Cùng với đó, ngành BHXH cũng đồng hành, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, với mục tiêu vừa chống dịch vừa hoàn thành các chỉ tiêu được Chính phủ giao, góp phần ổn định an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Luôn đảm bảo quyền lợi người thụ hưởng
Trong bối cảnh dịch COVID-19, BHXH Việt Nam đã kịp thời tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, góp phần tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, doanh nghiệp.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn, dẫn đến tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT. Ước hết tháng 7/2020, tổng số tiền nợ BHXH phải tính lãi (từ 1 tháng trở lên) khoảng 20.682 tỷ đồng (chiếm 5,1% số phải thu). Dù vậy, BHXH Việt Nam vẫn tích cực chỉ đạo các đơn vị giải quyết cho các đơn vị bị ảnh hưởng dịch bệnh tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tới hết năm. Tới hết tháng 6, số đơn vị được tạm dừng đóng BHXH là 1.519 đơn vị, với số tiền 475 tỷ đồng.
Tính tới hết tháng 7, cả nước có hơn 15,2 triệu người tham gia BHXH (chiếm 31% lực lượng lao động trong độ tuổi). Trong đó, BHXH bắt buộc có hơn 14,5 triệu người, giảm 655.000 người so với cùng kỳ năm trước (riêng người tham BHXH tự nguyện tăng); người tham gia BHYT hơn 85,9 triệu người (bao phủ 88,8% dân số). Do tác động của dịch COVID-19, số người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN đều sụt giảm so với cuối năm 2019. Tuy nhiên, nhờ vận dụng nhiều giải pháp, số người tham gia BHXH tự nguyện lại tăng, là “điểm sáng” trong công tác mở rộng bao phủ BHXH.
Ngành BHXH cũng chủ động phối hợp với ngành y tế để giải quyết chế độ, tạo điều kiện cho người chuyển tuyến khi nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2; thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHXH với người xét nghiệm, hoặc điều trị COVID-19; dùng quỹ BHXH hỗ trợ phòng chống dịch bệnh. BHXH cũng phối hợp với Bưu điện trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 4, 5, và tháng 8, 9 trong cùng 1 lần chi trả, thậm chí chi trả tại nhà để phóng chống lây nhiễm dịch bệnh và an toàn cho người thụ hưởng.
Các hoạt động thường xuyên khác vẫn được đảm bảo, triển khai phù hợp theo từng diễn biến dịch bệnh, như hoạt động tuyên truyền, thanh kiểm tra, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin…
Nỗ lực vượt khó hoàn thành nhiệm vụ cả năm
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng tới các công tác thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020 về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp mà ngành BHXH được giao, đặc biệt công tác thu và phát triển đối tượng. Do đó, trong 5 tháng cuối năm, BHXH Việt Nam quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.
BHXH Việt Nam xác định, tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được Chính phủ giao, như cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ tông tin, mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Cùng đó, ngành BHXH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, gặp khó khăn, nên BHXH Việt Nam sẽ tập trung triển khai giải pháp hỗ trợ. Ngành BHXH cũng xác định chủ động xây dựng và triển khai các phương án, kịch bản điều hành, đảm bảo hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch năm 2020.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, ngành BHXH sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt các chính sách với người lao động, ngăn chặn nợ đọng, lạm dụng, trục lợi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
BHXH Việt Nam cho biết, trong 7 tháng đầu năm đã giải quyết 70.878 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 539.118 người hưởng các chế độ trợ cấp 1 lần; hơn 5,3 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản; 580.634 người hưởng BH thất nghiệp; hơn 92,4 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT.