'Ni cô Huyền Trang': Tôi không bao giờ nghĩ mình già…

NS ƯT Thanh Loan ghi dấu ấn để đời trong vai "Ni cô Huyền Trang" của phim "Biệt động Sài Gòn". Ảnh: TL.
NS ƯT Thanh Loan ghi dấu ấn để đời trong vai "Ni cô Huyền Trang" của phim "Biệt động Sài Gòn". Ảnh: TL.
Giữ nguyên vẻ đẹp dù đã lớn tuổi, NSƯT Thanh Loan - diễn viên nổi tiếng với vai “Ni cô Huyền Trang” trong Biệt động Sài Gòn chia sẻ rằng, bà không bao giờ nghĩ mình già. Trong cuộc trò chuyện mới đây cùng PV, "Ni cô Huyền Trang" cũng đã tiết lộ cơ duyên khiến bà nhận làm "người mẫu" Lễ hội Áo dài, diễn ra vào tối 4/3 tại Hà Nội.

Khi nhận được lời mời từ phía Ban tổ chức Lễ hội Áo dài 2016, cảm xúc của bà thế nào, thưa bà?

Lúc đầu tôi thấy hơi lạ và ngạc nhiên. Tôi cứ tự hỏi: “Không hiểu vì sao lại mời những người già như tôi tham gia trình diễn trong khi nhắc đến thời trang là người ta thường nghĩ tới những cô người mẫu chân dài, dáng chuẩn. Mời những người mẫu là U60, U70 như chúng tôi thì trình diễn được gì nhỉ”. Tuy nhiên, sau khi được các bạn giải thích tôi rất mừng. Tôi cho rằng, ý tưởng mời những nghệ sỹ đã từng có những dấu ấn trong điện ảnh là rất ý nghĩa và nhân văn. Vì dù đã có tuổi nhưng các nhà thiết kế vẫn nghĩ đến những thế hệ đã qua. Dù đã có tuổi nhưng rõ ràng thế hệ xưa vẫn có sự duyên dáng của con người ngày xưa. Rất nhiều bạn bè cùng thế hệ với tôi rất mong các nhà thiết kế có những tà áo dài hợp với tuổi.

Bà có thể chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ với áo dài?

Tà áo dài truyền thống là biểu tượng của vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam. Cứ hễ mặc tà áo dài đi tới đâu người ta cũng nhận ra đó là tà áo dài của người Việt Nam, đất nước Việt Nam. Tôi có một kỷ niệm đó là cách đây mấy năm, khi tôi sang Mỹ ở với các con, nhà con ở ngay thủ đô Washington D.C nên rất hiếm thấy người Việt mặc áo dài. Chỉ đến khi xuống vùng Cali thì vì bà con người Việt ở đó rất nhiều nên gặp nhiều người mặc áo dài lắm. Thế là vào những ngày lễ của nước mình, các con thường chở tôi qua vùng Cali vui chơi ở đó để tôi có cơ hội mặc áo dài. Phải nói rằng, bà con người Việt mình dù đi đâu thì cũng gắn bó với tà áo dài rất đặc trưng của dân tộc mình. Tà áo dài mà theo nhiều người Việt mình nhận định là kín đáo, tế nhị… nhưng cũng rất khêu gợi. Người phương Tây cũng rất thích mặc áo dài Việt Nam.

Hắn đến bây giờ bà vẫn còn nhớ cái cảm giác lần đầu tiên mình được khoác lên mình tà áo dài Việt Nam?

Tôi thì từ lúc 6 tuổi tôi đã ở trong Văn công quân đội nên suốt cả cuộc đời chủ yếu mặc đồ lính thôi, rất ít khi được mặc áo dài. Nhưng tà áo dài đầu tiên tôi mặc đó là khi đóng phim “Bài ca ra trận” của cố NSND Trần Đắc. Trong phim, tôi đóng vai cô Lê, yêu nhân vật anh hùng Lê Mã Lương. Đó là lần đầu tiên tôi được mặc áo dài trắng vì nhân vật Lê là nữ sinh. Thời đó đất nước còn khó khăn nên để có được tà áo dài là cả một vấn đề. Muốn mua được mảnh vải may áo dài, một là phải có người ở nước ngoài về, hai là phải mua bằng tem phiếu. Tôi còn nhớ, trước thời kỳ đó, chỉ có bà con Việt kiều ở Thái Lan về mới có vải để may áo dài. Và tà áo dài đầu tiên tôi được mặc năm 1973 ấy cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in.

