Sa Pa cách Hà Nội 376 km, giờ chẳng xa xôi gì khi có đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, chạy 100km/h. Phan Xi Păng - nóc nhà Đông Dương cao 3.143m trên dãy Hoàng Liên Sơn, giờ du khách chẳng vất vả chinh phục, khi cáp treo chạy gần đến đỉnh. Chợ tình quyến rũ thì bị xi măng hóa, thương mại hóa rồi…
Sa Pa thay đổi quá lớn, cảm xúc du khách đến đây cũng không được như trước.
Đầu thế kỷ 20, người Pháp biến Sa Pa thành khu nghỉ dưỡng với hệ thống biệt thự sang trọng. Sa Pa ngày nay, biệt thự cổ Pháp không còn. Khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng mới mọc lên. Đất Sa Pa đắt hơn Hà Nội, TPHCM… Nhiều nhà đầu tư đang phất lên.
Những ngày ở Sa Pa tôi cứ lẩn thẩn với nhiều câu hỏi khi vẻ đẹp dịu dàng, nguyên sơ của thị trấn nghỉ dưỡng nổi tiếng trong quá khứ bị mai một, hiện hữu là một nơi hiện đại, đè nặng bởi nhà cao tầng, bê tông hóa khắp nơi. Sự tiện lợi trong chinh phục đỉnh Phan Xi Păng khiến khách du lịch đổ về nêm cứng thị trấn các dịp nghỉ lễ. Những bức ảnh chụp trên đỉnh Phan Xi Păng đăng trên các trang cá nhân không cho du khách cái cảm giác được chinh phục nữa. Ăn, nghỉ, quà lưu niệm ở đây cũng không đặc sắc là mấy. Cứ hao hao Hà Nội hay thành phố lớn nào đó dưới xuôi.
Tôi bị ấn tượng mạnh bởi hình ảnh người dân với trang phục dân tộc xuất hiện ở thị trấn. Có cảm giác họ là khách của thị trấn, chứ không phải chủ nhân mảnh đất này, khi cứ lạc lõng giữa phố xá, xe cộ... Họ đi chậm rãi, ngơ ngác, từng tốp... Trưa vắng, đêm khuya, họ nghỉ từng nhóm bên hành lang khách sạn, cửa hàng, vệ đường... Có nhóm trải bạt bày bán dăm thứ đồ. Hàng lưu niệm họ bán không khác các sản phẩm ở cửa hàng. Họ đến thị trấn từ sớm và lưu lại đến khuya.
Cô gái vừa tốt nghiệp một trường đại học tại TPHCM, nay về phụ mẹ bán hàng cho biết, các sản phẩm bán tại cửa hàng lưu niệm là đặt hàng người dân làm rồi về gia công thêm cho đẹp mẫu mã. “Người dân ngồi trong thị trấn này, họ làm gì vậy?”, tôi hỏi. “Họ cũng bán hàng thôi anh. Ngày trước, khi Sa Pa chưa như bây giờ, có gì họ đều mang xuống thị trấn bán. Giờ bán mấy thứ đó ít người mua vì đồ lưu niệm ở cửa hàng đẹp hơn. Khách du lịch nếu mua chỉ cho vui, động viên thôi”, cô gái nói.
Người lớn, trẻ em bán hàng rong đang nghỉ ngơi bên cửa hàng.
Khách sạn, nhà hàng, cửa hàng lưu niệm là của người giàu, người dưới xuôi lên đầu tư. Đất đai quanh thị trấn đang bị các đại gia thâu tóm, mở rộng. Người bản địa sẽ lui xa hơn thị trấn của mình. Các sản phẩm du lịch cũng được đặt hàng sản xuất theo chuỗi, người dân dù muốn cũng khó tự bán các sản phẩm của mình. Phải bắt tay làm ăn với hệ thống cửa hàng, doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Xu hướng đó không cưỡng lại được. Cứ xuống phố mà không bán được hàng để nuôi sống gia đình, ngồi nhờ, ở đậu bên hành lang nhà người khác, bên lề đường kiểu này, không biết họ còn xuống thị trấn bao lần nữa. Sẽ thế nào, nếu thị trấn xinh đẹp này không có hình ảnh người bản địa?
Tối thứ Bảy, nghe nói có bắn pháo hoa ở Chợ tình. Nhà cao thế này, không lên sân thượng thì chắc không thấy pháo hoa. Chiều, tôi ra Chợ tình. Cái lòng chảo họp chợ giờ không khác cái giếng lớn xi xăng. Ai mà tưởng tượng được, trước kia, đây là nơi gặp gỡ của người Sa Pa với tiếng khèn dìu dặt, giữa có cây, hoa lá...
Từ khách sạn tôi ở ra Chợ tình khoảng 1km đường dốc. Tối hôm đó, có nam, có nữ, có gặp nhau, có hát múa. Nhưng trai, gái mắt xanh, môi đỏ biểu diễn trước du khách, có cả chuyện cho tiền. Nghe nói, nam thanh, nữ tú ca hát ở Chợ tình là diễn viên, người của phòng văn hóa? Trong khung cảnh bê tông hóa, giữa hàng trăm con mắt khán giả hiếu kỳ, trai gái dân tộc nào dám biểu lộ tình cảm thật. Biểu diễn Chợ tình thì có gì lạ nữa? Sẽ không còn xa, Chợ tình chỉ còn lại trong kí ức, nó chỉ được dựng lại qua sân khấu hóa!
Vừa trông em vừa bán hàng.
Trên con đường cạnh Chợ tình, 12h đêm trở nên vắng vẻ. Bên vỉa hè rộng rãi lát đá sạch sẽ có mấy bé gái bán hàng. Đứa nằm lăn ra chiếu, đứa úp mặt trên đầu gối của mình. Mấy cái túi, các con vật nhỏ xinh, ngộ nghĩnh được bày ra bán cũng “ngủ” im lìm trên vỉa hè. Cách đó mấy mét, bên góc cây có cậu bé khoảng 8 tuổi, cõng đứa em chưa biết đi, cứ lặp lại câu “mua cho cháu đi” mắt lim dim. Đứa em sau lưng ngủ từ lâu rồi. Đang mải nhìn hai anh em này thì một bé gái chạy đến dí vào tay tôi cái túi bé tí bảo “mua đi”. Tôi lắc đầu, nó bảo “phải mua”. Cuối cùng cũng “phải mua” thật.
Bước vào quán ăn đối diện Chợ tình, khi đồng hồ chỉ sang ngày mới. Ngồi vào bàn ăn, mấy đứa bé lại đến bao vây. “Ra chỗ khác, tao bán hàng”, chủ quán quát. “Sao khuya rồi mà chúng chưa về ngủ?”, tôi hỏi. Chủ quán mang bia cùng mấy cái chân gà đến, bảo: “Bố mẹ chúng nó bảo đi bán đấy”.
Trên đường về Hà Nội, tôi tự hỏi mình có vui không khi đến Sa Pa. Chợ tình, đỉnh Phan Xi Păng, những đứa trẻ bán hàng, người dân bản địa xuống thị trấn… là những hình ảnh mang lại cảm xúc mạnh, nhưng có cái gì đó thiếu hài hòa trong bức tranh Sa Pa hiện đại.