Ngày 2/10/2012, bà Trần Thị Dưa (59 tuổi, trú thôn Vân Thê Đập, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) mua một số gói bánh snack (bim bim) do một công ty ở Hà Nội sản xuất. Nghe có người đồn ngâm bánh snack trong nước lâu sẽ có đỉa bò ra nên bà cũng tò mò ngâm thử. Và bất ngờ là 14 giờ sau đó, bà phát hiện những sinh vật màu trắng li ti, bò lúc nhúc như dòi. Khoảng 7 giờ sau, những sinh vật này chuyển sang màu đen.
Theo ông Văn Đình Câu, Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn Vân Thê Đập, những sinh vật này giống con đỉa nên đã báo cáo lên UBND xã Thủy Thanh. Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, Trưởng ban Quản lý chợ Đông Ba, cho biết hiện vẫn chưa xác định được giống vật lạ đó xuất phát từ gói snack hay là từ nguồn nước. Chúng tôi đã làm thử và không thấy sự việc tương tự.
Gần đây, một đoạn clip dài 18 giây với chú thích "Bim bim Trung Quốc có đỉa, tại xã Xăm Khòe. Công An xã Xăm Khòe, huyện Mai Châu đang lập biên bản sự việc” làm người tiêu dùng không khỏi hoang mang.
Trước đó, tối 19/6/2014, sau khi mua gói bim bim "Ba Anh Em" về cho con ăn, nghe thông tin trong gói bim bim có đỉa, chị Hà Thị Thuý (xã Xăm Khòe, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) đã đem bim bim ngâm vào nước. Khoảng 5 tiếng đồng hồ, chị Thúy thấy có đỉa bò ra từ trong gói bim bim. Chị Thúy đã đem gói bim bim "Ba Anh Em", cùng con đỉa đang bò ngoe nguẩy bên trong đến công an để trình báo lúc 7h25 sáng 20/6.
Vào cuối năm 2012, trên các trang mạng xã hội rộ lên thông tin mì gói có đỉa khiến người dân vô cùng hoang mang. Đến tháng 8/2013, thông tin mì tôm có sinh vật lạ cũng lại rộ lên, khi bà Nguyễn Thị Xuân (Hà Tĩnh) pha cho con trai bát mì và phát hiện ra sinh vật lạ.
Ngay sau đó, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm vào cuộc, lấy mẫu xét nghiệm và đã kết luận sinh vật lạ chỉ là đốt sán, dây từ môi trường bên ngoài vào. Và khẳng định quá trình chế biến mỳ tôm có xử lý ở nhiệt độ trên 100 độ C với bao gói kín nên các sinh vật không thể sống được.
Vào khoảng tháng 11/2012, người trong gia đình bà Nguyễn Thị Vân Anh - ông Trương Xuân Thiết, ở Thạch Môn, Hà Tĩnh, đã ăn hết một nửa hộp sữa chua thì phát hiện có dị vật giống như đỉa trên nắp hộp. Tuy nhiên, với công nghệ sản xuất sữa nghiêm ngặt hiện nay, Hiệp hội Sữa, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm và các chuyên gia tại Việt Nam đã khẳng định không thể có trường hợp đỉa sống trong sữa.
Trước đó, khoảng 8h sáng 23/9/2012, gia đình chị Dương Thị Hồng (SN 1987, trú tại thôn Dương Thọ, xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) kinh hãi khi phát hiện ra trong hộp sữa mà chị cho hai con mình uống có đỉa.
Các hộp sữa còn lại gia đình chị Hồng đã nộp cho cơ quan cảnh sát điều tra để tiến hành xác minh. Ngay sau khi thông tin sự việc được lan truyền, rất đông người dân đã kéo tới nhà chị Hồng để được chứng kiến những con đỉa có trong những hộp sữa mà gia đình chị Hồng đã mua về.
Sáng ngày 6/11/2012, chị Trần Thị Hải ở xóm Bình, xã Thạch Hưng, TP. Hà Tĩnh uống một hộp sữa tươi. Sau đó, chị này có triệu chứng đau bụng, đi ngoài liên tục. Kiểm tra hộp sữa, người nhà tá hỏa phát hiện nhiều sinh vật lạ đang nghoe nguẩy trong hộp.
Nhiều người ở xã Thạch Hưng khiếp sợ đến mức, có Liên đoàn TP. Hà Tĩnh về kiểm tra tại các cửa hàng có bán loại sữa này, họ cho uống miễn phí nhưng không một ai cầm hộp sữa.
Anh Nguyễn Văn Tài, thôn Thanh Hà, Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội, cho biết ngày 13/9/2012 đã mua hộp sữa từ một cửa hàng của người quen trong xóm. Dù đã được cất trong tủ lạnh nhưng hôm sau thấy xuất hiện sinh vật lạ nghi là đỉa. Tuy nhiên, theo ông Trần Minh Chiến, công an viên thôn Thanh Hà: "Theo tìm hiểu của chúng tôi, con vật bò trong sữa nhà ông Quang không phải đỉa mà là ấu trùng do bảo quản không tốt nên mới như vậy".
Vào khoảng tháng 9/2012, trên địa bàn một số xã ở huyện Thạch Thất, Hà Nội cũng rộ lên tin đồn một người dân mua quả dưa vàng nhập khẩu từ Trung Quốc về, bổ ra ăn thì phát hiện bên trong có đỉa.
Vụ việc chưa kịp lắng xuống thì người dân Thủ đô Hà Nội lại được một phen khiếp vía vì có thông tin có đỉa trong quả dưa hấu đỏ Trung Quốc. Câu chuyện bắt đầu từ bà Tính, một người dân xã Bình Minh (Thanh Oai, Hà Nội) ra chợ mua một quả dưa hấu Trung Quốc mang về nhà phục vụ thợ gặt lúa. Khi ăn cơm trưa xong, bổ dưa ra thì phát hiện một tổ đỉa lúc nhúc...
Gần đây nhất, ngày 25/6/2014, dân mạng xôn xao và kinh hãi khi xem clip “ốc dừa có ổ sán” được thành viên Quynh Giao Vo quay lại và chia sẻ trên trang Facebook cá nhân.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), ốc dừa có sán là chuyện bình thường, phổ biến. Chỉ có điều khi ăn mọi người không để ý nên không phát hiện được ra.