Nội các mới có thể gây khủng hoảng chính trị ở Mỹ

Nội các mới có thể gây khủng hoảng chính trị ở Mỹ
TP - Cả hai ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng và Giám đốc CIA do Tổng thống Mỹ Obama đề cử sẽ phải được Quốc hội chuẩn y. Theo nhận định của báo chí Mỹ, cả Nhà Trắng lẫn Quốc hội đều tỏ dấu hiệu sẵn sàng đối đầu nhau.

> Mỹ sắp có Bộ trưởng Bộ Tài chính mới
> Mỹ sắp có giám đốc CIA mới

Tổng thống Obama giới thiệu ông Chuck Hagel (trái) và John Brennan (phải)
Tổng thống Obama giới thiệu ông Chuck Hagel (trái) và John Brennan (phải).

Việc Tổng thống Obama đề cử 2 ứng viên vào những chức vụ chủ chốt trong Chính phủ: Cựu Thượng Nghị sĩ Chuck Hagel vào chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng và chuyên gia chống khủng bố John Brennan vào chức vụ Giám đốc CIA - đang gặp thách thức nghiêm trọng từ phía Quốc hội và có thể gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị lớn.

Ông John Brennan, 57 tuổi sẽ phải trả lời những câu hỏi hóc búa về các vụ rò rỉ thông tin mật từ Chính phủ hiện nay cũng như về việc sử dụng các biện pháp tra tấn và hỏi cung tàn nhẫn trong các nhà tù Mỹ dưới thời Tổng thống George Bush.

Mới đây nhất, các Nghị sĩ thuộc đảng Cộng hoà đã đe dọa sẽ phong tỏa việc bổ nhiệm ông John Brennan cho tới khi Nhà Trắng cung cấp cho họ toàn bộ thông tin về cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ tại Libya ngày 11-9-2012 khiến Đại sứ Mỹ tại Libya bị giết hại.

Vấn đề này đã được Ban Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cũng như đại diện Cục Tình báo và Nhà Trắng báo cáo 3 lần với các Nghị sĩ nhưng họ vẫn chưa hài lòng và yêu cầu có những thông tin đầy đủ và xác thực hơn.

Việc đề cử ông Chuck Hagel, 66 tuổi, một cựu binh Việt Nam, làm Bộ trưởng Quốc phòng chắc chắn cũng sẽ gây ra một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ. Hơn thế nữa, làn sóng chỉ trích đó lại xuất phát từ những Nghị sĩ “diều hâu” cùng thuộc đảng Cộng hoà với ông.

Nguyên nhân có nhiều, chẳng hạn, ông Hagel phản đối những biện pháp trừng phạt của Mỹ chống Iran, ủng hộ việc Mỹ tiếp xúc với Phong trào Hamas của Palestine mà Mỹ vẫn coi là một Tổ chức khủng bố…

Tuy nhiên, các Nghị sĩ Cộng hoà bất bình với ông Hagel chủ yếu là do lập trường của ông đối với Israel - đồng minh thân cận nhất của Mỹ.

Theo ý kiến họ, ông Hagel dường như không triệt để đứng về phía Nhà nước Do Thái. Chẳng hạn, ông đã từng kêu gọi các Nghị sĩ Mỹ thoát khỏi ảnh hưởng của những tổ chức vận động hành lang cho Israel.

Ông cũng đã nhiều lần tuyên bố mặc dù ông luôn luôn nỗ lực bằng mọi cách để bảo đảm an ninh cho Israel nhưng ông cũng sẽ không im lặng ủng hộ mọi việc làm của Israel đối với Palestine.

Theo quy tắc hoạt động của Thượng viện Mỹ, bất kỳ Thượng Nghị sĩ nào cũng có thể phong toả bất kỳ đề cử nào vào những chức vụ trong bộ máy nhà nước. Nếu xảy ra tình huống này, Tổng thống vẫn có quyền bổ nhiệm quan chức bằng cách ra sắc lệnh trong thời gian Quốc hội nghỉ hè. Ông Obama đã vài lần sử dụng quyền Hiến định đó của mình.

Tuy các Nghị sĩ Cộng hoà chưa nói đến chuyện phong toả việc bổ nhiệm Chuck Hagel nhưng đã có 2 Thượng Nghị sĩ đầy thế lực lên tiếng phê phán ông.

Thượng Nghị sĩ Lindsey Graham cảnh báo, ông Hagel có thể trở thành “Bộ trưởng Quốc phòng có lập trường thù địch với Israel hơn hết” trong toàn bộ lịch sử nước Mỹ.

Còn Thượng Nghị sĩ John Cornyn tuyên bố, việc bổ nhiệm ông Hagel làm Bộ trưởng Quốc phòng có thể là “bức thông điệp tồi tệ nhất mà nước Mỹ gửi tới những người bạn Israel và các đồng minh khác của chúng ta ở Cận Đông”.

Ông Hagel không những bị chỉ trích từ phía hữu, phía đảng Cộng hoà, mà còn từ phía tả, phía đảng Dân chủ.

Quả thật, ông bị những người Dân chủ chỉ trích không phải vì lập trường chính trị mà là do thái độ kỳ thị của ông đối với những nhóm thiểu số luyến ái đồng giới.

Hồi năm 1998, Hagel đã lớn tiếng phê phán Đại sứ Mỹ ở Luxemburg vì ông này không che giấu khuynh hướng đồng tính nam của mình.

Theo ý kiến Hagel, các nhà ngoại giao Mỹ phải thể hiện “phong cách sống cũng như các giá trị và chuẩn mực” của nước Mỹ.

Tiếp đó, đến năm 1999, Hagel lại kịch liệt phản đối quyết định của Chính phủ Clinton cho phép những người luyến ái đồng giới được phục vụ trong hàng ngũ quân đội Mỹ theo quy tắc “Don’t ask, don’t tell” (“Không hỏi, không nói”).

Hagel tuyên bố, quân đội Mỹ “không phải là nơi tiến hành các thực nghiệm xã hội”. Tuy nhiên, vài năm sau Hagel đã tỏ ý hối tiếc về thái độ kỳ thị này của ông.

Ngọc Thoa
Theo Newsru.com

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.