lo cái ăn cái mặc đã chật vật, nay lại lo căn bệnh hiểm nghèo rình rập.

Nhà ông Nguyễn Đình Định, một gia đình cả hai vợ chồng đều chết vì căn bệnh ung thư. Vợ ông mất đi khi ông chỉ hơn 30 tuổi, để lại cho ông nuôi hai con thơ dại, ông ở vậy nuôi con. Đầu tháng 12- 2011, đi làm về, ông Định thấy trong người mệt mỏi, bụng đau quặn lại .

Gia đình đưa ông đi khám, bệnh viện trả về với kết luận: bị ung thư gan giai đoạn cuối. Ít ngày sau, ông Định mất. Hai con của ông lâm cảnh không nơi nương tựa, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn.

Ông Nguyễn Xuân Phong trưởng thôn Thuần Lương cho biết: “Ngoài ông Định, trong năm 2011 đã có 4 người chết do bệnh ung thư, chủ yếu là ung thư gan và phổi, vòm họng, người chết mới đây nhất là ông Nguyễn Văn Tân ở xóm dướ”.

Người dân thôn Thuần Lương và cả xã Cẩm Tú vì căn bệnh này, vừa “thoát nghèo” lại trở về cảnh túng thiếu. Nhiều người mắc bệnh, dốc hết của cải trong nhà để chữa trị nhưng rồi cũng bất lực, bó tay, phó mặc cho số phận. Căn bệnh làm xáo trộn một làng quê yên bình, nhiều người hoang mang. Cái tên “làng ung thư” qua truyền khẩu khiến dân làng thêm lo lắng.

Nỗi đau ung thư

Trong căn nhà vắng lặng, ông Nguyễn Ngọc Định, năm nay 53 tuổi nằm thoi thóp trên giường, dưới bếp bà Trịnh Thị Hà vợ ông đang nhặt rau để nấu bữa trưa .

Bà tâm sự: “Đang khoẻ mạnh đi làm đồng bình thường, thấy trong người mệt đi khám, các bác sĩ nói ung thư vòm họng giai đoạn cuối. Từ đầu tháng10 đến giờ ông ấy chỉ nằm một chỗ, bao nhiêu tiền của chữa trị nhưng bệnh không thuyên giảm”.

Người dân ở Thuần Lương đều làm nông ít ai có thói quen khám bệnh định kỳ. Đến khi bị ốm, họ mới bệnh viện khám. Trưởng thôn Nguyễn Xuân Phong cho biết thêm: “Trước đây, trong thôn nhiều người chết trẻ nhưng không biết chết vì bệnh gì, mấy năm gần đây mới biết là chết do ung thư”.

Cách nhà bà Hà không xa là nhà ông, Nguyễn Đình Tam. Ông Tam 55 tuổi, hằng ngày phải đánh vật với cái bụng trương lên to. Ông bị ung thư gan đã 1 năm nay, gia đình đã tìm mọi cách chữa trị nhưng bất lực.

Được biết, 2/3 số dân làng đến mùa khô phải đi lấy nước từ các giếng trong làng về ăn. Nước sinh hoạt của cả thôn phụ thuộc vào Đập Hai Dòng.

Nếu mở nước cho dân có nước cày cấy thì cả thôn mới có nước ăn. Giếng làng, từ lâu bị nhiễm đá vôi nặng. Năm ngoái đã có cán bộ y tế về kiểm tra nguồn nước nhưng kết luận là nguồn nước đảm bảo.

Số người chết do căn bệnh ung thư ở làng mỗi ngày một thêm mà nguyên nhân thì không ai rõ. Nỗi lo cứ đè nặng lên thôn nghèo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.