Ông Vũ Mão. |
Năm nay, chúng ta tổ chức bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp vào ngày 22-5, đúng vào dịp đất nước kỷ niệm những ngày lễ lớn. Ngày bầu cử năm nay cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng, khi chúng ta vừa tổ chức thành công ĐH Đảng XI đề ra cương lĩnh, chiến lược mới phát triển đất nước. Đó là những vấn đề đã được đặt ra từ 25 năm trước - từ ĐH Đảng VI năm 1986, cho nên những mong chờ của nhân dân đối với sự đi lên của đất nước là một niềm khao khát vô bờ bến. Năm nay cũng có nhiều khó khăn, thời gian không còn dài, khối lượng công việc đặt ra lớn, nhưng nhờ kinh nghiệm những khóa trước, chúng ta có niềm tin, cuộc bầu cử sẽ thành công tốt đẹp.
Ông Vũ Mão, sinh năm 1939 tại Hà Nội, quê gốc ở xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Là một chính khách, nhà thơ, nhạc sĩ, kỹ sư thủy lợi, từng giữ các chức vụ Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn (1982 -1987), Chủ nhiệm VPQH và Hội đồng Nhà nước (1987 - 1992), Chủ nhiệm VPQH (1992- 2002), Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (2002-2007). Ủy viên Trung ương Đảng các khóa 5,6,7,8,9 (1982- 2006), Ủy viên UBTVQH các khóa 9, 10, 11. |
Bầu cử QH đang trong quá trình đổi mới để bầu ra một QH có chất lượng cao với một cơ cấu hợp lý, đáp ứng ý nghĩa chính trị của đất nước: Tỷ lệ nữ cố gắng đạt cao hơn nhiệm kỳ trước, nâng lên tới trên 30%. Thứ hai, vấn đề ĐB trẻ cần được coi trọng hơn. Dân tộc ta là một dân tộc trẻ, phải thể hiện sức trẻ đó ngay trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là QH. Nếu có ĐB là Việt kiều về nước làm việc tham gia QH thì rất tốt - họ là những người có tư duy hiện đại, mang hơi thở và sức sống lành mạnh của quốc tế vào QH. Vấn đề người tự ứng cử cũng rất quan trọng, vì điều ấy mới thể hiện rõ nét nền dân chủ của chúng ta. Người ngoài Đảng cần có một tỷ lệ thỏa đáng trong QH. Thực chất có mối quan hệ mật thiết giữa người tự ứng cử với người ngoài Đảng.
Về phương thức bầu cử có nhiều vấn đề đặt ra mà các khóa trước chưa giải quyết được như: Số ĐB được bầu tại mỗi đơn vị bầu cử và số ứng cử viên tại mỗi đơn vị bầu cử còn quá nhiều.
Giữ nhiều cương vị trong QH và tham gia công tác tổ chức bầu cử nhiều khóa, ông đánh giá chất lượng ĐBQH những khóa trước, nhất là khóa XII vừa qua như thế nào?
Chúng ta coi tiêu chuẩn ĐB là quan trọng nhất. Đồng thời cũng không thể bỏ qua yếu tố cơ cấu. Chính hai vấn đề này tạo nên chất lượng ĐB và đương nhiên tạo nên chất lượng hoạt động của QH. Qua mỗi nhiệm kỳ chúng ta đều có nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử ĐBQH và Luật bầu cử ĐBHĐND để lựa chọn được những người tài, đức vào các cơ quan này. Trên thực tiễn, cơ bản chúng ta đã cố gắng xử lý mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu. Chúng ta có thể tự hào là tỷ lệ ĐBQH là nữ của Việt Nam thuộc vào loại cao trên thế giới. Ở châu á thì chúng ta đứng hàng nhất nhì.
Về ĐB trẻ, tôi muốn phân tích sâu thêm. Lâu nay chúng ta đã coi trọng vấn đề này và đã luật hóa. Có ý kiến cho rằng, nghị sỹ phải là những người từng trải, tư duy tầm cỡ quốc gia, vì thế người trẻ khó đạt được. Nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng: người trẻ có sức sống dồi dào, ham học hỏi, có tư duy sáng tạo nên sẽ làm cho QH năng động, đổi mới mạnh mẽ hơn. Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 có nhiều ĐB trẻ, Nguyễn Đình Thi lúc đó 21 tuổi. Bây giờ ĐB 21 tuổi thì hiếm lắm. Chúng ta luôn mong muốn tỷ lệ ĐB trẻ nhiều hơn nữa.
Với những đặc điểm của mình, QH rất cần có một số ĐB có kinh nghiệm, những người tham gia liên tục nhiều khóa. Họ là những người đóng góp hữu ích cho QH và đất nước. Số ĐB chuyên trách ngày càng tăng, là nòng cốt để chuẩn bị những nội dung quan trọng đưa ra QH xem xét, quyết định.
QH đã có bước phát triển, đổi mới và ngày càng thể hiện rõ dấu ấn dân chủ. Tuy nhiên, nhiều ĐB cho rằng vẫn còn những hạn chế, nhược điểm cần khắc phục, theo ông đó là gì?
