Nở rộ dự án điện gió: Cần công khai, minh bạch quy hoạch

Dự án điện gió đồng loạt bổ sung quy hoạch cũng gây nhiều lo ngại về quá tải lưới điện
Dự án điện gió đồng loạt bổ sung quy hoạch cũng gây nhiều lo ngại về quá tải lưới điện
TP - Tiếp sau làn sóng ồ ạt đầu tư vào điện mặt trời tại nhiều địa phương trong năm 2019, tình trạng nở rộ đăng ký các dự án điện gió cũng bắt đầu xuất hiện. Cùng với việc các địa phương phê duyệt chủ trương cấp đất, cấp giấy phép cho các dự án điện gió, mới đây Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Chính phủ về việc đề nghị bổ sung 7.000 MW điện gió vào Quy hoạch điện hiện hành.

Trong Văn bản số 693/TTg-CN, ký ngày 9/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến về việc bổ sung các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực. Văn bản cho hay, do chậm tiến độ đầu tư xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện than có quy mô công suất lớn được quy hoạch với tiến độ đưa vào vận hành đến năm 2023 nên hệ thống điện quốc gia dự kiến đối mặt với nguy cơ thiếu điện rất lớn nếu không có giải pháp điều hành phù hợp và kịp thời. Do đó, Chính phủ đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch điện gió như đề nghị của Bộ Công Thương.


Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chịu trách nhiệm thực hiện việc rà soát, cập nhật các dự án điện gió vào quy hoạch điện lực theo quy hoạch, đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch, chặt chẽ, khoa học, đồng bộ nguồn và lưới điện, hiệu quả kinh tế chung, kiên quyết chống tiêu cực, không để xẩy ra tình trạng “xin-cho” các dự án.

Văn bản 693/TTg-CN cũng yêu cầu, Bộ Công Thương khẩn trương xử lý các kiến nghị bổ sung quy hoạch điện gió của các địa phương đã gửi Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Trung ương và Quốc hội để rà soát, xem xét, bổ sung quy hoạch khi đủ điều kiện theo quy định với các dự án điện gió phù hợp ở những địa phương có tiềm năng và thuận lợi phát triển điện gió, có khả năng giải tỏa công suất nhưng hiện có ít dự án và có thể triển khai thực hiện nhanh bổ sung nguồn cung ứng điện cho đất nước.

“Bộ Công Thương khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về xử lý các kiến nghị của Ban kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc  hội về các vấn đề có tính cấp bách về phát triển năng lượng và bổ sung quy hoạch điện gió của các địa phương”, văn bản nêu.

Về việc phát triển dự án điện gió ở các địa phương, trước đó, Bộ Công thương đã có các Văn bản số 1931/BCT-ĐL và 3299/BCT-ĐL đề nghị bổ sung tổng cộng 7.000 MW điện gió vào quy hoạch điện hiện hành. Đáng chú ý, trước 7.000 MW điện gió đang được đề nghị bổ sung hiện nay, các cơ quan chức năng đã bổ sung tới 4.800 MW điện gió vào quy hoạch điện hiện hành.

Lý giải cho việc đề xuất bổ sung 7.000 MW điện gió vào quy hoạch điện, Bộ Công Thương cho hay, nhiều dự án điện hiện có trong quy hoạch bị chậm tiến độ  khiến việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện giai đoạn 2021-2025 gặp nhiều khó khăn. Các số liệu được đưa ra cho thấy, dự báo năm 2023, Việt Nam có thể thiếu trên 13 tỷ kWh điện. Nếu không triển khai ngay một số giải pháp đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời hay tăng cường mua điện từ các nước trong khu vực, tình trạng thiếu điện sẽ rất nguy cấp

“Tổng công suất nguồn điện ở thời điểm năm 2020 này là 56.000 MW, trong đó điện mặt trời chiếm khoảng 10%. Tuy nhiên, sản lượng điện mặt trời đóng góp cho hệ thống chỉ chiếm 4%”, Bộ Công Thương cho hay.

Ồ ạt đầu tư điện gió vì giá đang được ưu đãi

Về việc gỡ khó cho các dự án điện gió, từ đầu năm 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có nhiều cuộc họp với các nhà đầu tư. Các cuộc làm việc với các chủ đầu tư cho thấy, từ sau khi có Quyết định 39 với giá mua điện (giá FIT) mới lên mức tương đương 8,5 Uscents/kWh cho các dự án trên đất liền và 9,8 Uscents/kWh cho dự án trên biển, số lượng các dự án điện gió đã tăng vọt. Các nhà đầu tư ráo riết xin triển khai để bổ sung các dự án vào quy hoạch vì tháng 11/2021  sẽ là thời điểm cuối cho việc được hưởng giá điện gió ưu đãi của Chính phủ.

Tại cuộc họp này, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN cho rằng, thời điểm cuối năm 2020 và năm 2021, ngành điện sẽ đối mặt với việc các dự án điện gió ồ ạt hoà lưới kéo theo nguy cơ quá tải lưới truyền tải lặp lại như xảy ra với các dự án điện mặt trời hồi năm 2019, khi mà chỉ trong một thời gian vài tháng có tới gần 90 nhà máy đồng loạt hòa lưới điện.

Theo ông Trần Đăng Khoa, Trưởng ban Thị trường điện EVN, nếu 99 dự án điện gió được duyệt quy hoạch bổ sung cùng vào trong năm 2020 thì sẽ xuất hiện quá tải lưới truyền tải ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận. Cùng với đó tại Phú Yên, Quảng Trị, Trà Vinh cũng sẽ quá tải nhẹ. Còn lại các khu vực khác đảm bảo giải tỏa tốt. Nếu phần lớn số này đưa vào vận hành trong năm 2021 thì chỉ xuất hiện quá tải khu vực Bình Thuận và Ninh Thuận.

 “Từ kinh nghiệm điện mặt trời cho thấy, không có gì đảm bảo giá FIT cho các dự án điện gió sẽ được duy trì sau tháng 11/2021”, ông Khoa cảnh báo.

Số liệu của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) tính đến đầu năm 2020 cho thấy, ngoài 9 dự án điện gió đã đi vào vận hành thương mại, đã có 31 dự án có tổng công suất là 1.645 MW hoàn tất ký hợp đồng mua bán điện (PPA) và đang được các chủ đầu tư đẩy mạnh việc xây dựng để đưa vào vận hành thương mại. Ngoài các dự án đã ký hợp đồng PPA, có tổng cộng 59 dự án khác đã được chấp thuận bổ sung quy hoạch nhưng chưa ký PPA với tổng công suất khoảng 2.700 MW.

Theo kế hoạch, đến tháng 10/2020, Bộ Công Thương sẽ phải trình Chính phủ Quy hoạch phát triển Điện VIII (Tổng sơ đồ 8).

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.