Những thầy thuốc nơi “đầu sóng ngọn gió”

Các bác sĩ và điều dưỡng luôn tất bật với công việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu (BV Nhi T.Ư). Ảnh: Thái Hà.
Các bác sĩ và điều dưỡng luôn tất bật với công việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu (BV Nhi T.Ư). Ảnh: Thái Hà.
TP - Áp lực, nỗi đau, hạnh phúc là những trạng thái mà các bác sĩ và điều dưỡng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Nhi T.Ư) thường xuyên đối mặt. Ở nơi này, sự im lặng bao trùm nhưng ẩn sau đó là những nỗ lực không ngừng nghỉ của nhân viên y tế để giành giật sự sống từ tay tử thần.

70 giường bệnh gần như lúc nào cũng chật kín bệnh nhi nằm mê man. Nhìn những thân hình nhỏ bé với dây truyền dịch, ống thở máy, truyền máu nhằng nhịt quanh người cũng đủ hiểu mức độ bệnh của các bé nặng đến đâu. Khoa Hồi sức cấp cứu được các bác sĩ trong bệnh viện gọi là “nơi đầu sóng ngọn gió” bởi chỉ những bệnh nhân cực nặng, cận kề cái chết mới chuyển về đây điều trị. Cuộc chiến thầm lặng của các chiến sĩ áo trắng luôn ở tình trạng gay cấn diễn ra liên tục từng giây phút, từng giờ và kéo dài bất kể ngày nghỉ hay lễ tết.

Bác sĩ, TS Tạ Anh Tuấn, Phụ trách khoa Hồi sức cấp cứu cho biết, với 14 bác sĩ và khoảng 60 điều dưỡng, 2 hộ lý luôn phải căng mình theo dõi, điều trị và chăm sóc cho 70 bệnh nhân rất nặng là áp lực mà không có đam mê nghề nghiệp và tình yêu dành cho con trẻ thì không thể trụ vững. Bác sĩ, thạc sĩ Nguyễn Trọng Dũng chia sẻ: “Một ca trực mà 2 hay 3 bệnh nhân nặng cùng được chuyển đến quả thực là áp lực kinh khủng với chúng tôi, nhưng vẫn phải ngay lập tức xử trí thật nhanh để cứu tính mạng của bệnh nhi, một sơ suất, một phút chậm trễ có thể cướp đi sinh mạng bệnh nhân”.

Áp lực đến từ tình trạng nặng của những thiên thần nhỏ, áp lực còn đến từ người nhà các bé khi chưa hiểu bệnh tình của con mình thế nào. Bác sĩ Tuấn bảo việc bị người nhà bệnh nhân chửi hay trách mắng xảy ra nhiều lần. Với những bác sĩ, lúc ấy bình tĩnh và kiềm chế phải đặt lên hàng đầu để tập trung điều trị cho bệnh nhi. Không ít lần, trong buồng bệnh bác sĩ căng mình làm các thủ thuật và cấp cứu cho trẻ thì bên ngoài cửa khoa người nhà bệnh nhân vẫn chửi bới chỉ vì trước đó họ cho rằng con cháu mình chưa được quan tâm.

Có những nỗi niềm của người thầy thuốc mà không phải người ngoài cuộc nào cũng hiểu, nhưng bác sĩ cũng không thể lúc nào cũng đi thanh minh, giải thích. Họ lặng lẽ làm việc cứu người với tất cả từ tâm và trách nhiệm của người khoác trên mình tấm áo blouse trắng. Không ít bệnh nhi không có thẻ bảo hiểm y tế mà thuốc điều trị ngoài danh mục bảo hiểm y tế chi trả lại cực đắt, nhà thì nghèo trong khi không thể bỏ rơi bệnh nhân, bác sĩ lại âm thầm vận động các nguồn để có tiền mua thuốc cho bệnh nhân. Những điều đó, bác sĩ không nói lại cho gia đình bệnh nhân biết, họ làm việc đó như sứ mệnh, để những đứa trẻ có cơ hội ở lại với cuộc đời này. Với các bác sĩ, mỗi lần cứu được một trẻ là một lần hạnh phúc vỡ òa...

Thông thường các điều dưỡng làm việc tại khoa khoảng 10 năm sẽ được bố trí sang khoa khác bớt áp lực. Nhưng cũng có nhiều người bám trụ tại đây tới 20 năm như cử nhân điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Thủy. Chị Thủy tâm sự: “Công việc bận hơn con mọn, liên tục di chuyển để theo dõi tình trạng các bé. Thực sự rất vất vả nhưng tình yêu dành cho công việc và những đứa trẻ bất hạnh níu giữ tôi lại. Để có được quyết định đó cũng là nhờ người chồng luôn ở bên chia sẻ việc nhà, chăm con và động viên vợ”. Chị Thủy chia sẻ câu chuyện của mình trong sự nghẹn ngào bởi hơn ai hết ở khoa này chị thấm thía những cực nhọc của hàng trăm đêm trực, hàng nghìn những phận đời mong manh trước sự sống và cái chết.

Ở đây, mọi chăm lo cho bệnh nhi từ điều trị đến ăn, uống, tắm rửa đều do bác sĩ và điều dưỡng thực hiện. Coi bệnh nhi như con mình, đau nỗi đau của trẻ để từ đó những người mang sứ mệnh cứu người đã thực sự thêm một lần sinh ra các bé.

MỚI - NÓNG