Ba năm sau, vợ chồng ông Khanh sinh con gái thứ hai, may mắn phát triển khỏe mạnh. Con trai út Nguyễn Hữu Tước, lớn lên có những biểu hiện như anh trai. Vợ chồng ông Khanh đưa hai con đi chữa bệnh tại nhiều nơi và được biết con của mình đã bị di chứng chất độc da cam. Trong những năm tháng chiến tranh, ông Khanh từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị; còn bà Cấp cũng từng là y tá phục vụ trên chiến trường.
Nhiều năm qua, ông Khanh phải làm việc quần quật để nuôi cả gia đình. Còn bà Cấp phải chăm sóc hai đứa con trai tâm thần cũng hết ngày nên chẳng còn thời gian để làm việc khác. Lớn lên, mỗi khi lên cơn, Sơn thường hất tung mâm cơm, đuổi đánh bố mẹ.
Cách đây chục năm, không còn cách nào khác vợ chồng ông Khanh đành phải dành một phần trong nơi ở của mình để nhốt Sơn lại. Do bệnh tật, đến nay đôi mắt Sơn đã bị mù. Còn Tước đã 26 tuổi vẫn phải để mẹ chăm sóc như trẻ lên ba.
“Năm ngoái, thấy nhà quá xuống cấp, chồng tôi đành phải nhờ sổ lương của con gái đem thế chấp vay 20 triệu đồng để sửa nhà. Không ngờ, ít lâu sau, chồng tôi mất vì ung thư gan. Bao năm qua, ông vẫn đi làm bình thường mà không hề bị cảm cúm, ai ngờ khi phát hiện bệnh lại ra đi nhanh như vậy”- bà Cấp cho biết. Từ khi ông Khanh mất, nỗi nhọc nhằn chất cả lên vai bà Cấp.
Mong những tấm lòng hảo tâm của bạn đọc gần xa giúp đỡ gia đình bà Cấp. Mọi sự giúp đỡ xin gửi theo địa chỉ gia đình, hoặc Ban Bạn đọc báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội.