Người chuyển giới - Gian nan làm người thường

Nở, Nếp, Nụ xóa mù tính dục

Trịnh Thu Giang (bìa trái) và Nguyễn Bằng Giang, hai thành viên dự án. Ảnh: Lan Hương.
Trịnh Thu Giang (bìa trái) và Nguyễn Bằng Giang, hai thành viên dự án. Ảnh: Lan Hương.
TP - Chuyên đề “Người chuyển giới - Gian nan làm người thường” đăng trên hai số báo TPCN ra ngày 25/3 và 1/4 đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc. Nhiều chuyên gia nghiên cứu về vấn đề này đã đóng góp ý kiến. Đặc biệt, chúng tôi còn nhận được sự hưởng ứng của một số nghệ sĩ, nhà hoạt động xã hội là người đồng tính, người chuyển giới. TPCN xin khép lại chủ đề nóng này bằng loạt bài phản ánh những hoạt động và ý kiến nhằm xóa bỏ dần sự kỳ thị đối với cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới).

Những người bị mang tiếng “kẹt giới tính” có vô vàn câu hỏi xoay quanh việc tìm hiểu bản thân “mình là ai”, “mình yêu ai”… nhưng họ không có điều kiện tiếp cận kiến thức về giới, đa dạng tính dục. Một nhóm sinh viên đã tìm ra cách truyền đạt để người trong và ngoài cộng đồng LGBT “biết người biết ta” và thay đổi thái độ ứng xử.

 ngoài đời, người đồng tính nam thích trang điểm, mặc váy thường bị đám đông dè bỉu ra mặt, thế nhưng chú chó béo tên Nở trong truyện tranh lại được mọi người yêu thích vì vẻ ngoài mập ú, nói năng ngây thơ buồn cười.

Với mong muốn đơn giản hóa kiến thức và kể những câu chuyện đời thường của những người LGBT, dự án “Bình dân học vụ xóa mù tính dục” được khởi xướng bởi bốn thành viên thuộc NextGEN Hà Nội (Nhóm lãnh đạo trẻ làm về quyền LGBT).

Mình là ai, yêu ai?

Dự án là những bộ tranh xoay quanh ba nhân vật Nở, Nếp, Nụ và gồm các chuyên mục: Xóa mù tính dục, Chuyện cầu vồng, Chuyện Nghiêng. Xóa mù tính dục với tinh thần “bình dân học vụ”, truyền đạt tối giản kiến thức tính dục, đa dạng giới; Chuyện cầu vồng là những câu chuyện có thật; Chuyện Nghiêng - bộ truyện tranh dài tập với những tình huống dở khóc dở cười và cách ứng xử khéo léo của người đồng tính công khai khi gặp những tình huống phân biệt đối xử kỳ thị. Dự án hướng đến cách truyền đạt, ngôn từ đơn giản ngộ nghĩnh và kèm theo những hình ảnh đáng yêu, để có thể tiếp cận dễ dàng với những bạn trẻ và những người cần tìm hiểu kiến thức tính dục.

“Chuyện nghiêng” dài kỳ với ba nhân vật chính Nở, Nếp Nụ chuyển tải được nhiều khái niệm, thuật ngữ giới tính bằng câu nói dễ hiểu, đúng giọng của giới trẻ. Nở: người đồng tính nam, yêu nam, Nếp: chuyển giới nữ, yêu nữ;  Nụ: người nữ hợp giới, yêu nam nhưng cá tính mạnh, xông xáo như nam. Các bộ truyện tranh nói đến việc hiểu mình là ai, mình yêu ai, mình nhận mình thuộc về giới nào là câu chuyện của tất cả mọi người, không riêng gì cộng đồng LGBT.

Nở, Nếp, Nụ xóa mù tính dục ảnh 1 Bức ảnh về tình yêu đồng giới của Maika đã được giải Báo chí thế giới.

Hoàng Giang Sơn, thành viên ban điều hành NextGen Hà Nội cho biết anh cũng là fan của những bộ tranh. “Mọi người thường gặp khó khi nói về tính dục, ở đây nhóm thực hiện rất biết cách tránh những thuật ngữ khoa học. Thay vì dùng câu “giới tính sinh học của tôi là...”, Nở chỉ cần nói “tôi sinh ra là...”. Không cần nói “bản dạng giới của tôi là nam” mà chỉ cần “tôi nghĩ mình là nam”... Ngoài ra câu chuyện và nhân vật của các bạn rất dễ để theo dõi”.

Nguyễn Bằng Giang, sáng lập viên và tư vấn nội dung dự án cho biết Nở, Nếp, Nụ tập hợp tính cách của cả năm người trong nhóm.

