Theo Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận, đây là địa phương rất khô hạn, việc cung cấp nước sạch gặp nhiều khó khăn do khan hiếm nguồn nước. người dân nông thôn đa phần dùng nước từ nguồn nước sông, suối trong hoạt động sinh hoạt và ăn uống còn khá phổ biến.
Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” tỉnh Ninh Thuận được triển khai trong giai đoạn 2016-2020, do Ngân hàng Thế giới tài trợ với mục tiêu cải thiện hành vi vệ sinh, tăng cường và duy trì khả năng tiếp cận vệ sinh và nước sạch ở khu vực nông thôn.
Chương trình gồm 3 hợp phần: Cấp nước nông thôn; vệ sinh môi trường nông thôn; nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát và đánh giá. Tính đến cuối năm 2017 đã có 2.351 đấu nối từ hệ thống cấp nước Sơn Hải, xã Phước Dinh (Thuận Nam), đạt 16%; 2 xã đạt vệ sinh toàn xã là Phước Thái (Ninh Phước) và xã Tân Hải (Ninh Hải) đạt 40%; 149 nhà vệ sinh hộ, đạt 19%; 8 công trình vệ sinh và cấp nước y tế tại các xã: Phước Thành, Lương Sơn, Phước Vinh, Phước Sơn, Phước Hữu, Phước Tân, Phước Chiến, đạt 100%; 2 kế hoạch tăng cường năng lực và 2 kế hoạch truyền thông được thực hiện, đạt 40% so với kế hoạch.
Bà Nguyễn Thị Lợi, xã Phước Dinh, Thuận Nam, Ninh Thuận vui mừng chia sẻ khi được sử dụng dòng nước sạch: “Bà con nơi đây sản xuất chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt ở biển. Nhiều năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xã Phước Dinh chúng tôi thường xuyên đối mặt với thời tiết khô hạn, thiếu trầm trọng nguồn nước sinh hoạt, người dân phải sử dụng nước thiếu vệ sinh từ các giếng khoan hoặc phải mua từng can nước sạch để sinh hoạt hằng ngày. Một hệ thống cấp nước sạch là mơ ước của hàng nghìn hộ dân ở làng ven biển chúng tôi”.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, 100% hộ dân trong 5 xã được tuyên truyền, vận động xây và sử dụng nhà tiêu cải thiện, thông qua cung cấp thông tin về các loại nhà tiêu cải thiện, cũng như cách sử dụng và bảo quản nhà tiêu đúng quy cách; 100% hộ dân trong 5 xã được cung cấp kiến thức về vệ sinh cá nhân và rửa tay với xà phòng và nước sạch vào các thời điểm quan trọng;100% giáo viên và học sinh các trường mầm non và tiểu học (không kể các điểm trường) trong 5 xã được cung cấp kiến thức về sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh đúng quy cách, rửa tay với xà phòng và nước sạch vào các thời điểm quan trọng.
Anh A Xá, người dân thôn Cầu Đá, Phước Kháng, hào hứng kể: “Vui lắm, bất ngờ lắm, từ bây giờ bà con Phước Kháng chúng tôi không còn phải ra suối tắm, giặt quần áo, cũng không phải gánh nước từ suối về nấu ăn, uống như trước nữa. Bây giờ, nước chạy về tận nhà rồi. Lũ trẻ trong làng thích lắm, chúng được dùng nước từ vòi, từ bể không phải sách nước nặng như trước nước nữa”.
Có được thành công như hôm nay, bên cạnh sự hỗ trợ đầu tư của Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” giai đoạn 2016-2020, do Ngân hàng Thế giới tài trợ, Chương trình còn được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo cán bộ nhằm mang đến cho người dân những nhu cầu thiết yếu nhất, hơn 90% cán bộ xã, y tế thôn bản tham gia thực hiện chương trình được đào tạo tập huấn về mô hình thúc đẩy vệ sinh, truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh để tuyên truyền đến bà con, thúc đẩy thị trường vệ sinh, kiểm tra, giám sát vệ sinh nhà tiêu hộ gia đình, nhà tiêu học sinh và trạm y tế.