Nỗi ám ảnh 'Hiệp ước không gây hấn Gijon' phiên bản hai

Mỹ và Đức sẽ bắt tay?
Mỹ và Đức sẽ bắt tay?
TPO - Dù có thắng Ghana cả trăm bàn trong lượt trận cuối bảng G, Bồ Đào Nha vẫn bị loại sớm nếu trận Đức-Mỹ diễn ra cùng giờ kết thúc với tỉ số hòa. Và điều này hoàn toàn có thể xảy ra, khi các cầu thủ của Đức và Mỹ thể hiện được trình độ diễn kịch trên sân cỏ.

Lịch sử đã chứng minh rằng, chính đội tuyển Đức (khi đó mang tên Tây Đức) đã từng tạo nên vết nhơ trong cuốn biên niên sử của các kỳ World Cup. 32 năm trước, tại World Cup 1982 tổ chức tại Tây Ban Nha, đội tuyển Tây Đức đã kết hợp cùng đội tuyển Áo diễn một màn kịch vô cùng vụng về nhưng lại đạt hiệu quả tối đa cho cả hai bên.

Cụ thể hơn, đó là trận đấu cuối cùng của bảng 2 và nhiệm vụ của hai bên rất cụ thể: Đức phải thắng còn Áo không được thua quá 2 bàn. Nếu điều này không cùng xảy ra, Algeria sẽ giành quyền đi tiếp. Vào trận, tiền đạo Horst Hrubesch nhanh chóng mở tỉ số cho Tây Đức. Sau đó, trong khoảng thời gian còn lại của trận đấu, hai bên chỉ chuyền bóng qua lại và không hề tung ra bất cứ pha dứt điểm nào. Trận đấu kết thúc với tỉ số 1-0 nghiêng về Tây Đức và hai đội dắt tay nhau đi tiếp, còn Algeria bị loại tức tưởi.

Ngay lập tức, báo chí Đức đã gọi vụ dàn xếp này là “Hiệp ước không gây hấn Gijon”, còn người hâm mộ Đức thì cay nghiệt hơn khi gọi thẳng đó là “Nỗi ô nhục Gijon”. Cả hai đều bị chỉ trích rất nặng nề và chính từ tình huống này, Liên đoàn bóng đá thế giới đã phải điều chỉnh quy định thi đấu bằng cách sắp xếp các trận cuối cùng vòng bảng phải thi đấu cùng giờ.

Không phải World Cup, nhưng tại Euro 2004, hai đội tuyển Đan Mạch và Thụy Điển đã từng hợp sức tạo nên trận hòa 2-2 để loại Italia khỏi cuộc chơi. Trước đó, thiên hạ đã đồn ầm về khả năng này, điều kiện đủ để Italia, dù có thắng Bulgari bao nhiêu bàn trong lượt trận cuối bảng C, phải xách va li về nước sớm.

Nỗi ám ảnh 'Hiệp ước không gây hấn Gijon' phiên bản hai ảnh 1

Họ là đôi bạn thân

Bây giờ, Bồ Đào Nha đang đứng trước thảm cảnh ấy. Điều kiện cần của Bồ Đào Nha là phải thắng thật đậm Ghana, còn điều kiện đủ là trận Đức-Mỹ không có tỉ số hòa. Điều kiện cần thì Bồ Đào Nha có thể tự cố gắng thực hiện, nhưng điều kiện đủ thì nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.

Từ trước đến nay, bóng đá Đức và Mỹ chẳng có sự giao hảo nào với nhau. Nhưng, tại World Cup 2014 này, họ hoàn toàn có thể trở thành “những người bạn tốt”. Lý do: Huấn luyện viên trưởng đội tuyển Mỹ hiện nay chính là Jurrgen Klinsmann, cựu huấn luyện viên trưởng đội tuyển Đức.

Klinsmann chính là người đã tạo nền tảng cho lối chơi đẹp mắt, đậm chất cống hiến của đội tuyển Đức. Tại World Cup 2006, khi Klinsmann là huấn luyện viên trưởng của đội tuyển Đức thì Joachim Loew (huấn luyện viên trưởng hiện tại của đội Đức) là trợ lý của ông.

Dù Klinsmann đã rời khỏi đội tuyển Đức sau khi World Cup 2006 kết thúc, ảnh hưởng và mối quan hệ của ông tại đội Đức vẫn rất đậm nét. Cụ thể hơn, Klinsmann và Loew thường xuyên gọi điện thoại, nhắn tin để thăm hỏi sức khỏe, trao đổi chuyên môn và thậm chí là hẹn gặp nhau để… nhậu. Họ thân tình thế nào, chắc không cần phải giải thích thêm.

Nếu Mỹ không bị Bồ Đào Nha gỡ hòa 2-2 ở phút bù giờ cuối cùng trong lượt trận trước, trận Đức-Mỹ đã không bị soi nhiều đến mức này. Nhưng, khi cả Ghana và Bồ Đào Nha (cùng có 1 điểm) phải thắng, Đức và Mỹ (cùng có 4 điểm) chỉ cần một trận hòa là vẹn cả đôi đường để cùng nhau vượt qua bảng G với suất đá tại vòng 1/8.

Trước trận cầu được dự báo có “kịch tính” trên sân Arena Pernambuco Recife vào 23 giờ đêm nay (26/6), cả Đức và Mỹ đều cố gắng giải tỏa sức ép mà dư luận và người hâm mộ đang quàng lên vai họ. Ông Loew tuyên bố sẽ chỉ đạo đội Đức tấn công hết sức, không hề nương chân với đội Mỹ. Còn ông Klinsmann thì bảo ông đã tạm thời cắt liên lạc với bạn hiền Loew.

“Chúng tôi là những người bạn thân thiết, có suy nghĩ giống nhau và là đồng hương. Nhưng đến World Cup 2014, chúng tôi đã tạm ngừng nhắn tin hoặc gọi điện để tập trung vào công việc”, Klinsmann cho biết. Nhưng bất kể Klinsmann và Loew có nói thế nào đi chăng nữa, cũng chẳng ai tin là họ nói thật bởi chỉ thực tế sân cỏ mới chứng minh được họ có nõi một đằng, làm một nẻo hay không.

Trong lịch sử, Đức và Mỹ đã gặp nhau 9 lần và chưa trận nào kết thúc với tỉ số hòa (Đức thắng 6 trận, Mỹ thắng 3 trận). Nhưng lần so tài thứ 10 này sẽ là một ngoại lệ, khi người hâm mộ sẽ phải chứng kiến “Hiệp ước không gây hấn Gijon” phiên bản hai?

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.