Đánh thức tiềm năng vùng đất đầy nắng gió

Toàn cảnh Đại hội Đảng bộ huyện Buôn Đôn
Toàn cảnh Đại hội Đảng bộ huyện Buôn Đôn
TP - Huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) nắng nóng như đổ lửa, có hồ thủy lợi rộng khoảng 3.700 ha, đất đai rộng lớn, cái nôi văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên… nhưng nhiều năm qua chưa được phát huy, khai thác hết tiềm năng. Kể từ khi mới về nhậm chức Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn (theo hình thức tuyển chọn chức danh bí thư huyện ủy), ông Ya Toan Enuôl đã đưa ra nhiều ý tưởng đánh thức những tiềm năng, lợi thế nói trên .

Chương trình hành động

Đại hội Đảng bộ huyện Buôn Đôn lần thứ VI đã đề ra phương hướng, mục tiêu cho nhiệm kỳ 2020-2025, với 20 chỉ tiêu cơ bản như: tổng giá trị sản xuất đạt 6.420 tỷ đồng, tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt từ 8 đến 9%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, tăng bình quân từ 16-17%/năm; có từ 1 đến 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 38 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm từ 3% trở lên; 100% tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành nhiệm vụ; trên 70% chính quyền cơ sở đạt vững mạnh…

“Làm dự án hồ thủy lợi Sêrêpôk 3 ngoài việc phát triển hệ thống dẫn nước tưới tiêu cho nông nghiệp, phát triển du lịch, đầu tư năng lượng tái tạo… còn tạo sinh kế, xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân, thực hiện thành công Nghị quyết của Đảng bộ huyện Buôn Đôn đã đề ra trong nhiệm kỳ tới”.
Ông Ya Toan Ênuôl 

Huyện Buôn Đôn xác định 4 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ tới, trong đó nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, do vậy cần tập trung nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân; đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, bền vững, chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường, từng bước hình thành chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Đánh thức tiềm năng vùng đất đầy nắng gió ảnh 1 Bí thư huyện ủy Buôn Đôn Ya Toan Ênuôl kiểm tra hồ Sêrêpôk 3

Phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về cảnh quan, thiên nhiên, truyền thống, bản sắc dân tộc... để hình thành các khu du lịch, điểm du lịch quy mô lớn gắn với du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, nghiên cứu khoa học... Lập các dự án để kêu gọi và thu hút các doanh nghiệp có thế mạnh để đầu tư phát triển năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió). Tiếp tục cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân một cách thuận lợi nhất. Muốn triển khai thắng lợi những nhiệm vụ này, huyện Buôn Đôn cần có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của cấp trên, trong đó giải quyết nước sinh hoạt phục vụ dân sinh tại dự án thủy lợi hồ Sêrêpôk 3.

Kêu gọi đầu tư dự án gần 900 tỷ

Thời gian qua, hạn hán xảy ra vô cùng khốc liệt trên địa bàn Tây Nguyên. Điển hình đợt hạn vào mùa khô năm 2016, tại huyện Buôn Đôn, các dòng suối cạn khô, tình hình thiếu nước tưới và nước sinh hoạt xảy ra trên diện rộng, khiến cho hàng ngàn ha cây trồng bị hạn và hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt… Nguyên nhân được xác định, do thiếu cơ sở hạ tầng, sông suối bị các nhà thủy điện chặn dòng.

Đánh thức tiềm năng vùng đất đầy nắng gió ảnh 2 Hồ Sêrêpôk 3 có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, thủy sản, tưới tiêu

Huyện Buôn Đôn có hồ thủy lợi Sêrêpôk 3 rộng khoảng 3.700 ha, nhưng lợi thế này suốt nhiều năm qua chưa được phát huy và tận dụng triệt để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Ông Ya Toan Ênuôl, Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn cho biết, ngay từ khi mới nhậm chức ông đã lên phương án kêu gọi đầu tư tại hồ thủy lợi này. “Đặc điểm của hồ thủy lợi Sêrêpôk 3, không khi nào hết nước, kể cả mùa khô cao điểm. Tuy nhiên, tiềm năng tự nhiên này vẫn chưa được tận dụng, khai thác triệt để. Hồ  này có vị trí địa lí thuận lợi, có thể dẫn nguồn nước tưới về cho các xã mà không cần lắp máy bơm. Công trình này chỉ cần đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước, chi phí vừa đỡ tốn kém, thời gian sử dụng kéo dài hàng trăm năm không bị hỏng. Ngoài ra, hồ này còn có thể phát triển thêm ngành du lịch như kinh doanh nhà hàng nổi, du lịch sinh thái, điện năng lượng mặt trời…”, ông Ya Toan Ênuôl nói.

Xuất phát từ ý tưởng này, qua khảo sát thực tế Huyện ủy, HĐND huyện, UBND huyện, Mặt trận Tổ quốc huyện và các đoàn thể huyện Buôn Đôn đã có báo cáo đề xuất UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trương xây dựng dự án hệ thống sử dụng nước tưới từ hồ Sêrêpôk 3. Theo đó, quy mô dự án có tổng mức đầu tư (dự kiến) khoảng gần 900 tỷ đồng. “Xây dựng hệ thống cấp nước cho huyện Buôn Đôn từ hồ Sêrêpôk 3, để cấp nước tưới tự chảy cho tưới tiêu trong nông nghiệp và phục vụ nhiều nhu cầu dân sinh khác đang thiếu nước, đặc biệt đối với ngành chăn nuôi của người dân ở khu vực hạ du. Nếu dự án này được đầu tư hoàn chỉnh, sẽ góp phần thực hiện thắng lợi tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững; xóa đói giảm nghèo bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, giữ vững an ninh chính trị, củng cố vững chắc an ninh quốc phòng cho khu vực biên giới”, Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn khẳng định.

Đây là dự án lớn, lãnh đạo huyện Buôn Đôn mong muốn, cần có sự đồng thuận của các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan… sớm triển khai dự án trong thời gian tới, đáp ứng kỳ vọng của người dân. “Dự án này hoàn thành cũng là nhiệm vụ chính trị trong chương trình hành động của Đảng bộ huyện Buôn Đôn nhiệm kỳ 2020-2025. Chúng tôi mong muốn Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét thẩm định và phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án hồ Sêrêpôk 3”, ông Ya Toan Ênuôl cho biết thêm. 

MỚI - NÓNG