Đệ nhất bưởi

Khung cảnh nhộn nhịp, tấp nập ở đất bưởi Hương Khê mùa thu hoạch
Khung cảnh nhộn nhịp, tấp nập ở đất bưởi Hương Khê mùa thu hoạch
TP - Sức quyến rũ của những tép bưởi trắng hồng và vị ngọt đậm đà pha lẫn chút thanh thanh cộng với hương thơm đặc trưng chẳng lẫn vào đâu được, khiến bưởi Phúc Trạch trở thành loại quả quí hiếm nhiều người ráo riết săn lùng…

Thủ phủ bưởi Phúc Trạch

Một ngày cuối tháng 9, tôi có mặt tại thủ phủ bưởi Phúc Trạch. Khắp đường làng ngõ xóm xã Hương Trạch nườm nượp kẻ bán người mua, nhộn nhịp như một khu chợ thu nhỏ. Năm nay, bưởi được mùa, trái to, vị ngọt đậm hơn những mùa trước. Từ tháng 1, tháng 2, người dân bắt đầu bón phân để thúc lộc, tháng 3 cây ra hoa, nông dân chủ động thụ phấn để quyết định số lượng quả trong vụ. Huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) có 21 xã trồng bưởi Phúc Trạch, trong đó Hương Trạch từ lâu được xem là thủ phủ của loại trái cây đặc sản này. Khi gió thu len lỏi, nắng nhuộm vàng khắp các cánh đồng, mùi bưởi chín vương vít thoang thoảng trong khu vườn thì cũng là lúc người trồng bưởi Hương Khê tất bật cho mùa thu hoạch mới.

Cây bưởi vốn dĩ hiện hữu ở vùng đất Hương Trạch từ bao thế hệ đời người. Bà Cao Thị Hương, trú tại thôn Kim Sơn, người sở hữu cả chục gốc bưởi cổ thụ từ 30 đến 40 năm tuổi. Để có vườn cây đem lại giá trị kinh tế như hiện nay, không riêng gì bà Hương mà người dân nơi đây cũng lắm nỗi nhọc nhằn, từ chống chọi với gió Lào bỏng rát cho đến những ngày, những đêm dầm mình cứu bưởi trong mưa lũ. Mỗi lần cây úa héo vì bệnh, bà lại thức trắng đêm lọ mọ tìm thuốc chữa, lo cho cây như lo cho sinh mệnh của chính mình. “Có những lần tưởng cây chết đứng vì sâu không cứu được, lòng dạ tôi như lửa đốt, nhưng nhờ được chăm sóc, bắt đúng bệnh nên cành lá dần hồi sinh. Đúng là cây chẳng phụ người, bưởi không chỉ tạo ra bước chuyển dịch về kinh tế mà còn gắn bó với hơi thở cuộc sống của bà con vùng lũ”, bà Hương kể. Ngoài những gốc bưởi tổ, gia đình bà còn khoảng 200 gốc bưởi trồng từ 10-20 năm trước, trừ chi phí mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Anh Trần Văn Loát (32 tuổi, trú tại Hương Trạch), từng làm giáo viên ở tỉnh Đắk Lắk nhưng vì muốn gắn bó với quê hương, anh quyết định bỏ nghề, về quê làm trang trại. Anh Loát chia sẻ, bưởi chiết cành, hoặc ghép cành mới cho quả đạt đúng vị bưởi gốc, còn những cây được ươm giống từ hạt sẽ cho vị chua và nhạt. Nghề trồng bưởi, chỉ riêng tiền lãi, mỗi năm mang về cho gia đình anh Loát hơn 200 triệu đồng. Tại các xã trồng bưởi của vùng đất Hương Khê, bưởi Phúc Trạch không chỉ là loại trái cây đưa nông dân thoát nghèo, khiến nhiều hộ giàu lên, mà còn khẳng định giá trị của một thương hiệu. Thương hiệu đó, được đắp đổi, chắt chiu từ giọt mồ hôi, nước mắt của bao người nông dân tảo tần mưa nắng, chịu thương chịu khó.