Nhiều người nhìn nhận rằng, với gương mặt có nhiều nét Á Đông và mái tóc dài đen mượt hiếm hoi, bà mặc áo dài là hợp nhất. Chính vì hợp nên mỗi khi bà xuất hiện với tà áo dài thường rất thu hút sự chú ý. Vậy bà thường hay diện áo dài trong những dịp nào và chăm chút mái tóc của mình ra sao?

Thực ra, tủ áo dài của tôi những năm gần đây tương đối nhiều. Hàng năm, cứ hễ đến gần lễ trao giải Cánh Diều Vàng là tôi lại có cớ để may một bộ áo dài mới. Có những bộ áo dài chưa mặc đến 5 lần đã phải treo trong chỗ kín là bởi tôi không được phép lặp lại chính mình quá nhiều. Dù tà áo dài có đẹp đến mấy thì cũng phải làm mới mình, phải thay đổi. Điều đặc biệt là tôi không hề có cái váy dạ hội hay váy sang trọng nào cả. Đi đến bất kỳ sự kiện trang trọng nào tôi cũng diện áo dài.

Tôi thì rất yêu mái tóc của mình nên lúc nào tôi cũng chăm chút cho mái tóc. Ngày xưa tóc tôi dài lắm, bây giờ cũng vẫn dài như thế. Tuy nhiên, mỗi khi mặc áo dài tôi thích búi tóc theo kiểu các thiếu nữ Hà Thành xưa chứ không thích buông xoã. Tôi cũng không biết sắp tới, khi trình diễn thì các chuyên gia trang điểm sẽ búi tóc theo kiểu gì.

Bà có thể chia sẻ một chút về cuộc sống hiện tại của bà?

'Ni cô Huyền Trang': Tôi không bao giờ nghĩ mình già… ảnh 1

Trong Lễ hội Áo dài 2016, NSƯT Thanh Loan sẽ xuất hiện với một bộ áo dài do NTK Cao Minh Tiến thiết kế. Ảnh: Mạnh Thắng.

Tôi bây giờ đã lên chức bà nội, bà ngoại rồi. Mấy năm trước tôi sống bên Mỹ với con gái tôi. Từ ngày về Việt Nam, tôi vẫn tiếp tục đảm nhận cương vị Chi Hội trưởng - Chi hội Điện ảnh Truyền hình Công An. Tôi có văn phòng ngồi làm việc riêng và ngoài hoạt động của Hội thì còn sáng tác, viết kịch bản. Nếu có phim thì một năm tôi cũng cố gắng đạo diễn một vài phim do mình viết kịch bản. Tất nhiên đó là phim tài liệu thôi chứ không phải phim truyện. Vì mình được học đạo diễn trong môi trường điện ảnh công an nên làm phim tài liệu sẽ gần gũi hơn với kinh nghiệm sống, cuộc sống của mình.

Vậy lý do vì sao đã lâu rồi bà không xuất hiện trở lại trên phim ảnh trong vai trò diễn viên?

Thật ra, tôi không làm diễn viên từ năm 1976 cho đến nay. Tôi chuyển qua làm công tác phát thanh viên của Truyền hình Quân đội rồi sau đó chuyển qua làm phát thanh viên của Truyền hình Công an. Trong thời gian chuyển đổi về mặt tổ chức, có đạo diễn nào mời tôi đi đóng phim thì tôi mới đi. Nếu đọc kịch bản thấy hay, nhân vật có đất để phát triển thì tôi mới nhận.