Mới đầu nhóm “Xóa mù” định để ba nhân vật là con người nhưng sau khi bàn bạc lại với họa sĩ, họ đổi thành ba con vật, hiệu ứng khác hẳn. Vẽ cậu con trai mặc váy độc giả sẽ không khoái bằng nhìn chó béo Nở mặc váy tô son, mèo Nếp mặc áo lông chồn, thỏ Nụ mặc sơ mi cổ cồn kiểu Tomboy.

Chuyện trong mục Chuyện cầu vồng nhận được nhiều phản hồi nhất được gửi từ một cặp đôi đồng tính nữ (giấu tên). Hai phụ nữ  đồng tính ở với nhau và họ có một bé gái. Họ dặn  bé “Ở nhà thì gọi là hai mẹ, ra đường gọi một người là mẹ người kia là dì “cho người ta khỏi thắc mắc”. Một ngày nọ, ở cổng nhà trẻ, bạn cùng lớp hỏi bé “bố cậu đâu rồi”. “Tớ không có bố nhưng tớ có hai mẹ và tớ yêu cả hai mẹ”. Hai người mẹ nghe thấy “sướng phồng mũi”. Câu chuyện nhận được nhiều like của cộng đồng Nữ yêu nữ. Nhiều bạn cùng hoàn cảnh mơ ước có một mái ấm và những đứa trẻ như thế.

Sau ba tháng vận hành, Xóa mù tính dục có lượng người theo dõi tăng gấp đôi. Cái khó nhất của nhóm thực hiện là không khắc họa định kiến vào nhân vật của mình. “Nếu mặc định  giới này phải mặc thế này, giới kia phải mặc thế kia, là áp đặt rồi”.  Mỗi câu nói dù là đùa cũng phải tránh từ ngữ để làm tổn thương  nhóm khác trong cộng đồng. Trịnh Thu Giang chia sẻ, khi xây dựng Nụ - “nữ thẳng” nhưng xông pha “đội trời đạp đất”, nếu không tiết chế có thể chính chúng tôi đang gây định kiến hoặc vô tình tôn vinh tính nam quá mức trong xã hội vốn “trọng nam khinh nữ”.

Vừa hồng vừa xám

Hầu hết nhóm tác giả “Xóa mù” đều không phủ nhận rằng họ phải tô hồng, tăng độ hài hước cho mỗi câu chuyện, bởi “hiện thực vẫn vô cùng phũ phàng”.

Trong một bộ tranh, Nở từng đưa ra những kinh nghiệm ứng phó khi bị chê là “Bê đê” trên phố. Xem tranh vui thì thấy nhẹ nhàng nhưng chính một trong những tác giả lại thổ lộ “Tôi từng tức điên mất mấy ngày vì bị bạn cùng phòng ký túc xá mắng là “con đĩ Bê đê”. Nguyễn Bằng Giang là người chuyển giới nam. Cách đây hơn một năm gia đình Giang ở Thái Nguyên biết con gái mình là người chuyển giới nam và hoạt động tích cực trong cộng đồng LGBT qua TV. Cả nhà bàng hoàng, mẹ vừa khóc vừa gọi điện bảo “Con đừng chơi với tụi “bạn hư”, mẹ chỉ mong con học tốt”. Rất may là hiện tại gia đình đã vui vẻ với “cậu con trai” nhà mình. Mẹ còn hỏi Giang“con sẽ lấy vợ chứ” .

Có khá nhiều bạn trẻ tuổi từ 15-20 không biết mình là ai, yêu ai cho đúng. Họ theo dõi Nở, Nếp, Nụ và không ít người nhận ra “đúng mình rồi”. Có người bị cha mẹ ép đi khám bác sĩ để chữa tâm thần. Bác sĩ nhiều khi kê đơn chẩn bệnh theo nguyện vọng của phụ huynh. Có cô giáo khuyên học sinh nam trong lớp tránh xa một bạn có biểu hiện “sai giới tính” bởi “biết đâu em lại bị bạn ấy yêu”.

Giới trí thức, thậm chí bác sĩ tâm lý ở ta khá hiếm người hiểu về đa dạng giới tính. Trong khi chúng ta chật vật gỡ và dán khoảng 5 nhãn đối tượng LGBT thì thế giới đã phát hiện ra hàng trăm nhãn bản dạng giới.

Đồng khởi xương dự án Trịnh Thu Giang cho biết, sắp tới dự án sẽ có những bộ tranh xoay quanh chủ đề từ ngữ, câu nói không nên dùng: “Bạn chuyển giới từ khi nào?”; “Đừng chơi bọn đồng tính chúng nó sẽ thích cậu đấy”, “Giới tính thật của bạn là gì?”; “Bạn đồng tính từ bao giờ?”... Hỏi và nói năng như thế sẽ bị coi là lạc hậu. Dự án sẽ truyền thông, ví dụ “Người văn minh khi gặp một người “nghi là có giới tính khác thường” sẽ hỏi “Bạn muốn mình gọi bạn là ai (anh hay chị hay tên riêng?)”.

