Nỗ lực trở thành trọng điểm kinh tế Tây Nguyên

Ngã Sáu Trung tâm TP Buôn Ma Thuột
Ngã Sáu Trung tâm TP Buôn Ma Thuột
TP - Là địa phương nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, những năm gần đây, tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển kinh tế. Với những nỗ lực này, Đắk Lắk đã đạt được hàng loạt thành tựu về kinh tế, góp phần giúp cuộc sống người dân ngày càng ổn định, vươn lên làm giàu.

Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế

Đại dịch COVID-19 bùng phát khiến nền kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế của tỉnh Đắk Lắk nói riêng chịu tổn thất nặng nề. Trong bối cảnh vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa chống dịch bạch hầu, các hoạt động kinh tế ở Đắk Lắk vẫn đạt nhiều thành quả. Trong 9 tháng đầu năm 2020, giá trị GRDP 9 tháng đạt 39.494 tỷ đồng, tăng khoảng 8,67% so với cùng kỳ 2019. Sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển ổn định; sản xuất vụ đông-xuân, vụ hè-thu vượt kế hoạch đề ra. Ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển, số lượng đàn gia súc tăng và cơ bản khống chế được dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Sản lượng thủy sản toàn tỉnh tăng 44,3% so với cùng kỳ. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm, đã trồng mới 914ha rừng trồng, bằng 60,93% kế hoạch. Sản xuất công nghiệp- xây dựng cơ bản ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 9.263 tỷ đồng, ngành xây dựng đạt 7.584 tỷ đồng.

Nỗ lực trở thành trọng điểm kinh tế Tây Nguyên ảnh 1 Trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh:  Vũ Long 

Ngành thương mại - dịch vụ tương đối ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 59.385 tỷ đồng, tăng 0,02% so với cùng kỳ. Dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ COVID-19 nhưng ngành du lịch Đắk Lắk vẫn đón khoảng 563.115 lượt khách, doanh thu du lịch đạt 508 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2020, tỉnh Đắk Lắk đã giải ngân khoảng 60% số vốn đầu tư công.

Trước đó, Đắk Lắk đã thực hiện hiệu quả, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2015 - 2020). Cụ thể, tăng trưởng kinh tế (GRDP – theo giá so sánh năm 2010) bình quân đạt 8,75%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng khá cao, năm 2020 ước đạt 62.500 tỷ đồng, gấp 1,52 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh ở hai khu vực nông, lâm, thủy sản (giảm từ 45,42% xuống còn 36%) và dịch vụ (tăng từ 35,3% lên 45,2%). Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng đều qua các năm, từ 15,6% lên 16,5%.

“Khu vực dịch vụ ngày càng giữ vai trò dẫn dắt, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) ước đạt 54,55 triệu đồng, gấp 1,67 lần năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,87%/năm, xuống còn 4,99% năm 2020. Đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định”, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết.

Để ngành nông nghiệp “cất cánh”

Nỗ lực trở thành trọng điểm kinh tế Tây Nguyên ảnh 2 Ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cùng đồng bào các dân tộc

Là một trong những trụ cột của kinh tế tỉnh Đắk Lắk nhưng ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đánh giá, nông nghiệp tuy tăng trưởng khá nhưng chưa thực sự bền vững. Chưa giải quyết tốt vấn đề cung cầu của thị trường và chính sách bình ổn giá nông sản. Kinh tế trang trại tuy tăng nhanh về số lượng nhưng phần lớn quy mô nhỏ. Tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa phổ biến, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ.

Một số doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp sau khi sắp xếp, đổi mới hiệu quả hoạt động chưa cao do còn nhiều vướng mắc về đất đai, hợp đồng giao khoán... Vẫn còn tình trạng một số hợp tác xã tồn tại hình thức, chất lượng dịch vụ, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp.

Để khắc phục những hạn chế trên, các chuyên gia cho rằng, UBND tỉnh Đắk Lắk cần hoạch định một chính sách tổng thể phát huy nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp. Lãnh đạo tỉnh và các ngành, các địa phương trong tỉnh cần thống nhất quan điểm: Để làm nông nghiệp một cách chuyên nghiệp, áp dụng công nghệ mới, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch thì “tất cả nhân lực phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp đều phải được đào tạo thường xuyên, liên tục”.

Tỉnh Đắk Lắk thúc đẩy, mở rộng quảng bá, xúc tiến đầu tư, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cả trong và ngoài nước. Đây là công tác quan trọng giải quyết đầu vào và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế khâu này vẫn còn yếu, chưa được quan tâm một cách hợp lý.

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng cần chú trọng đẩy mạnh phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận chất lượng sản phẩm để tạo niềm tin và tăng giá trị sản phẩm. Các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cần liên kết lại dưới sự điều phối của tỉnh để thống nhất hành động.

Như trong ngành cà phê, Đắk Lắk hiện có khoảng 300 doanh nghiệp sản xuất cà phê với chừng đó thương hiệu sản phẩm cà phê nhưng chất lượng thì không giống nhau. Doanh nghiệp theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh. Trong khi thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột vốn đã rất nổi tiếng, nếu có doanh nghiệp nào làm ăn gian dối, không đảm bảo chất lượng thì sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu.

Cùng với đó, trên cơ sở tôn trọng tập quán canh tác của nhân dân, UBND tỉnh cần rà soát quy hoạch, quy hoạch lại (cục bộ, dần dần mới mở rộng ra) và lên phương án tổng thể vùng chuyên canh cây, con phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng địa phương. Từ đó tận dụng tối đa lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác.

Giai đoạn 2015 – 2020, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Đắk Lắk  bình quân đạt 8,75%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng khá cao, năm 2020 ước đạt 62.500 tỷ đồng, gấp 1,52 lần so với năm 2015.

MỚI - NÓNG