Những vấn đề 'nóng' chờ đợi Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Đào Ngọc Dung
Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Đào Ngọc Dung
TPO - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về những vấn đề liên quan đến thực hiện các gói hỗ trợ, chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và công tác cứu trợ, thiện nguyện.  

Theo chương trình, 14h20 chiều này (ngày 10/11), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là những vấn đề liên quan đến việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bảo đảm tiến độ, đúng đối tượng, hiệu quả. Công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi do đại dịch.

Cùng với đó, là thực trạng và nguyên nhân người lao động rời TP.HCM và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời gian qua. Chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc; vai trò và trách nhiệm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội như thế nào trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cứu trợ, thiện nguyện bảo đảm đúng chế độ, chính sách cũng là nội dung thuộc nhóm vấn đề chất vấn.

Tham gia "chia lửa" đối với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong phần trả lời chất vấn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, do tác động của đại dịch COVID-19 lần thứ 4, thời gian qua đã có khoảng 1,3 triệu lao động từ TP.HCM và các tỉnh trọng điểm phía Nam về các địa phương tránh dịch. Nguyên nhân là do tâm lý lo ngại về dịch bệnh, về sức khỏe, tính mạng bản thân và gia đình do hầu hết chưa được tiêm vắc xin.

Bên cạnh đó, do đời sống khó khăn do thực hiện các biện pháp giãn cách kéo dài, người sử dụng lao động không có việc làm giảm thu nhập hoặc mất thu nhập, điều này khiến lao động ngoại tỉnh càng khó khăn thiếu thốn do chi phí thuê nhà, điện, nước, sinh hoạt phí...

Để "giữ chân người lao động", Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị cần nỗ lực phòng chống, dịch, bảo đảm an toàn, bảo đảm duy trì việc làm với chính sách "tại chỗ" và di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc, cùng các hình thức khác phù hợp với từng doanh nghiệp để duy trì việc làm. Tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng các giải pháp, các chính sách hỗ trợ cho người dân, nhất là các gói hỗ trợ an sinh xã hội khẩn cấp với nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động.

MỚI - NÓNG