Nợ Bảo hiểm xã hội thấp nhất từ trước tới nay

0:00 / 0:00
0:00
Bằng nhiều giải pháp quyết liệt, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tới cuối năm 2022, số nợ BHXH chỉ còn chiếm khoảng 2,9% số ph ải thu, thấp nhất từ trước đến nay.

“Đau đầu” xử lý nợ mất khả năng thu hồi

BHXH Việt Nam cho biết, thời gian quan, toàn ngành luôn chủ động triển khai nhiều giải pháp để đôn đốc các đơn vị trong việc thu, nộp BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), hạn chế chậm, nợ, trốn đóng, nên số tiền chậm đóng giảm từng năm. Năm 2016, số tiền chậm đóng BHXH, BHTN chiếm hơn 3,7% số phải thu trong năm, thì đến hết năm 2022 số nợ này giảm còn hơn 2,9% số phải thu (tương ứng hơn 13.000 tỷ đồng). Trong số tiền chậm đóng trên, khó khăn nhất là việc thu và giải quyết quyền lợi cho người lao động tại các đơn vị nợ BHXH, BHTN không có khả năng thu hồi (giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn), với tổng số nợ hơn 3.100 tỷ đồng.

Một số địa phương có số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cao, gồm: TPHCM hơn 4.328 tỷ đồng, Hà Nội hơn 4.081 tỷ đồng, Hải Phòng trên 650 tỷ đồng, Thanh Hoá trên 459 tỷ đồng, Bình Dương trên 412 tỷ đồng…

Nợ Bảo hiểm xã hội thấp nhất từ trước tới nay ảnh 1

Tỷ lệ nợ BHXH trên số phải thu giảm, nhưng số nợ tại đơn vị giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn đang chưa có hướng xử lý.

Để giải quyết quyền lợi cho người lao động, BHXH Việt Nam thường xuyên báo cáo thực trạng chậm đóng tại các đơn vị chậm đóng BHXH, BHTN tồn đọng kéo dài. Trên cơ sở đề xuất của BHXH Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH thống nhất và hướng dẫn giải quyết quyền lợi cho người lao động bị nợ BHXH, BHTN tại các đơn vị giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn. Theo đó, BHXH ghi nhận thời gian đã đóng BHXH, BHTN của người lao động, tạm thời giải quyết trước quyền lợi, chế độ BHXH tính tới thời điểm người lao động đã được đóng đầy đủ. Phần thời gian đóng BHXH, BHTN mà người lao động đang bị doanh nghiệp nợ, khi có nguồn tài chính bù đắp sẽ điều chỉnh giải quyết chế độ bổ sung cho người lao động.

Với người lao động tại các đơn vị chậm đóng BHXH vẫn còn hoạt động, cơ quan BHXH xác nhận thời gian đã đóng đầy đủ trên sổ BHXH để bảo lưu hoặc giải quyết chế độ. Sau khi thu hồi được khoản chậm đóng, sẽ xác nhận bổ sung thời gian đóng trên sổ BHXH cho người lao động và giải quyết quyền lợi bổ sung với người đã hưởng các chế độ liên quan.

Chủ động nhiều giải pháp

Để khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, thời gian qua BHXH Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp. BHXH Việt Nam chủ động phối hợp với các bộ ngành, tổ chức đoàn thể, báo chí để đẩy mạnh truyền thông pháp luật BHXH, BHYT, BHTN để nâng cao nhận thức người lao động, đơn vị sử dụng lao động.

BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các địa phương thường xuyên báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương trong giám sát, thanh kiểm tra đơn vị sử dụng lao động; dùng nhiều hình thức đôn đốc thu nợ, như nhắn tin, văn bản, cử cán bộ BHXH trực tiếp tới từng đơn vị để đốc thu đóng.

BHXH Việt Nam tăng cường thực hiện thanh kiểm tra theo kế hoạch, hoặc đột xuất, từ năm 2016 tới tháng 6/2023, BHXH Việt Nam đã thanh kiểm tra hơn 62.700 đơn vị chậm, nợ BHXH số tiền hơn 16.500 tỷ đồng; sau thanh kiểm tra các đơn vị đã đóng hơn 12.200 tỷ đồng (đạt 74% số phải thu hồi).

Các đơn vị chậm, nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài, BHXH các địa phương cũng chuyển hồ sơ đến cơ quan công an kiến nghị điều tra, khởi tố hành vi trốn đóng. Tới hết tháng 6/2023, BHXH các địa phương đã chuyển 401 hồ sơ tới cơ quan công an, trong đó đã khởi tố 13 hồ sơ, đang giải quyết 117 hồ sơ, không thụ lý 56 hồ sơ…

Về khởi kiện đơn vị chậm đóng BHXH, trước khi Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực (bỏ quyền khởi kiện của cơ quan BHXH), BHXH các địa phương đã khởi kiện hơn 5.300 đơn vị chậm đóng, trong đó hơn 1.700 đơn vị đưa ra xét xử.

Bên cạnh các giải pháp trên, cơ quan BHXH cũng định kỳ công bố công khai tên, số tiền các đơn vị chậm, trốn đóng BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chậm, nợ do đâu?

Dù đã triển khai quyết liệt các biện pháp nêu trên, tuy nhiên đến nay số đơn vị chậm đóng và số tiền chậm đóng phát sinh vẫn xảy ra, theo BHXH Việt Nam, do những năm gần đây doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, suy thoái kinh tế toàn cầu. Thực tế, năm 2021, có hơn 26.600 đơn vị chậm đóng BHXH, năm 2022 tăng lên hơn 31.800 đơn vị, trong 6 tháng của năm 2023 đã có 32.700 đơn vị chậm đóng.

Bên cạnh đó, các chế tài xử lý hành vi chậm, trốn đóng BHXH chưa đủ sức răn đe, còn vướng mắc không thực hiện được. Cụ thể, chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT còn nhiều bất cập, đơn vị sử dụng lao động có nhiều tài khoản ngân hàng, khi bị xử phạt thì cung cấp tài khoản không có số dư (không còn tiền), nên nhiều quyết định xử phạt hành chính không được thực hiện.

Với chế tài khởi kiện đơn vị nợ BHXH giao cho công đoàn, nhưng quy định hiện hành chưa thống nhất về tư cách của đơn vị khởi kiện là công đoàn cơ sở hay công đoàn cấp trên. Ở cấp công đoàn cơ sở, việc khởi kiện gặp khó khăn và không đảm bảo tính khách quan, do cán bộ công đoàn đều là người lao động của doanh nghiệp, được đơn vị trả lương; thiếu trình độ chuyên môn về tố tụng. Cùng đó, trước khi khởi kiện, phải trải qua các bước hoà giải, phải có uỷ quyền của từng người lao động… nên khó thực hiện.

Về quy định xử lý hình sự về tội trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT, bắt buộc phải qua bước xử phạt hành chính đơn vị vẫn vi phạm trốn đóng. Tuy nhiên, các quyết định phạt hành chính đều về hành vi chậm đóng, nên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm; hay các hiểu pháp luật còn một số nội dung khác nhau.

Với những đơn vị giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn nợ BHXH, BHTN kéo dài, nhưng không còn tài sản đảm bảo, hay nguồn tài chính để trả tiền đóng BHXH. Vì vậy số tiền chậm đóng BHXH, BHTN ở các đơn vị này tồn tại từ nhiều năm nay, không thế giải quyết do pháp luật chưa có quy định để xử lý số tiền này.

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.