Nợ đầm lễ hội đâm trâu

Lễ đâm trâu ở Măng Tông do gia đình Hê tổ chức đầu năm nay Ảnh: Nguyễn Thành
Lễ đâm trâu ở Măng Tông do gia đình Hê tổ chức đầu năm nay Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Đâm trâu - sinh hoạt văn hóa nơi thượng nguồn sông Thu Bồn giữa núi rừng Trường Sơn. Nhưng cũng vì đâm trâu mà nhiều người dân mang nợ chồng chất. Họ nói: “Nợ thì nợ, đâm thì cứ … đâm thôi !”

> Rộn ràng lễ hội đâm trâu

“Bị bệnh nên phải đâm trâu”

Những ngày đầu năm, lên huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) nghe văng vẳng bên tai tiếng cồng chiêng. Giữa núi rừng Trường Sơn, những người con nơi thượng nguồn sông mẹ Thu Bồn, núi cha Ngọc Linh đang vào mùa lễ hội đâm trâu.

Đâm trâu của người Xê Đăng nơi đây trở thành nét văn hóa đặc trưng của đồng bào, là lễ hội mang yếu tố tâm linh tổ chức vào các dịp đầu năm, mừng lúa mới, để đáp đền công lao của thần linh đã ban vụ mùa bội thu, cầu mong dân làng được khỏe mạnh.

Người Xê Đăng tin rằng, khi tổ chức đâm tế lễ thần linh, tế Giàng thì dân làng tránh được rủi ro, bệnh tật, không bị “chết xấu”, mùa màng sẽ bội thu, cuộc sống ấm no quanh năm…

Nóc Măng Tông (thôn 1 xã Trà Cang) nằm giữa núi rừng cách trở, có gần 20 hộ dân. Đang vào mùa lễ hội đâm trâu. Bếp lửa rực hồng, tiếng trống, cồng chiêng vang dội góc rừng.

Dân làng hả hê ăn nhậu bên những ché rượu cần
Dân làng hả hê ăn nhậu bên những ché rượu cần .

Tất cả người con trong bản đều đã tập trung đầy đủ tại gia đình của anh Phạm Khải Hê - người đứng ra tổ chức lễ hội đâm trâu cho dân làng năm nay - để ăn uống tưng bừng.

Ngôi nhà của Hê ván gỗ chật hẹp nghèo xơ xác, dân làng xung quanh được mời đến quây tụ bên những ché rượu cần tinh tươm đông đúc. Ngoài sân, bếp lửa bập bùng đêm thâu.

Men rượu sóng sánh, già trẻ gái trai nghiêng ngả theo nhịp chiêng. Cả năm trời gắn với nương rẫy, núi rừng đây là dịp hiếm hoi nóc làng vui vẻ và đông đủ thế này.

“Đây là một tập tục lâu đời của người Xê Đăng. Gia đình nào có được vụ mùa bội thu hay có người bị bệnh thì tổ chức đâm trâu. Đâm trâu để cầu sự giàu có, cầu sự bình an, cầu sự khỏe mạnh cho những người con trong bản…” - già làng Hồ Văn Ca, nói trong men rượu lâng lâng.

“Đây là lần thứ hai nhà mình đâm trâu. Muốn được tổ chức lễ đâm trâu đâu có dễ dàng gì. Phải chuẩn bị cả năm trời. Phải được sự đồng ý của các già làng và dân bản.

Tập tục của người dân là nhà nào có người bị bệnh tức là có ma bắt thì phải tổ chức đâm trâu, hoặc cúng tế thần linh. Mình bị bệnh nên phải đâm trâu” - Hê cười nói.

Hỏi Hê bị bệnh gì, anh giơ cánh tay của mình ra: “Tay chân mình bị tê cứng gần năm nay, xuống trạm y tế xin thuốc mấy lần rồi mà đâu có khỏi. Đâm trâu để cúng thần linh để mong lành bệnh, còn có sức nuôi vợ con”.

Vay ngân hàng, mượn dân làng mà đâm

Con trâu này Hê phải mua bằng tiền đi vay mượn khắp nơi
Con trâu này Hê phải mua bằng tiền đi vay mượn khắp nơi .
 