Hồi sinh

Lần theo câu chuyện của các bậc cao niên, những năm đầu thế kỷ 20 bưởi Phúc Trạch được nhiều người biết đến là loại quả ngon, hiếm. Vượt qua hàng trăm loại trái cây khắp ba miền Bắc- Trung- Nam, bưởi Phúc Trạch vinh hạnh được xướng tên, lọt top các loại hoa quả ngon nhất trong một cuộc đấu xảo trái cây toàn xứ Đông Dương. Liên tiếp trong nhiều năm sau đó, bưởi Phúc Trạch dẫn đầu danh sách bảy loại quả quý hiếm quốc gia, cấm xuất khẩu giống. Người làng kể lại, thời đó diện tích trồng bưởi Phúc Trạch hết sức hạn hẹp, số lượng cây chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sức quyến rũ của những tép bưởi, những thớ thịt trắng hồng và vị ngọt đậm đà pha lẫn chút thanh thanh cộng với hương thơm đặc trưng chẳng lẫn vào đâu được, đã khiến bưởi Phúc Trạch trở thành loại quả quí hiếm được giới thượng lưu ráo riết săn lùng. Nhà nào có một gốc bưởi, đến mùa cắt bán thì gạo đủ ăn cả năm không lo đói.

Năm 1994, Hương Khê bắt đầu khai hoang rầm rộ, cơi nới vườn tược, mở mang diện tích bưởi. Tuy nhiên do trồng ồ ạt, chăm sóc sai qui trình nên suốt quãng thời gian gần 10 năm (từ 1998-2007) hàng chục ha bưởi không cho một quả bói. Dân trồng bưởi lỗ chỏng vó, nhiều nơi đổ xô chặt bưởi, đua nhau trồng trầm dó. “Thời điểm đó dân hoang mang lắm, vì đất hoa màu dồn cho trồng bưởi hết. Đến mùa, cây nào cây nấy xanh um, cành lá mơn mởn nhưng đến chính vụ lại không bói nổi một quả để mời khách. Tình trạng đó kéo dài, dân chán nản nên phá bưởi trồng trầm dó. Nhất là ở xã tôi, nhiều hộ phá hẳn cả vườn bưởi mấy trăm gốc, thật xót xa”, ông Nguyễn Xuân Liễn (70 tuổi, trú xã Phúc Trạch) nhớ lại. Tình hình chỉ được cải thiện khi ngành chuyên môn, chuyên gia giống cây trồng vào cuộc, bắt bệnh, trị bệnh cho cây. Đến năm 2010, bưởi bắt đầu hồi sinh, được mùa, mở đầu cho câu chuyện phát triển làm giàu bằng cây bưởi ở vùng rốn lũ. Lo ngại về nguồn gen bị mai một nên Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã tổ chức khâu tuyển chọn cây giống đầu dòng. Trải qua nhiều khâu, kết quả đã chọn ra 38 cây bưởi cổ làm giống, gắn biển cây đầu dòng để bảo tồn, nhân giống bưởi Phúc Trạch về sau.

  Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê Lê Quang Vinh bảo, khoảng 10 năm nay, bưởi Phúc Trạch trở thành giống cây chủ lực của địa phương, nhiều hộ gia đình trở nên giàu có nhờ trồng loại cây đặc sản này. Từ những vườn bưởi nhỏ lẻ đến nay địa bàn huyện 100% đã trồng bưởi, với diện tích hơn 2.700 ha. “Hiện tại, tiếng tăm bưởi Phúc Trạch vang xa khắp các tỉnh thành của cả nước. Năm nay bưởi được mùa, nhưng do ảnh hưởng tâm lý của những năm trước nên nhiều hộ bán vội, dù giá chưa “đạt đỉnh”. Hiện tại, bưởi chỉ đủ cung ứng cho người tiêu dùng trong nước nhưng tới đây chúng tôi muốn đẩy mạnh thương hiệu, cả về chất lượng lẫn số lượng, để đưa bưởi Phúc Trạch xuất khẩu, vươn ra thị trường thế giới”, ông Vinh kỳ vọng. 

 
Đệ nhất bưởi ảnh 1 Bận rộn đơn hàng
 

Huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) như chiếc chảo lớn, bốn bề được bao bọc bởi núi rừng. Nơi khắc nghiệt của vùng đất được xem là rốn lũ, là chảo lửa miền Trung, đã sản sinh ra loại quả khiến nhiều người mê đắm: bưởi Phúc Trạch.

Vượt qua hàng trăm loại trái cây khắp ba miền Bắc- Trung- Nam, bưởi Phúc Trạch vinh hạnh được xướng tên, lọt top các loại hoa quả ngon nhất trong một cuộc đấu xảo trái cây toàn xứ Đông Dương.

MỚI - NÓNG
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
TPO - Hàng nghìn khối vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải nhựa, đá tảng, bê tông thải loại từ khu vực đập La Ỷ (cạnh sông Hương đoạn qua phường Phú Thượng, TP. Huế) đổ vào sân bóng, khu dân cư, trường học, gây nguy cơ biến đổi hiện trạng sử dụng đất, làm ô nhiễm môi trường...