Bài học kinh nghiệm là: Phải luôn có tư duy đổi mới, chủ động và sáng tạo trong hoạt động QH và HĐND các cấp. Những năm qua, chúng ta làm được nhiều việc. Nhân dân ta hài lòng, đồng tình với hoạt động chất vấn tại QH được phát thanh, truyền hình trực tiếp để toàn dân theo dõi, giám sát. Bạn bè quốc tế quan tâm và hoan nghênh. Qua những lần thăm, các đồng chí công tác ở QH Trung Quốc nói rằng: Kinh nghiệm đổi mới ở QH Việt Nam rất đáng ghi nhận. Chúng tôi sẽ nghiên cứu, tham khảo cách thức sinh hoạt dân chủ của QH Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần khiêm tốn nhìn nhận hoạt động QH còn có những tồn tại. Chất lượng của công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước còn nhiều hạn chế. Tính dân chủ công khai - một thuộc tính trong hoạt động QH còn hạn chế. Cũng cần thấy rằng, luật ghi nhận vai trò của QH và HĐND là cơ quan quyền lực cao nhất, nhưng chúng ta chưa làm được như vậy. Trong nhiều nguyên nhân thì có nguyên nhân về nhận thức của chúng ta - nhất là cấp lãnh đạo. Thực tiễn cho thấy, nhận thức về vai trò của QH đến đâu sẽ tạo điều kiện cho QH hoạt động hiệu quả đến đó.
Tranh cử rộng rãi
Cuộc bầu cử QH sẽ diễn ra trong tháng 5. Từ góc độ đổi mới của ĐH Đảng XI, ông thấy còn có những tồn tại gì và cần giải quyết những vấn đề đó như thế nào?
"Nước ta không thiếu nhân tài, nhưng thường nói khó chọn được người xứng đáng, bởi vì cách làm cũ. Phải có cách nhìn mới và phương thức mới, tranh cử rộng rãi, dân chủ. Phải chọn nhân tài từ thực tiễn cuộc sống và từ những cuộc tranh cử, còn nếu cứ nhắm vào qui hoạch sẵn có, thậm chí nhắm vào một ai đó thì hiệu quả sẽ không cao." |
Từ nay đến ngày bầu cử không còn xa nữa. Các công việc chuẩn bị đã theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Chúng ta tin tưởng cuộc bầu cử sẽ thành công tốt đẹp. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, để tiếp tục đổi mới công tác bầu cử còn nhiều việc, theo tôi, ngay từ bây giờ cần đặt ra nghiên cứu để bổ sung vào các văn bản pháp luật. Ví dụ như: Tăng cường mở rộng số ứng viên so với số ĐB bầu ở mỗi đơn vị.
Hiện đã có qui định, nhưng không nói rõ hơn bao nhiêu cho nên thường vận dụng tối thiểu là hơn 1 người. Nhưng nên là gấp đôi trở lên. Và như vậy, để bầu đủ số ĐB có thể phải qua nhiều vòng bầu, tốn kém hơn nhưng đảm bảo dân chủ hơn. Và cũng qua đó, sẽ có sự hài hòa tiêu chuẩn và cơ cấu hơn. Bởi một cơ cấu ĐB trẻ, nữ, ngoài Đảng… rất khó chọn, nếu mở rộng số ứng viên, qua nhiều vòng chọn lọc, chất lượng ĐB đương nhiên tốt hơn là chỉ đưa ra 1-2 người.
Thứ hai, tiến tới, mỗi đơn vị bầu cử chỉ bầu 1 ĐB nhằm tăng trách nhiệm của ĐB với cử tri. Sẽ không có việc ĐB bỏ tiếp xúc cử tri hoặc cả nhiệm kỳ không đóng góp, phát biểu gì và nhân dân có địa chỉ đích thực để gửi gắm yêu cầu của mình. Thứ ba, cần có một cơ chế tranh cử đầy đủ hơn giữa các ứng viên thông qua chương trình hành động, để từ đó cử tri lựa chọn ra được một người tài, đức thực sự. Cuối cùng là tăng cường tiếp xúc cử tri ở cơ sở nhiều hơn nữa, chứ không phải tiếp xúc đại cử tri như lâu nay ở một số nơi.
Có ý kiến cho rằng: Mặc dù chúng ta đã đưa ra các chủ trương biện pháp, nhưng kết quả chưa được như mong muốn, QH vẫn còn chậm đổi mới ở một số khâu?
Tôi vẫn muốn nhấn mạnh tới những kết quả đã đạt được trong hoạt động của QH. Những tồn tại còn khá nhiều là do nhận thức. Trước hết, các cơ quan ở Trung ương cần nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của QH. Từ đó đưa ra tiêu chí ĐB và phương thức bầu cử phù hợp. Điều quan trọng là phải tạo ra cơ chế tranh cử. Tranh cử đích thực mới chọn được nhân tài. Đây không phải là ý tưởng đối với đổi mới bầu cử ĐBQH, HĐND mà cả là những mong muốn cho việc tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Năm 1988, Quốc hội khóa VIII đã ghi dấu son trong việc có hai ứng cử viên chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) là đồng chí Đỗ Mười và đồng chí Võ Văn Kiệt. Nếu tới đây tiếp tục phát huy hơn nữa việc này thì rất tốt.
Nước ta không thiếu nhân tài, nhưng thường nói khó chọn được người xứng đáng, bởi vì cách làm cũ. Phải có cách nhìn mới và phương thức mới, tranh cử rộng rãi, dân chủ. Phải chọn nhân tài từ thực tiễn cuộc sống và từ những cuộc tranh cử, còn nếu cứ nhắm vào qui hoạch sẵn có, thậm chí nhắm vào một ai đó thì hiệu quả sẽ không cao. Phải chuyển cơ chế chọn nhân tài từ nhân trị sang pháp trị, tức là chọn lựa rộng rãi, theo luật, không thiên vị bất kỳ ai.
Cảm ơn ông.