Những vấn đề cần quan tâm khi triển khai Luật Bảo hiểm tiền gửi

Những vấn đề cần quan tâm khi triển khai Luật Bảo hiểm tiền gửi
TP - Để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động BHTG tại Việt Nam, Luật BHTG đã được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2012 với nhiều nội dung mới so với các văn bản pháp lý hiện hành.

> Chính sách BHTG sẽ điều chỉnh một số nội dung
> Bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

Luật BHTG đã được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013, trong đó xác định mục tiêu bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Luật BHTG phát huy hiệu quả tích cực khi và chỉ khi bảo vệ tốt được quyền lợi của người gửi tiền, tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức tham gia BHTG, giúp các tổ chức hoạt động an toàn và giảm thiểu rủi ro.

Đồng thời, Luật BHTG cần tạo được khuôn khổ pháp lý phù hợp để tổ chức BHTG phát huy vai trò trong việc ổn định hệ thống ngân hàng tài chính, nâng cao niềm tin công chúng.

Để làm được điều này, các cơ quan chức năng cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, trong đó, cần đặc biệt quan tâm tới một số vấn đề sau:

Về hạn mức trả tiền bảo hiểm:

Đây là vấn đề trực tiếp ảnh hưởng tới hành vi của người gửi tiền. Hạn mức trả tiền bảo hiểm quá thấp khó duy trì niềm tin của người gửi tiền và khi có sự cố xảy ra thường khó tránh khỏi hiện tượng đột biến rút tiền hàng loạt.

Theo Luật BHTG, hạn mức trả tiền bảo hiểm không còn “đóng khung” một mức cụ thể như các quy định trước đây mà giao Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ. Tuy nhiên, nếu quy định một khung cứng như trước đây sẽ không tạo được sự linh hoạt, khó đáp ứng nhanh với tình hình thực tế và nguyện vọng của người gửi tiền khi những yếu tố đó có sự thay đổi.

Hạn mức 50 triệu đồng vẫn được áp dụng từ năm 2005 đến nay đã quá lạc hậu. Do đó, cần sớm nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm để vừa phù hợp với sự thay đổi của các yếu tố làm căn cứ xác định hạn mức trả tiền bảo hiểm vừa củng cố niềm tin của người dân gửi tiền vào ngân hàng và các tổ chức tín dụng cũng như góp phần tạo điều kiện thuận lợi để Chính phủ tiến hành cải cách, tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng. Tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm cũng tránh được nguy cơ rút tiền hàng loạt gây đổ vỡ. Việc nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm càng cao, nguy cơ phải trả tiền bảo hiểm do sự sụp đổ của các tổ chức tín dụng càng thấp.

Nhưng cũng cần có cơ chế nâng cao năng lực tài chính của BHTGVN để đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra là bảo vệ tốt quyền lợi của người gửi tiền. Việc tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm cần phải căn cứ vào thông lệ quốc tế, điều kiện của thị trường và theo nguyên tắc BHTG phục vụ cho số đông người gửi tiền, làm sao để bảo vệ được tiền tiết kiệm của đại bộ phận dân cư.

Về phí BHTG:

Tại Việt Nam, phí BHTG được áp dụng đồng hạng 0,15% trên tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm. Việc áp dụng mức phí đồng hạng chỉ phù hợp trong giai đoạn đầu triển khai hệ thống BHTG khi tổ chức BHTG chưa có đủ các nguồn lực cần thiết.

Tuy nhiên, hạn chế của việc này là không công bằng, tiềm ẩn rủi ro đạo đức và hạn chế sự cạnh tranh giữa các tổ chức tham gia BHTG trong việc nâng cao chất lượng hoạt động để hưởng mức phí thấp. Với sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam cả về số lượng và trình độ trong những năm qua, áp dụng hệ thống phí đồng hạng không còn phù hợp với thực tiễn.

Luật BHTG quy định: “Thủ tướng Chính phủ quy định khung phí BHTG theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước. Căn cứ vào khung phí BHTG, Ngân hàng Nhà nước quy định mức phí BHTG cụ thể đối với tổ chức tham gia BHTG trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức này”.

Như vậy, quy định về phí BHTG của Luật BHTG đã kế thừa quy định tiến bộ về phí BHTG của Nghị định 109/2005/NĐ-CP làm nền tảng cho việc áp dụng hệ thống phí điều chỉnh theo rủi ro trong thời gian tới. Quy định này cũng phù hợp với xu hướng quốc tế là chuyển từ mô hình phí đồng hạng sang áp dụng mô hình phí theo rủi ro.

Đây là vấn đề quan trọng đối với hệ thống BHTG và đối với hệ thống ngân hàng, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng. Nhưng để thực hiện điều này không đơn giản.

Theo thông lệ quốc tế, muốn chuyển sang áp dụng mức phí BHTG theo rủi ro ngân hàng trung ương phải ban hành được hệ thống chỉ tiêu để đảm bảo an toàn, phân biệt tổ chức nào rủi ro nhiều, tổ chức nào rủi ro ít và có thời gian để các tổ chức chuẩn bị. Thông thường, thời gian chuẩn bị là 2 năm, nếu chuẩn bị tốt có thể áp dụng sớm hơn.

Nếu những vấn đề này sớm được hướng dẫn cụ thể sẽ góp phần nâng cao niềm tin công chúng và đảm bảo tính minh bạch, công bằng cho các tổ chức tham gia BHTG.

TS. Trần Du Lịch
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG