Kết quả kiểm tra cho thấy có 48 cây (đường kính từ 30 đến 80cm) bị cắt hạ, quy ra khối lượng hơn 54m3. Trong đó có 28 gốc sơn huyết (nhóm I), 15 gốc dổi (nhóm III),…Vị trí tại tiểu khu 1229 thuộc lâm phần của xã Ia Tul (huyện Ia Pa) quản lý.
Tại địa bàn huyện Kông Chro, hiện trường khai thác thuộc tiểu khu 807 do xã Đắk Kơ Ning (huyện Kông Chro) quản lý có 9 gốc bị cắt hạ, tổng khối lượng hơn 25m3. Ngành chức năng huyện Kông Chro cũng đã khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra, xử lý.
Để có được kết quả này, phóng viên Tiền Phong đã dẫn ngành chức năng 2 huyện Kông Chro và Ia Pa vào hiện trường để chỉ vị trí.
Cụ thể, sau khi nhận được tin báo từ bạn đọc về việc cánh rừng cách xã Đắk Kơ Ning khoảng 15km (nơi giáp ranh giữa 2 huyện Kông Chro và Ia Pa) đang bị tàn phá, PV Tiền Phong đã vào hiện trường ghi nhận hàng trăm những thân gỗ đường kính hơn 80cm bị cắt hạ nằm ngổn ngang, lâm tặc vận chuyển ra ngoài bằng máy cày độ, dùng sức trâu để kéo gỗ.
Ngay sau khi báo Tiền Phong đưa tin về vụ việc, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã ra văn bản chỉ đạo kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh. Huyện Kông Chro đã đề nghị cử phóng viên đưa tin về vụ việc tham gia phối hợp xác định hiện trường vụ việc. PV báo Tiền Phong tiếp tục dẫn đoàn liên ngành hơn 30 người gánh gạo, mang võng vào hiện trường vụ xác định vị trí.