Nhiều người cũng bảo, vai Ni cô Huyền Trang tuyệt như thế mà tôi không đóng nữa thì phí cho nền điện ảnh quá. Nhưng tôi quan niệm, vai đó hay nhưng làm diễn viên thì cũng nên biết là lên đến đỉnh cao thì phải dừng đúng lúc. Thêm nữa là thời điểm đó tôi làm đạo diễn rồi được bổ nhiệm làm PGĐ Hãng phim Công An nên cũng không có thời gian tham gia đóng phim nữa.

Với lại nói thật là nếu tham gia thì tôi thích tham gia phim điện ảnh chứ làm phim truyền hình tốc độ nhanh lắm, tôi không theo kịp. Không biết có phải vì bây giờ phim kinh phí ít, đầu tư không nhiều, thời gian phải quay ngắn… nên mọi thứ phải gấp gáp không nhưng làm thế tôi không làm được. Mà các bạn diễn viên bây giờ cũng càng ngày càng thiếu tính chuyên nghiệp đi, bị nghiệp dư hóa đi… đó là không bao giờ thuộc lời thoại trước cả, cứ phải ra trường quay thì thư ký phải đứng sau nhắc lời. Riêng cái khoản phải phụ thuộc vào việc nhắc lời đã khiến cho cảm xúc khi hóa thân vào nhân vật bị giảm đi rất nhiều.

Bí quyết gì khiến cho bà dù nhiều năm không xuất hiện trên phim ảnh nhưng vẫn giữ được nét thanh xuân, duyên dáng, xinh đẹp của “Ni cô Huyền Trang” ngày nào?

Tôi không bao giờ nghĩ tôi già cả. Thứ nữa là phải thường xuyên hoạt động xã hội thì mới không bị lão hoá. 10 năm về hưu nhưng tôi vẫn tham gia các tổ chức, hội nhóm nghề nghiệp, chuyên ngành. Việc hoạt động trong tập thể sẽ giúp tôi trẻ trung, lạc quan và năng động hơn. Bình thường, trời lạnh lẽo hoặc mưa gió quá tôi mới đi taxi, còn bình thường đi đâu tôi cũng tự lái xe máy đi.

Thêm nữa là luôn sống hướng thiện sẽ dễ khiến tâm hồn mình thanh thản, nhẹ nhàng, bớt đi được những lo toan. Cái gì vừa đủ và biết dừng đúng lúc cũng tốt cho mình.

Cám ơn NSƯT Thanh Loan đã chia sẻ thông tin. Chúc bà luôn khỏe mạnh, nhiều niềm vui trong công việc. Hy vọng tiết mục trình diễn áo dài của bà trong Lễ hội Áo dài 2016 tới đây nhiều sẽ để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả.

Trong Lễ hội Áo dài 2016 tới đây, Nhà thiết kế Cao Minh Tiến là người sẽ thiết kế áo dài cho tôi. Bạn Cao Minh Tiến đã đến tận văn phòng của tôi để lấy số đo. Tôi có phần hơi ái ngại vì mình không được như ngày xưa nữa. Các bạn đã động viên tôi rằng sẽ may cho tôi một bộ áo dài theo kiểu Hà Nội xưa.

Khi được xem một số mẫu áo dài trong bộ sưu tập của 19 Nhà thiết kế tham gia Lễ hội Áo dài 2016 mới đây, tôi thấy áo dài bây giờ rất đa dạng và phong phú. Các mẫu áo dài đều có tính kế thừa của truyền thống nhưng cũng pha trộn nhiều yếu tố hiện đại. Những mẫu áo dài truyền thống thường sử dụng trong những dịp lễ Tết, cưới hỏi, sự kiện… thì thướt tha và cầu kỳ hơn; còn những mẫu áo dài cách tân thì thể hiện sự năng động, bắt kịp với thời đại. Tôi vẫn thích những mẫu áo dài cách tân vì nó thể hiện sự năng động, con người vẫn mặc áo dài nhưng người ta có thể thoải mái di chuyển, tiện lợi cho sinh hoạt. Với kiểu áo dài này thì tôi cũng có thể tự cắt may để mặc hàng ngày được.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.