Tiệm may đặc biệt
Dưới cái nắng gay gắt của ngày hè tháng 6, chúng tôi ghé tiệm may Thanh Mai ở số 24 đường Nguyễn Trường Tộ, phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ. Một khung cảnh bình yên như từng thấy trong phim ảnh. Vợ cắt vải, chồng may. Cả hai đang miệt mài cần mẫn như đôi ong thợ. Thấy có khách, người phụ nữ có nước da trắng, đôi mắt long lanh nở nụ cười hiền.
Chị đưa cho chúng tôi mẩu giấy. Đó là cách “giao dịch” ở tiệm may đặc biệt này. Khách đến đây chỉ việc viết lên giấy yêu cầu của mình về bộ đồ mình đặt hàng, chọn chất liệu vải. Chủ tiệm lấy số đo và hẹn ngày tới lấy. Nhiều mẫu mã được đặt may như áo dài, áo bà ba, áo sơ mi, bộ đồ vest... Đường may sắc sảo, thái độ phục vụ nhiệt tình đã làm hài lòng những vị khách khó tính nhất.
Một trong những khách hàng ruột của quán, chị Zơrâm Thị Tý (27 tuổi, ở TP Tam Kỳ), chia sẻ, “May đồ ở đây không những đẹp, sắc sảo mà thái độ đối đãi với khách rất nhiệt tình, không “chảnh” ở thời điểm đông khách như Tết” - chị Tý nói và kể lại ấn tượng đẹp ban đầu khi tình cờ biết đến tiệm may này. Đó là thời điểm cận Tết, các cửa hàng đều đông khách. Chị tìm khắp nơi để đặt may cho hai bé nhà mình bộ áo dài trẻ em theo mẫu ý tưởng thiết kế của riêng mình. Chỗ nào cũng từ chối, hoặc hô giá rất cao.
Một người bạn giới thiệu mình đến đây, bởi trước đó chị ấy có may một chiếc áo dài rất đẹp. Lúc tôi đến, dù khách đặt may rất đông nhưng chủ tiệm vẫn rất niềm nở và đồng ý sẽ may theo thiết kế mình yêu cầu. Đến hẹn mình đến nhận đồ và ngỡ ngàng. Đồ rất đẹp, rất ưng ý do đó mình giới thiệu thêm bạn bè đến may” - chị Tý chia sẻ.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm về xin học nghề dù biết chị không thể giao tiếp. Chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ (37 tuổi, ở xã Tam Thái, huyện Phú Ninh) giờ đã mở tiệm may riêng sau hơn 3 tháng học nghề. Chị kể, trước đó chị đã học một khóa học may cơ bản. Tuy nhiên khi nghe bạn bè trong nghề nói chuyện, khen tay nghề “đỉnh” về may áo dài của thợ may Thanh Mai nên chị tìm tới nhà để học. “Không nói được nên cách giao tiếp nhiều nhất là viết ra giấy. Chị cũng tận tình chỉ cả cách căn đo may sao cho chuẩn, đẹp chứ không hề giấu nghề. Mình rất nể phục tay nghề cũng như nghị lực của vợ chồng đặc biệt này” - chị Lệ nói.
Hạnh phúc không lời
Bà Lê Thị Phúng (85 tuổi), mẹ ruột anh Dương kể, Dương là con trai đầu trong số 6 người con của bà. Lúc sinh ra cậu bé nhìn bụ bẫm, khôi ngô nhưng khi lên 1 tuổi ốm một trận “thừa sống thiếu chết”. “Người ta nói nó bị phong hàn, nhưng thời đó chưa có nhiều bệnh viện, bác sĩ như bây giờ. Tôi ôm con đi tìm thầy thuốc, cả thuốc Bắc lẫn thuốc Tây mãi rồi “thần chết” trả lại thì không thấy con nói năng được như chúng bạn nữa” - bà Phúng kể.
Dù không biết nói, nhưng đến tuổi đi học cậu bé Dương vẫn đòi mẹ mua sách vở để tới trường. Con người ta đi học về cầm sách đọc bi bô, còn Dương thì trầm ngâm ngồi nhìn sách, rồi lôi giấy bút ra tập viết. “Học hết lớp 5 thì nó xin nghỉ, cũng may là biết mặt chữ rồi nên việc giao tiếp với người khác dễ dàng hơn” - bà Phúng nhớ lại. Nghỉ học, Dương ở nhà phụ mẹ làm việc nhà. Một người hàng xóm mở tiệm may thấy vậy gọi sang nhờ cậu ủi đồ, trả tiền công. Vừa làm, Dương vừa lén học nghề. Khi mọi người nghỉ ngơi, cậu bé loay hoay lôi vải vụn ra hí húi may. Chủ tiệm cũng bất ngờ khi thấy đường may đẹp, tỉ mỉ của cậu bé ủi đồ thuê, sau đó nhận cậu vào làm.
Lớn lên, như những thanh niên khác Dương cũng mơ có một mái ấm của riêng mình. Nhưng cuộc hôn nhân lần đầu mau chóng tan vỡ khi cả hai không tìm thấy điểm chung. Buồn bã, anh xin mẹ ra Đà Nẵng tham gia lớp học chuyên biệt cho người khuyết tật, duyên phận đưa đẩy gặp Mai. Người con gái có nước da trắng, mái tóc đen cùng ánh nhìn ấm áp một lần nữa lại làm trái tim chàng trai trẻ xốn xang. Đôi tâm hồn đồng điệu lựa chọn gắn bó với nhau. Một đám cưới giản dị được tổ chức với sự góp mặt chung vui của người thân, bạn bè.
Năm đó anh 44 tuổi, còn chị 31 tuổi. Năm sau chị mang bầu đứa con trai đầu lòng. Ai cũng mừng cho cặp vợ chồng khi cậu bé sinh ra không mang khuyết tật như cha mẹ. Đứa bé càng lớn càng khôi ngô. Khi cậu bé cất tiếng nói đầu đời gọi ba, mẹ, cả gia đình ôm nhau hạnh phúc.
Tôi hỏi vì sao lại chọn chị Mai làm vợ, anh viết gọn “Vợ xinh, hiền, chăm chỉ”, rồi trao về phía vợ một ánh nhìn âu yếm. Mai, vốn là cô gái xinh đẹp có tiếng ở làng, lại siêng năng chăm chỉ. Ở quê, cô mở một tiệm may nhỏ với tên Mai áo dài. Tiệm may lúc nào cũng đông khách bởi đường may sắc sảo, cẩn thận. Không chỉ khách đến may, nhiều chủ tiệm cũng tìm đến để học thêm về nghề. Chị có thể may tất cả kiểu đồ từ sơ mi, quần âu, đồ vest... nhưng yêu nhất vẫn là những chiếc áo dài truyền thống. “Phụ nữ mặc áo dài rất đẹp, dịu dàng” - chị Mai trò chuyện với tôi bằng bút đàm.
Gần 20 năm sống cùng con dâu, bà Phúng nói chưa bao giờ bà phải phật lòng. “Cả hai đứa cứ lúi húi làm việc. Cũng chẳng phiền đến ai. Dịp Tết hay đầu năm học, khách hàng đông thì may ngày may đêm nhưng chẳng hề thấy nhăn nhó khó chịu” – bà Phụng kể. Bà càng hài lòng hơn khi đứa cháu đích tôn của bà là Nguyễn Cường nay đã học lớp 11, là một chàng trai khôi ngô, ngoan ngoãn. “Chẳng cần gì to tát, nhìn con cái hạnh phúc, cháu ngoan ngoãn như vậy tôi mãn nguyện rồi! Đúng là ông trời chẳng lấy hết của ai cái gì bao giờ!” – bà Phúng nói..