Khác với tục lệ đâm trâu của người dân Cơ Tu, người Xê Đăng ở Nam Trà My tổ chức đâm trâu theo hộ gia đình. Để đánh giá sự giàu có của một gia đình người Xê Đăng thì không phải căn cứ vào những của cải vật chất họ có, mà phải nhìn lên... trần nhà.

Nhà nào có nhiều sừng trâu nghĩa là đâm trâu nhiều lần, thì nhà đó mới giàu có. Nhà nào đã có được 5 cái đầu trâu thì được lên chức già làng. Chính vì vậy, nhiều gia đình dù khó khăn đến đâu cũng cố gắng để tổ chức ít nhất là 1 lần đâm trâu để cuối cùng ôm nợ.

Tay chân mình bị tê cứng gần năm nay, xuống trạm y tế xin thuốc mấy lần rồi mà đâu có khỏi. Đâm trâu để cúng thần linh, mong lành bệnh, còn có sức nuôi vợ con”. - Anh Phạm Khải Hê

Gia đình Hê đã tổ chức 2 lần đâm trâu. Lần đâm trâu trước vào năm 2007 chỉ vì lý do đơn giản: “Phải đâm trâu để bằng với dân làng, anh em”. Sau 4 năm để dành tiền, của cải rồi lại tổ chức lần nữa khi mắc phải chứng bệnh tê chân, tê tay. Toàn bộ chi phí từ mua trâu, mua lợn gà, rượu đều do gia đình Hê đứng ra trang trải.

“Mình mua một con trâu gần 15 triệu, mua 21 ché rượu cần, 50 bao thóc, một con lợn và gà vịt. Tổng lần này hết gần 25 triệu” - Hê cho biết. “Tiền đâu để tổ chức đâm trâu?”. Hê cười đáp: “Mình tích cóp mấy năm, thiếu thì đi mượn ngân hàng, đi mượn dân làng. Nợ thì nợ, mà đâm thì cứ đâm thôi!”. Trong 25 triệu mà Hê phải bỏ ra lần này, anh phải vay mượn khắp nơi mới được hơn 15 triệu, chưa kể số nợ lần trước đến giờ chưa trả được.

Nghèo mà chịu chơi

Đầu trâu từ lần đâm trâu trước. Hê chưa trả hết nợ cũ
Đầu trâu từ lần đâm trâu trước. Hê chưa trả hết nợ cũ.
 

Nhiều gia đình khác ở Nam Trà My cũng lâm nợ vì đâm trâu. Ông Hồ Văn Du (thôn 2, xã Trà Linh) sẵn sàng bỏ ra cả trăm triệu để mua một con trâu 30 triệu, một con bò 15 triệu, 6 con heo, 100 gà vịt, 50 ché rượu cần để đãi dân làng, đến nay vẫn mắc nợ.

Hay như Phạm Khải Hai, anh ruột của Hê đã từng 5 lần tổ chức đâm trâu để được ứng cử vào chức già làng nhưng vẫn chưa được. Hiện gia đình Hai đang nợ gần 20 triệu đồng, ngoài khả năng chi trả.

Hỏi về chuyện này, một cán bộ văn hóa xã Trà Cang chứng kiến lễ hội ở Măng Tông, khua tay: “Mình là người của thôn, đừng đưa tên mình lên báo, dân làng không cho mình về làng thì khổ. Đâm trâu là nét văn hóa cần bảo tồn. Muốn gìn giữ văn hóa lễ hội đâm trâu thì phải nợ. Nợ trước rồi trả sau. Dân mình nghèo, nhưng chịu chơi lắm!”. Một người dân rỉ tai tôi: “Nhà nó cũng đang nợ tiền đâm trâu đó!”.

Ông Hồ Văn Du (thôn 2, xã Trà Linh) sẵn sàng bỏ ra cả trăm triệu để mua một con trâu 30 triệu, một con bò 15 triệu, 6 con heo, 100 gà vịt, 50 ché rượu cần để đãi dân làng, đến nay vẫn mắc nợ.

Hay như Phạm Khải Hai, anh ruột của Hê đã từng 5 lần tổ chức đâm trâu để được ứng cử vào chức già làng nhưng vẫn chưa được. Hiện gia đình Hai đang nợ số tiền gần 20 triệu đồng, ngoài khả năng chi trả.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG