Ông Huỳnh Khanh “ở lậu” suốt 25 năm trên chính mảnh đất mà mình được bố trí TĐC. Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Năm 1998, hơn 300 hộ dân ở xóm Đồng Tre (thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn) nằm trong khu vực xây dựng Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất đã đồng loạt nhường đất đai, nhà cửa, ruộng vườn và đến tái định cư (TĐC) tại xã Bình Thanh (huyện Bình Sơn).
Đã 25 năm trôi qua, đến nay, vẫn còn 12 hộ trong số đó vẫn chưa được cấp sổ đỏ ngay trên mảnh đất mình được bố trí TĐC. Dù họ đã hoàn tất mọi thủ tục.
Năm 1998, sau khi nhường đất, gia đình ông Nguyễn Đại (74 tuổi) được Nhà nước bố trí 400m2 đất ở tại khu TĐC thôn An Quang, xã Bình Thanh. Kể từ đó đến nay, gia đình ông vẫn chưa được cấp sổ đỏ tại nơi mà mình TĐC.
Ông Đại cho biết, khi còn ở xã Bình Trị, gia đình ông có đầy đủ các loại giấy tờ liên quan và được chính quyền cấp lô đất TĐC hơn 400 m2. Đến đây xây dựng nhà, cải tạo đất, cuộc sống gia đình đã tương đối ổn định. Thế nhưng, đến khi bà con được nhận sổ đỏ, gia đình ông lại không có. Những hồ sơ, thủ tục liên quan gia đình ông đã làm theo hướng dẫn của cán bộ chức năng từ năm 2019.
“Tôi đã nhiều lần có ý kiến với cán bộ phụ trách của UBND xã Bình Thanh nhưng chỉ nhận được câu trả lời là chờ cơ quan chức năng cấp trên giải quyết. Không có sổ đỏ, việc thế chấp vay vốn làm ăn cũng gặp rất nhiều khó khăn”, ông Đại nói.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Huỳnh Thanh (64 tuổi) than thở: “Cách đây mấy năm, chính quyền thông báo nộp tiền sử dụng đất để họ cấp sổ đỏ, gia đình đã nộp gần 4 triệu đồng. Nhưng đến ngày nhận, mọi người đều có, còn mười mấy hộ, bao gồm nhà tôi lại không có. Họ bảo hồ sơ bị thất lạc. Bao nhiêu năm qua chúng tôi chịu nhiều thiệt thòi rồi…”.
Theo ông Thanh, ở thời điểm di dời, mẹ ông là bà Huỳnh Thị Cốc cũng nhường đất lại cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đến năm 2021, mẹ ông mất mà căn nhà tại khu TĐC vẫn chưa có sổ đỏ.
“Nhìn Nhà máy lọc dầu Dung Quất phát triển đến ngày hôm nay, chúng tôi rất vui khi mình góp sức cho sự phát triển chung của đất nước. Nhưng tôi lại như “ở lậu” trên chính mảnh đất nhà nước cấp để TĐC”, ông Thanh ngậm ngùi.
Bà Lê Thị Pháo (83 tuổi), chỉ mong có sổ đỏ để thế chấp vay tiền chữa bệnh cho con.
“Nhiều năm qua xã đã rà soát lại một số hồ sơ lưu trữ, đến nay cũng chưa tìm thấy, nhưng chắc chắn phải có hồ sơ. Nếu không có làm sao năm 1998 người dân vào đây TĐC được. Những người dân vào đây TĐC đều đã hy sinh vì cái chung. Vì vậy, cần huyện, tỉnh có hướng giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho dân”.
Ông Nguyễn Hồng Phước - Chủ tịch UBND xã Bình Thanh
Phải tập trung giải quyết
Ông Nguyễn Hồng Phước, Chủ tịch UBND xã Bình Thanh cho biết, trong số hơn 300 hộ dân thuộc diện di dời để nhường đất xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, hiện còn 12 hộ chưa có sổ đỏ. Nguyên nhân chưa thể cấp sổ đỏ cho những hộ dân này là hồ sơ TĐC, hồ sơ đền bù hay quyết định giao đất không còn lưu trữ tại cơ quan các cấp.
Hồ sơ bị thất lạc mà lỗi chính thuộc về cơ quan quản lý nhà nước nhưng các hộ dân này phải “gánh khổ”. Không có sổ đỏ nên việc tách thửa, chuyển đổi hay thế chấp của các hộ dân trên gặp rất nhiều khó khăn. Chính quyền xã cũng nhiều lần đề nghị để có hướng giải quyết thoả đáng cho các hộ dân này.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tưởng Duy, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết, huyện đã nắm được bức xúc của các hộ dân ở xã Bình Thanh. Yêu cầu cấp sổ đỏ của 12 hộ dân nói trên là chính đáng. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan là phải tập trung giải quyết để cấp sổ đỏ cho bà con.
Theo Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Nguyễn Tưởng Duy, huyện đã: Chỉ đạo các phòng, ban và UBND các xã liên quan rà soát, cấp sổ đỏ để người dân ổn định cuộc sống; Giao cho UBND xã Bình Thanh chủ trì, phối hợp với Phòng TN&MT, Cty Lọc hóa dầu Dung Quất kiểm tra hồ sơ bồi thường, hồ sơ giao đất làm cơ sở cấp sổ đỏ.
Nếu không tìm thấy, các đơn vị phải báo cáo rõ, căn cứ theo hồ sơ hiện có, thực tế hộ dân sử dụng đất và các quy định pháp luật hiện hành để lập thủ tục cấp sổ đỏ cho các hộ dân trong thời gian sớm nhất.