Vụ án “camera ngó qua nhà hàng xóm”
Những tiếng thở phào nhẹ nhỏm, những cuộc gọi điện báo tin vui cho người thân,…là những gì mà anh Huỳnh Thanh Lam, bị can trong vụ án “camera ngó qua nhà hàng xóm ở Cà Mau” làm đầu tiên khi nhận “kết luận điều tra vụ án hình sự trong trường hợp đình chỉ điều tra”.
Anh Lam là bị can trong vụ án “Hủy hoại tài sản” mà cơ quan CSĐT Công an TP. Cà Mau khởi tố ngày 8/12/2019, khi anh có hành vi dùng cây tác động làm hư hỏng 2 camera nhãn hiệu KBVISION, model: KX 1003C4 trị giá 2,2 triệu đồng (sau này định giá lại 1,1 triệu đồng – PV) của nhà hàng xóm.
Từ đó, Cơ quan CSĐT Công an TP. Cà Mau xét thấy hành vi của anh Huỳnh Thanh Lam không cấu thành tội phạm nên có quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với anh Lam.
Anh Huỳnh Thanh Lam chia sẻ: “Trong gần 3 năm qua, tôi không được sinh hoạt đảng; không được sắp xếp, bố trí vị trí công tác, bổ nhiệm chức vụ theo quy hoạch; tốn kém nhiều thời gian, chi phí trong quá trình tham gia tố tụng; mất thu nhập từ việc kinh doanh của tôi trong khoảng thời gian bị cấm đi khỏi nơi cư trú; tổn thất nghiêm trọng về tinh thần, uy tín, danh dự,…khi mang thân phận là bị can”.
Camera giám sát được cho là "ngó" qua phần đất của anh Lam. |
Bị truy tố sau tin nhắn trả lời “OK em”
Cũng giống như người đồng nghiệp công tác trong ngành dầu khí, anh Phan Thanh Sang (40 tuổi, ngụ huyện Cái Nước, người bị oan sai trong vụ án “OK em”) từng phải chịu nhiều năm oan khuất.
Khoảng thời gian mang thân phận bị can, gia đình anh Sang đã chịu rất nhiều áp lực từ dư luận và từ bạn bè, người thân, hàng xóm. Thậm chí có đôi lúc anh đã có ý định quyên sinh để chứng minh lòng trong sạch của mình. Nhưng nhìn lại trách nhiệm của mình thì lương tâm anh đã không cho phép làm như vậy.
Thời điểm đó, anh giống như một tội đồ của gia đình…Con trai của anh cũng từng có ý định nghỉ học khi không chịu nỗi sức ép từ dư luận và người mẹ già 80 tuổi đang bị căn bệnh tiểu đường, viêm khớp hành hạ nhưng anh lại không có thời gian nhiều bên cạnh chăm sóc. Và đau đớn nhất là ngày anh đi nhận quyết định đình chỉ vụ án cũng chính là lúc vợ tôi đã lên chùa xuống tóc để trả lễ…
Không chỉ riêng những trường hợp trên, ngày 2/10 vừa qua, TAND TP. Cà Mau vừa bị buộc phải bồi thường oan sai cho anh N.A.D (26 tuổi, ngụ huyện Cái Nước) với số tiền 500 triệu đồng. Hay trường hợp VKSND huyện Ngọc Hiển tổ chức buổi cải chính công khai xin lỗi đối với anh Đ.C.L (27 tuổi, ngụ xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) vào ngày 19/8/2022.
Anh Sang trong buổi công khai xin lỗi. |
Không thể hồi phục được hết những hậu quả
Luật sư Hồ Nguyên Lễ thuộc Công ty Luật TNHH MTV Tín Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, án oan sai là hệ quả của việc vi phạm pháp luật tố tụng nghiêm trọng của các cá nhân, tổ chức, cơ quan tố tụng khi thi hành công vụ giải quyết một vụ án hình sự.
Theo luật sư Lễ, mặc dù pháp luật đã quy định về việc khắc phục hậu quả đối với những vụ án oan sai, nhưng người bị thiệt hại vẫn không thể hồi phục được hết những hệ quả mà bản thân chịu đựng, thiệt hại, nhất là về mặt tinh thần, đổ vỡ gia đình, sự nghiệp. Thực tế, có những người bị oan sai chưa đồng ý với cách làm thiếu bài bản thủ tục, thiếu nhiệt tình của cơ quan khi tiến hành bồi thường, khắc phục hậu quả thiệt hại.
“Nguyên nhân có thể từ cá nhân người thi hành công vụ, người tiến hành tố tụng do non kém nghiệp vụ, do muốn nhanh chóng phá án dù chứng cứ còn mỏng, hoặc do bị áp lực từ thời hạn điều tra, xét xử có giới hạn phải kết luận vụ án… trách nhiệm chính thuộc về người đứng đầu và cơ quan tiến hành tố tụng”, luật sư Lễ nêu quan điểm.
Theo Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015, Điều 13 quy định về suy đoán vô tội: “Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”. Đây là một điều luật rất nhân văn và tiến bộ.
Luật sư Lễ cho rằng: “Người tiến hành tố tụng khi xử lý vụ án cần phải nêu cao trách nhiệm và quan điểm của điều luật này thì sẽ không còn vụ án oan sai, sẽ làm cho người dân tin tưởng vào người tiến hành tố tụng và tránh gây thiệt hại cho người dân và cả Nhà nước nếu phải bồi thường”.