Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, chỉ trong năm 2019 đã có nhiều vụ phá rừng lớn và sử dụng lâm sản trái phép trên địa bàn huyện Ia Pa bị phát hiện.
Ngày 1/11, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã ban hành kết luật số 13 về việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí, công tác quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng đất lâm nghiệp tại ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Mố (BQL rừng Chư Mố). BQL rừng Chư Mố thuộc Sở NN&PTNT Gia Lai, được giao quản lý, bảo vệ rừng với diện tích hơn 24,9 nghìn ha ở 31 tiểu khu trên địa bàn 2 xã Chư Mố, Ia Krăm (đều thuộc huyện Ia Pa) và xã Nam Yang (huyện Kông Chro).
Qua kiểm tra hồ sơ và đi thực tế tại một số tiểu khu, Thanh tra phát hiện diện tích rừng để các cá nhân chặt phá, lấn chiếm hơn 1,4 nghìn ha (từ năm 2011 đến nay) tại 25 tiểu khu.
Trước đó, ngày 15/9/2019, UBND tỉnh Gia Lai tiếp nhận thông tin về tình trạng phá rừng, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép tại huyện Ia Pa. Từ chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai, huyện Ia Pa kiểm tra, phát hiện tại trụ sở Công ty TNHH MTV Lâm Anh Gia Lai (trên địa huyện Ia Pa) có hơn 8m3 gỗ (qui gỗ tròn hơn 13m3) không phù hợp với hồ sơ, bảng kê lâm sản.
Công an huyện Ia Pa đã bắt Đỗ Ngọc Phong (giám đốc công ty Lâm Anh Gia Lai) để điều tra về hành vi “vi phạm các qui định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.
Giữa tháng 7/2019, phóng viên Tiền Phong phát hiện có 48 cây gỗ lớn (đường kính từ 30 đến 80cm) bị cắt hạ, quy ra khối lượng hơn 54m3, trong đó có 28 gốc sơn huyết (nhóm I), 15 gốc dổi (nhóm III). Vị trí số cây này bị chặt hạ thuộc tiểu khu 1229, lâm phần xã Ia Tul (huyện Ia Pa) quản lý.
Kiểm lâm huyện Ia Pa đã khởi tố vụ án “Vi phạm qui định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, đồng thời chuyển cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Ia Pa để tiếp tục điều tra, xử lý.