Nơi các chiến binh Triều Tiên nằm lại

Nơi các chiến binh Triều Tiên nằm lại
TP - Ở Bắc Giang có một khu nghĩa trang liệt sĩ đặc biệt dành cho 14 chiến binh Triều Tiên ngã xuống vì độc lập, tự do của Việt Nam. Câu chuyện về những người lính này trong mắt người dân nơi đây đẹp như truyền thuyết…
Thiếu tướng Phan Khắc Hy (ngồi hàng đầu, thứ tư từ phải sang) là chính ủy Bộ tư lệnh không quân. Hai bên tướng Hy là đoàn trưởng và đoàn phó đoàn không quân CHDCND Triều Tiên (ảnh nhân vật cung cấp)
Thiếu tướng Phan Khắc Hy (ngồi hàng đầu, thứ tư từ phải sang) là chính ủy Bộ tư lệnh không quân. Hai bên tướng Hy là đoàn trưởng và đoàn phó đoàn không quân CHDCND Triều Tiên (ảnh nhân vật cung cấp).

Khu mộ bí ẩn

Khu mộ 14 người lính Triều Tiên nằm trên đỉnh đồi Rừng Hoàng thuộc thôn Tân Văn, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang, Bắc Giang). Xung quanh khu mộ được ngăn cách bởi bức tường gạch rêu phong, nhiều chỗ đổ nát, cỏ dại hoang tàn.

Nhưng bù lại, khu nhà tưởng niệm với màu sơn hồng ấm áp nổi bật giữa màu lá cây xanh mướt mát. Ngoài tấm bia ghi dòng chữ đơn giản: “Nơi đây đã từng là nơi yên nghỉ của những người lính Triều Tiên”, 14 mô hình ngôi mộ nằm lặng lẽ. Trên bia mộ, tên của những người Triều Tiên được ghi bằng hai thứ tiếng Triều (mặt trước) và Việt (mặt sau).

Thông tin trên bia cho biết những người từng nằm xuống nơi đây gồm 12 sĩ quan và 2 chiến sĩ của quân đội Triều Tiên. Trong đó, người trẻ nhất là chiến sĩ Uông-Hơ- Sanh 19 tuổi. Thời gian hy sinh của những người lính Triều Tiên này là từ 1965 - 1968.

Ông Dương Văn Dậu bên những nấm mộ chiến sĩ Triều Tiên
Ông Dương Văn Dậu bên những nấm mộ chiến sĩ Triều Tiên.

Người thương binh hạng 4/4 Dương Văn Dậu 68 tuổi, cho biết: Từ năm 1967, khu mộ được giao cho một cụ bà trông nom. Sau khi cụ mất năm 2000 đã bàn giao lại cho ông Dậu và từ đó ông trở thành người trông nom nghĩa trang đặc biệt này.

Theo ông Dậu, để tìm được nơi đặt nghĩa trang ưng ý, người Triều Tiên đã đi tìm khắp từ Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang. Đứng trên đỉnh đồi có thể phóng tầm mắt về xa tít đằng đông- nơi có đất nước Triều Tiên của họ.

Nói họ từng nằm xuống ở đây là bởi, năm 2002, Triều Tiên đã cử đoàn công tác sang tận nơi để đưa hài cốt những người lính trở về.

Từ sáng sớm 19-6-2002, đại diện đại sứ quán Triều Tiên cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang đã có mặt làm lễ dâng hương. Lực lượng quân đội được bố trí thành hai vòng canh gác bên ngoài, người dân không được vào.

Khu vực mộ của các chiến binh Triều Tiên được quây bạt kín mít. 20 người phụ trách đào một huyệt cho đến khi hoàn thành và chuyển hài cốt lên xe đưa tới sân bay về Triều Tiên.

“Trong số 14 ngôi mộ thì ngôi mộ đánh số thứ tự 13 là không có hài cốt. Chắc bởi vì những phần thân thể của người lính xấu số ấy đã nằm rải rác ở nơi nào đó trên đất nước ta” - bà Nguyễn Thị Thiện, vợ ông Dậu cho biết.

Hầm Triều Tiên

Cách khu mộ của những người lính Triều Tiên không xa, tại xã Tân Hưng (huyện Lạng Giang) vẫn còn 7 cái hầm mà người dân quen gọi là “hầm Triều Tiên”.

Hầm Triều Tiên, nơi các chiến sĩ không quân Triều Tiên ở ngày trước
Hầm Triều Tiên, nơi các chiến sĩ không quân Triều Tiên ở ngày trước .

Theo các cụ già trong xã, hầm khá kiên cố, xây bằng bê tông, cốt thép với độ dày lớn, các loại bom đương thời do quân đội Mỹ rải xuống miền Bắc khó có thể công phá được.

Hầm do một tốp công binh của Trung Quốc xây dựng. Đến giờ, những chiếc hầm bí mật tuy thuộc quyền quản lý của quân đội nhưng vẫn nằm trong đất vườn nhà dân. Nhiều năm nay không ai đoái hoài, các hộ dân biến nó thành nơi đổ rác, hoặc nuôi cá trê.

Ông Trịnh Văn Vụ (SN 1948), một người dân thôn Trung Phụng Trong, xã Tân Hưng nhớ lại: Lính Triều Tiên đóng quân ở đây sống rất chan hòa với dân. Đặc biệt, mỗi khi thắng trận trở về, họ nhảy múa, lấy kẹo bánh, lương khô chia cho người dân xung quanh. Thế nhưng, khi có một người hy sinh, họ lầm lũi như những cái bóng, đóng cửa, yên lặng và khóc rất nhiều.