Nhà nhiếp ảnh Maika Elan:

Tôi muốn chụp các cặp đôi đồng tính thật đẹp và đàng hoàng

Maika Elan (Nguyễn Thanh Hải) từng gây chấn động cộng đồng LGBT Việt với bộ ảnh The Pink Choice chụp các cặp đôi đồng tính vào năm 2013. Ngay sau đó, bộ ảnh này được gửi dự thi Ảnh Báo chí Thế giới và đoạt giải nhất ở thể loại Những vấn đề đương đại.

Mới đây, Maika đã xuất hiện trong chương trình đồng hành Hành trình truyền cảm hứng WeChoice Awards trên VTV1.

Nở, Nếp, Nụ xóa mù tính dục ảnh 2Trong lần phỏng vấn cho triển lãm “Không buồn được”, Maika kể với tôi: Trong gần hai năm theo đuổi, nhiều ngày ăn ở cùng họ, cô đã chụp 72 cặp đôi đồng tính. Có những cặp không chọn được ảnh như dự tính, mà là ảnh cô chụp vội trong giờ giải lao hoặc lúc chuyện trò ngoài lề. Ấn tượng của Maika về một số thanh niên đồng tính là “rất đàn ông, phong trần, xăm trổ bụi bặm. Nhưng bên trong không gian sống của họ thì lại tràn ngập nữ tính. Hoa có mặt ở nhiều ngóc ngách. Chăn hoa, gối hoa. Nhà gọn gàng, bày biện đẹp đẽ”. Ấn tượng mạnh khác của cô là họ rất tinh tế. Khoảng thời gian nghỉ giải lao họ rủ nhau ra balcon hút thuốc bởi sợ khói thuốc ảnh hưởng đến cô.

Giải thích về mục đích của những bức ảnh này, Maika cho biết: “Tôi muốn chụp các cặp đôi đồng tính sao cho thật đẹp, quan trọng nhất là phải đàng hoàng để những người dị tính khi nhìn vào họ thấy những cảnh này cũng bình thường thôi. Thậm chí sau này họ có thể thấy đẹp”. Hỏi tại sao lại nhấn mạnh sự đàng hoàng, Maika trả lời: bởi trước nay người đồng tính đều bị (được chụp) ở sau lưng, chụp nghiêng hoặc che mặt. Như thế là không đàng hoàng!

AN AN (thực hiện)

Tiến sĩ Nguyễn Thu Nam (Bộ Y Tế):

Tình yêu của ai cũng đáng được tôn trọng

Nở, Nếp, Nụ xóa mù tính dục ảnh 3Tiến sĩ Nguyễn Thu Nam là nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (Bộ Y tế). Bà chia sẻ:

Đã là tình yêu, dù là của người đồng tính hay dị tính, thì đều đáng được tôn trọng như nhau. Nhưng tình yêu của người đồng tính thường không được xã hội và gia đình thừa nhận và ủng hộ, khi gặp khó khăn không ai chia sẻ cảm thông. Chính vì vậy việc duy trì tình yêu bền vững đối với người đồng tính là khó khăn hơn đối với những người dị tính. Nhưng điều này không phải không thể thay đổi nếu xã hội bớt đi cái nhìn định kiến, thừa nhận và bảo vệ quyền của người đồng tính cũng như quyền của mọi người trong xã hội.

AN AN (thực hiện)

Bác sĩ Trần Văn Tuấn – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội:

Đa số người ta không có khả năng tự lựa chọn xu hướng tình dục

Các nghiên cứu khoa học hiện chưa có sự thống nhất ý kiến về nguyên nhân cụ thể khiến một người nảy sinh tình yêu đồng giới. Đã có nhiều nghiên cứu xem xét các yếu tố di truyền, hoóc-môn, phát triển con người, xã hội, văn hóa - những yếu tố có thể có ảnh hưởng đến xu hướng tình dục, nhưng chưa có những kết quả cho phép kết luận rằng xu hướng tình dục là do một hoặc một số nhân tố nào quyết định. Nhiều nhà khoa học cho rằng: cả sinh học và xã hội đều đóng vai trò phức tạp trong vấn đề này; và đa số người ta không có khả năng tự lựa chọn xu hướng tình dục của mình.

Nở, Nếp, Nụ xóa mù tính dục ảnh 4Nhiều nghiên cứu về sức khỏe tâm thần ở người đồng tính trên thế giới đã khẳng định đồng tính luyến ái không phải là bệnh, không lây lan mà chỉ là một phần đa dạng của tính dục. Năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã khẳng định điều này khi loại đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách bệnh tâm thần. Ngày 17/5 hàng năm được chọn là ngày Quốc tế chống kỳ thị người đồng tính.       

                        AN AN (thực hiện)

MỚI - NÓNG