Nợ xấu Việt Nam - món hời của nhà đầu tư ngoại
> Cơ hội cho người nuôi cá tra đã đến?
Rất nhiều nhà đầu tư đã nhìn thấy cơ hội và sẵn sàng tham gia mua bán nợ xấu nếu được mở cửa, trong khi Việt Nam cần vốn để hỗ trợ các nhà băng cho vay trở lại, thúc đẩy nền kinh tế, theo AP.
Nợ xấu, chủ yếu đến từ lĩnh vực bất động sản, đang bủa vây khiến dòng vốn tắc nghẽn, không thể phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: AP. |
"Các khoản nợ xấu đang bủa vây hệ thống ngân hàng và dãy dài những ngôi nhà bỏ hoang mốc meo, cỏ mọc um tùm ở Hà Nội là những dấu hiệu của một nền kinh tế ốm yếu", AP bình luận. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư nước ngoài, đây lại là cơ hội kiếm lời béo bở nếu họ được Chính phủ chào đón.
Neil Hagan là một chuyên gia thu hồi nợ và muốn thành lập một công ty giúp người nước ngoài mua nợ xấu tại Việt Nam. Ông cho biết tuần nào cũng nhận được cuộc gọi từ các quỹ đầu tư ở Singapore và Hong Kong (Trung Quốc), hỏi về việc liệu đã đến lúc mua nợ hay chưa. Tuy nhiên, cho đến lúc này, Hagan vẫn khuyên họ chờ đợi.
“Họ nhìn ra cơ hội, nhưng lại không thể tham gia”, Hagan cho biết. Ông cũng đã mua nợ của Lehman Brothers và các ngân hàng khác tại châu Á trong khủng hoảng tài chính 1998. Các nhà đầu tư ngoại đã mua hàng tỷ USD nợ xấu và tài sản thanh lý sau cuộc khủng hoảng.
Hagan dự đoán đến cuối năm, nhà đầu tư nước ngoài, như các quỹ cổ phần tư nhân Lone Star hay Fortress, có thể mua được một vài khoản nho nhỏ. Trong khi đó, các nhà kinh tế và lãnh đạo ngân hàng đầu tư lại kém tự tin hơn một chút. Họ cho biết Chính phủ sẽ phải sửa một số luật quan trọng để việc này diễn ra suôn sẻ.
Các ngân hàng Việt Nam đã cho vay hàng tỷ USD cuối những năm 2000 khi Chính phủ muốn kích thích kinh tế sau hậu quả của khủng hoảng tài chính. Phần lớn số tiền này lại được cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và ít được giám sát. Rất nhiều công ty đã rót tiền vào bất động sản.
Hiện tại, khi giá bất động sản sụt giảm và nền kinh tế cũng tăng trưởng với tốc độ chậm nhất 10 năm, các công ty và cá nhân vay tiền đã không thể hoàn trả. Việc này đã tạo ra những khoản nợ xấu khổng lồ, đe dọa phá sản nhiều nhà băng nhỏ, còn các ngân hàng khác lại kiềm chế cho vay, khiến nền kinh tế đóng băng.
Bán nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài là một cách loại bỏ các khoản này ra khỏi sổ sách của các ngân hàng. Thông thường, nhà đầu tư sẽ mua lại các khoản vay cùng tài sản đảm bảo đi kèm với giá thấp hơn đáng kể. Họ hy vọng có thể kiếm lời bằng cách bán ngay hoặc chi tiền đánh bóng tài sản để bán lại hoặc tạo doanh thu. Việc này được thực hiện qua các công ty mua bán nợ.
Tuy nhiên, để làm được việc đó, Chính phủ phải buộc các ngân hàng thanh lý nợ xấu. Như vậy, Chủ tịch và các cổ đông cần đồng thuận với nhau để chấp nhận lỗ. Chính phủ cũng phải tăng tốc cải tổ doanh nghiệp nhà nước.
“Chẳng có cách giải quyết nào dễ dàng cả. Nhưng nếu các ngân hàng không cho vay trở lại, nền kinh tế sẽ vẫn chưa thể khởi sắc”, Gareth Leader – chuyên gia nghiên cứu châu Á tại Capital Economics cho biết.
Nhiều nhà quan sát cho biết nhà chức trách dường như hy vọng kinh tế toàn cầu phục hồi sẽ kéo theo giá tài sản tại Việt Nam. Trong khi đó, các ngân hàng có thể gian lận số liệu nợ xấu với chiến lược “giả bộ và kéo dài thời gian” (pretend and extend). Họ tự an ủi rằng người vay có thể hoàn trả hết và gia hạn thời gian trả nợ cho họ.
Hồi tháng 5, Việt Nam tuyên bố thành lập Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) với số vốn 500 tỷ đồng để mua lại nợ xấu ngân hàng. Nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngờ hiệu quả của biện pháp này. Tỷ lệ nợ xấu được các ngân hàng báo cáo là 4,9%. Nhưng theo hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch, con số này có thể gấp 3 hoặc 4 lần. Giới phân tích cho rằng VAMC có thể cân nhắc hợp tác với các tổ chức nước ngoài để bù lại phần thiếu.
“Một quỹ đầu tư Mỹ có thể cấp vốn cho toàn bộ hoạt động của VAMC. Nếu Chính phủ cho phép, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng nhảy vào. Càng thực hiện việc này sớm, kinh tế Việt Nam sẽ càng nhanh phát triển”, John Sheehan - chuyên gia nợ xấu tại Capital Services Group cho biết.
Tuy vậy, rào cản với nhà đầu tư muốn mua nợ xấu cũng rất lớn. Rất nhiều con nợ là các công ty nhà nước. Vì thế, thu hồi nợ từ họ sẽ đặc biệt khó, nếu không muốn nói là không thể. Lãnh đạo các công ty này có thể bị truy tố nếu bán tài sản giá rẻ, vì đó là “gây thất thoát cho nhà nước”. Thêm vào đó, người nước ngoài cũng không được phép sở hữu bất động sản hay tài sản thế chấp.
David Harrison, luật sư tại Mayer Brown Việt Nam nhận định Chính phủ sẽ chỉnh sửa luật để cho phép người nước ngoài mua bất động sản thế chấp thông qua hợp tác với VAMC. Ông cho biết: “Tôi không cho rằng Việt Nam không thể thiết kế một cơ chế để giải quyết việc này”.
Các nhà đầu tư cũng sẽ nhìn vào chất lượng tài sản được sử dụng làm thế chấp. Việc cho vay khi tín dụng bùng nổ đã không được kiểm soát tốt, để xảy ra gian lận và tham nhũng trong hệ thống ngân hàng. Bất động sản thì cần được tu sửa, còn các tài sản khác như nhà xưởng, máy móc hay tàu thuyền lại mất giá nhanh chóng nếu để không.
Hagan cho biết ông đang giúp khách hàng nghiên cứu 5 khoản nợ xấu liên quan đến nhau. Nhưng cả 5 đều lấy chung một đống thép làm tài sản đảm bảo. “
Tôi chẳng biết liệu mỗi lần đi vay họ có phải di chuyển chỗ thép ấy không, nhưng họ dùng cùng một lượng hàng mà. Ông giám đốc chi nhánh nhà băng không hiểu nghĩ gì, khi có 5 người liên tiếp thế chấp cùng một số thép mà có khi còn chẳng tồn tại”.
Theo Thùy Linh
Vnexpress