Bên trong hầm
Bên trong hầm.

Gạt nước mắt, những người lính Triều Tiên chôn cất cho đồng đội. Theo nhiều cựu chiến binh của Quân đoàn 2 và một số người nguyên là lãnh đạo của địa phương trong thời kỳ ấy, thì thủ tục chôn cất của lính Triều Tiên rất phức tạp và nhất thiết phải có 2 thứ là cá chép và chó.

Nguyên tắc phải là 10 con cá chép hồng dưới sông và 1 con chó đen. Chó thì dễ kiếm nhưng cá thì không phải lúc nào cũng có, do đang là thời điểm chiến tranh ác liệt.

Dù vậy, xã vẫn huy động hàng chục người đánh lưới, bất kể đêm ngày mới gom đủ số cá, không hoàn toàn là cá sông. Khi có 2 người cùng hi sinh một lúc, coi như xã phải vất vả cả ngày hôm đó.

Áo quan để liệm lính Triều Tiên cũng khá đặc biệt, theo thiết kế “trong quan, ngoài quách”, tức là bên trong có một lượt áo quan rồi đến lễ vật và cuối cùng là một lớp áo quan nữa bên ngoài.

Tinh thần Triều Tiên

Để đối phó việc Mỹ dùng không lực mạnh bắn phá miền Bắc Việt Nam giữa những năm 1960, không quân Việt Nam với các loại máy bay MIG 17, MIG 19 đã có nhiều sáng tạo trong cách đánh để hạ gục những Thần sấm F4, F111 của địch.

Với tinh thần vừa học tập vừa tham gia chiến đấu, Triều Tiên đã cử một số chiến sĩ không quân sang Việt Nam học tập và thực hành cách đánh của ta.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Không quân trong thời gian đó, cho biết: Được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam, năm 1966, Đoàn không quân chiến đấu CHDCND Triều Tiên với gần 150 người sang Việt Nam.

Bộ Tư lệnh Không quân Việt Nam giao cho Trung đoàn 923 (đóng tại Kép, Lạng Giang, Bắc Giang) quản lý. Họ sang chỉ có người, còn toàn bộ máy bay, lương thực, thuốc men… do quân đội ta cung cấp.

Trong số quân nhân Triều Tiên, 24 người được giao máy bay chiến đấu (14 người được giao máy bay MIG 17B, 10 người được giao MIG 17C). Có 113 người thực hiện nhiệm vụ tham mưu, chính trị, hậu cần dưới sự chỉ huy của Bộ đội trưởng, Thượng tá Kim Chang Xơn.

Trong thời gian ở Việt Nam, họ được các sĩ quan không quân Việt Nam chỉ bảo tỉ mỉ về kỹ thuật sử dụng máy bay, tiêm kích trên không, đánh du kích, lấy yếu thắng mạnh… Sau khi học xong các kỹ thuật cơ bản, những người lính Triều Tiên đề nghị được ra trận chiến đấu như lính không quân Việt Nam.

“Được sự huấn luyện của ta, họ cũng chiến đấu tốt. Tuy nhiên, họ có đặc điểm là coi trọng yếu tố kỹ thuật hơn yếu tố chính trị, tinh thần. Cho nên có trận đánh không tốt thì họ lại nghĩ là tại kỹ thuật. Nên ngày 7-7-1968 tôi phổ biến kinh nghiệm với đoàn về tinh thần chính trị của không quân Việt Nam, họ nghe xong rất phấn khởi”- Tướng Hy ke.

Trong thời gian chiến đấu, họ đã giúp Việt Nam hạ nhiều máy bay địch. Theo tướng Hy, sơ kết đợt đầu chiến đấu từ năm 1966 đến đầu năm 1969, không quân ta bắn rơi 222 máy bay Mỹ, bắt sống 51 giặc lái, trong đó những chiến sĩ không quân Triều Tiên giúp ta bắn rơi 26 chiếc. 14 chiến sĩ Triều Tiên hy sinh và khu mộ ở đồi Rừng Hoàng là nơi tiếp nhận họ.

Ngoài những người đã hy sinh, nhiều chiến binh Triều Tiên tham gia chiến đấu ở Việt Nam khi trở về được Nhà nước Triều Tiên phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Sau chiến tranh, vào những ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân của Triều Tiên (24-5), nơi đây thường đón các đoàn của sứ quán, học sinh và nhân dân Triều Tiên sang thăm, thắp hương.

Năm 2002, khi hài cốt của những người lính này được đưa về cố quốc, Việt Nam cho xây dựng nhà bia tưởng niệm và 14 mô hình mộ của các chiến binh này. Cũng từ đó, khu mộ hầu như không còn người đến thăm viếng.

“Từ khi các anh ấy được đưa đi, người dân trong thôn thấy trống vắng lạ thường. Bây giờ chỉ còn mỗi chồng tôi được xã cắt cử để trông nom nghĩa trang vắng lặng ấy dù chẳng được một đồng nào. Ông ấy bảo, là người lính với nhau tính gì chuyện tiền nong. Nhưng nghĩ cứ thấy tồi tội…” - bà Thiện tâm sự.

Đưa chúng tôi ra thăm khu nghĩa trang của những người lính Triều Tiên, thương binh Dương Văn Dậu tranh thủ cắt cây cỏ dại xung quanh những ngôi mộ đã bạc màu. Gió từ phía đông bỗng thổi về lồng lộng…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG