Những thương vụ 'thâu tóm' đình đám năm 2017

TPO - 2017 được coi là năm với nhiều hoạt động mua bán sáp nhập giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam. Thậm chí có cả những đại gia Việt thâu tóm các doanh nghiệp nhỏ hơn để mở rộng thị trường.
Tỷ phú Thái chi gần 5 tỷ USD mua cổ phần Sabeco
Tháng 12 là tháng "nổi sóng" của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) mã chứng khoán SAB nói riêng và cổ phiếu bia nói chung. SAB được chú ý vì đợt thoái vốn Nhà nước quy mô lớn tại Sabeco. Phiên đấu giá diễn ra trong chiều 18/12 đã thành công tốt đẹp. Công ty TNHH Vietnam Beverage - công ty liên quan tới tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakd trở thành cổ đông mới của Sabeco.
Với mức giá đặt mua cao nhất 320.500 đồng/cổ phần, công ty con của tỷ phú Thái là Công ty TNHH Vietnam Beverage đã mua trọn 53,59% cổ phần nhà nước chào bán tại Sabeco với số tiền hơn 109,9 nghìn tỷ đồng.
Những thương vụ 'thâu tóm' đình đám năm 2017 ảnh 1 Tỷ phú Thái thâu tóm Sabeco là thương vụ chuyển nhượng kỷ lục trong ngành đồ uống Việt Nam
Bộ Công Thương cho hay, phiên đấu giá cổ phần Sabeco đã thành công với số tiền thu về cho Nhà nước là 109.976.037.840.000 đồng, tương đương gần 5 tỷ USD.

Tổng số lượng cổ phần chào bán cạnh tranh được bán cho nhà đầu tư là công ty con của tỷ phú Thái là Công ty TNHH Vietnam Beverage với số lượng 343.662.587 cổ phần với mức giá 320.500 đồng/cổ phần. Nhà đầu tư cá nhân Ngô Vinh Hiển cũng mua 20.000 cổ phần với giá bình quân 320.000 đồng/cổ phần.

Cùng với Vinamilk, Sabeco được đánh giá là nằm trong Top các doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh hiệu quả nhất. Kể từ ngày 18/12, sau phiên đấu giá thành công, Vietnam Beverage đã trở thành cổ đông lớn nhất tại Sabeco.
Thế giới Di động mua Trần Anh

Với mức ngân sách 2.500 tỷ đồng được cổ đông duyệt chi, gấp 5 lần so với con số mà đại hội thường niên 2017 thông qua, Cổ đông Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động (MWG) không giấu tham vọng M&A với các công ty bán lẻ, trong đó gồm có hệ thống điện máy Trần Anh. Đầu tiên, lí giải về việc lựa chọn Trần Anh, Thế Giới Di Động sẽ chiếm lĩnh thị trường phía Bắc nhanh hơn trước sự cạnh tranh gay gắt của nhiều đối thủ.
Những thương vụ 'thâu tóm' đình đám năm 2017 ảnh 2
Tổng hệ thống hiện có hơn 1.500 cửa hàng bao gồm cả Điện Máy Xanh, phân bố tại hầu hết tỉnh thành trên toàn quốc. Tuy nhiên, mức độ phủ sóng của các cửa hàng có khác biệt rõ rệt giữa khu vực miền Nam và miền Bắc. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC), thị phần của Thế giới di động ở Hà Nội khoảng 30% đối với chuỗi Thegioididong và 15% cho chuỗi Điện máy xanh, đặt công ty ngang bằng với FPT shop ở thị trường di động, hay Trần Anh và Media Mart về điện máy. Việc sát nhập với Trần Anh là con đường nhanh nhất giúp Thế giới di động mở rộng thị trần phía Bắc, với tổng số siêu thị của Trần Anh từ 43-45 ở khu vực miền Bắc trong năm 2017.
Tập đoàn Novaland mua hàng loạt các dự án lớn
Tập đoàn Novaland hiện là một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại khu vực TP HCM với những dự án tập trung vào phân khúc khách hàng trung và cao cấp. Chiến lược của Novaland là phát triển quỹ đất và tìm kiếm lợi nhuận thông qua các thương vụ M&A. “Ông lớn” đã này mua lại nhiều khu đất vàng tại các quận trung tâm của TP, trong đó nhiều dự án từ chỗ đắp chiếu nay đã được hồi sinh. Cuối tháng 2/2017, Novaland chi 213 tỷ đồng mua 99,99% Công ty Bách Hợp.

Sang tháng 3/2017, Tập đoàn hoàn tất mua 83,45% Công ty Cảng Phú Định với giá trị 1.527 tỷ đồng. Cảng Phú Định IPO hồi năm 2014, trước đây là Công ty TNHH MTV Cảng sông TPHCM (Casoco).

Tháng 4/2017, Novaland mua tiếp 98,02% công ty Sài Gòn Gôn, giá trị thương vụ 1.423 tỷ đồng. Công ty này thành lập năm 2007, lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn; xây dựng biệt thự cho thuê và các công trình dịch vụ kinh doanh. Trước khi bị Novaland thâu tóm, Sài Gòn Gôn có 50% vốn góp từ nhà nước và hai cổ đông sáng lập là Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) và Công ty Dịch vụ Du lịch Thủ Đức. Ngoài ra, cổ đông nước ngoài British Virgin Islands cũng nắm giữ 20% vốn Sài Gòn Gôn.

Cũng trong tháng 4, Novaland mua 99,99% Công ty Gia Đức với tổng giá phí 1.939 tỷ đồng. Thương vụ từng gây xôn xao khi bên bán là 2 doanh nhân còn rất trẻ, cùng sinh năm 1988. Novaland cho biết, Công ty Gia Đức đang sở hữu vốn góp tương đương với 19% trong dự án The Sunrise Bay Đà Nẵng (tên pháp lý là khu đô thị quốc tế mới Đa Phước). Mục tiêu thương vụ là tiền đề để Novaland tăng sở hữu tại The Sunrise Bay, dự án có quy mô 181 ha tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Vào tháng 8 Novaland hoàn tất mua 99,96% Công ty Gia Phú với tổng giá phí là 1.812 tỷ đồng. Tổng cộng giá trị của 5 công ty mà Novaland thâu tóm trong 10 tháng năm 2017 lên tới hơn 6.900 tỷ đồng.
Keppel Land chi trăm triệu USD thâu tóm 2 dự án
Tập đoàn Keppel Land mới đây đã thâu tóm 100% lợi ích trong hai dự án bất động sản tại TP.HCM. Tổng vốn đầu tư cho hai dự án này vào khoảng 297 triệu USD.
Những thương vụ 'thâu tóm' đình đám năm 2017 ảnh 3 Nhà đầu tư đến từ Singapore dự kiến chi ra 297 triệu USD để thâu tóm và phát triển 2 dự án bất động sản tại TP.HCM
Cụ thể hơn, Keppel Land thâu tóm một dự án tại khu vực Nam Sài gòn với dòng sản phẩm gồm 220 nhà phố và 1.029 căn hộ. Dự án có tổng diện tích đất 13 ha và tọa lạc tại vị trí đông dân cư có thu nhập trung bình cao, dễ dàng kết nối với khu vực trung tâm thành phố. Vốn đầu tư cho dự án này, gồm cả chi phí đất đai, là 235 triệu USD. Dự án thứ hai mà nhà đầu tư Singapore thâu tóm tọa lạc tại Quận 9, tiếp giáp với quận 2 có tổng vốn đầu tư 62 triệu USD. Dự án được thiết kế gồm 300 nhà phố trải rộng trên diện tích 6 ha. "Hai dự án này nằm trong kế hoạch cung cấp hơn 20.000 sản phẩm nhà ở tại Việt Nam. Chúng tôi tiếp tục tận dụng kiến thức và kinh nghiệm phát triển của một tập đoàn hàng đầu Châu Á để đáp ứng nhu cầu ngày càng sành điệu của khách hàng tại thị trường này", Ang Wee Gee, CEO Keppel Land chia sẻ.
Ngân hàng Hàn Quốc thâu tóm dịch vụ bán lẻ của ANZ tại Việt Nam
Cuối tháng 4/2017, Ngân hàng ANZ thông báo đã đạt được thỏa thuận bán lại mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam cho ngân hàng Shinhan Việt Nam - công ty con của Shinhan Financial Group, một tập đoàn tài chính Hàn Quốc được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc và New York.
Được biết, có mặt tại Việt Nam từ năm 1993, Ngân hàng Shinhan được cấp tư cách pháp nhân là doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài vào năm 2009. Hiện Shinhan hiện là đối tác quan trọng của các công ty Hàn Quốc có vốn FDI tại Việt Nam.

Theo lãnh đạo của Shinhan Việt Nam, để có thể phát triển bền vững, ngân hàng cần phát triển song song mảng bán lẻ, bên cạnh mảng doanh nghiệp vốn đã rất ổn định. Với chiến lược mở rộng thị trường ngân hàng bán lẻ thông qua thương vụ này, song song với việc tiếp tục tập trung phát triển mảng ngân hàng doanh nghiệp. Và ngân hàng kỳ vọng có thể đạt được sự cân bằng tốt nhất giữa hai mảng kinh doanh này.
MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.