Dịp 8/3, PV Tiền Phong gặp hai người trong số ấy, rất đỗi bình thường trong muôn vàn thân cò ở bên đường Nguyễn Văn Linh (Ninh Kiều, Cần Thơ).
Tùm lum hàng hóa
Tiệm tạp hóa Ngọc Xuyến ở số 46, Nguyễn Văn Linh (Ninh Kiều, Cần Thơ), của chị Nguyễn Thị Ngọc Nữ, 35 tuổi. Địa chỉ 46 chung với nhiều quán cà phê, bún riêu, đại lý bia, nước đá. Tiệm rộng 4 mét, khuất lấp giữa phố xá ồn ào, bên trong chật cứng hàng hoá thứ xếp, thứ chồng, thứ gác, thứ treo.
Chị Nữ và chồng là anh Võ Phạm Anh Thông vốn nhỏ bé, càng nhỏ bé khi đứng trong đó. Khó khăn lắm mới len được bàn chân theo một khe hẹp giữa quầy kệ để đi vào. Hàng hóa nêm suốt căn nhà dài 13 mét, anh chị và con gái học lớp 5 phải đóng gác gỗ sát mái tôn để ngủ.
Vợ chồng chị Nữ (phải) đang bán hàng cho khách. ẢNH: SÁU NGHỆ
“Không biết bao nhiêu mặt hàng, chắc phải mấy trăm”, anh Thông cười hiền lành. Hiếm hoi khi vắng khách, anh Thông kể: Vợ chồng anh lấy nhau năm 2002, mở tiệm năm 2003, ban đầu chỉ dăm mặt hàng nhưng dần dà do nhu cầu người mua và các nhà phân phối đem đến mà mở ra “tùm lum” như bây giờ.
Hình như cái gì cũng có, từ nước uống đến bánh kẹo, từ gạo đến cà phê, từ sữa đến xà bông, từ thuốc lá đến giấy vệ sinh, từ pin đèn đến các loại mỹ phẩm, từ dầu gió đến đường, bột ngọt, mỳ ăn liền, đặt kín trong nhà còn lấn ra vỉa hè.
Anh Thông kể: “Hàng hóa do tiếp thị của các nhà phân phối đưa đến, khoảng một tuần một lần, mỗi nhà phân phối vài mặt hàng. Chúng tôi trả tiền ngay”.
Tính ra cũng mấy chục nhà phân phối đưa hàng đến đây. Các hãng sữa, nước ngọt đem cả tủ lạnh đến để bảo quản hàng, còn cà phê và nước lọc thì đem kệ.
Chị Nữ nói “lời meo (ít) lắm”, mỗi món chỉ vài trăm đồng, nhiều nhất là hơn nghìn. Tiệm mở cửa từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối, khách đông, anh chị luôn chân luôn tay mà kỳ tài ở chỗ nhớ được giá cả hàng trăm mặt hàng lặt vặt ấy.
Khách hàng nhiều người nghèo, chỉ mua ký gạo hoặc gói mỳ ăn bữa, bột ngọt và dầu gội đầu thì mua bịch xài lần một. Có người dừng xe ngoài đường là chị Nữ biết đưa ra món gì, vì dân làm mướn ngày nào xào ngày nấy nên đã rành.
Lu bu không thể tả nhưng vợ chồng chị Nữ luôn hoà nhã. Hỏi đùa: “Học ở đâu mà phục vụ nhân dân tốt quá?”. Anh Thông: “Dạ, có được học hành gì đâu, lo kiếm sống chớ tờ báo cũng không có thời gian đọc”. Anh chị có cái ti vi treo trên tường để đi vô đi ra nghe và thỉnh thoảng nhìn thì bị hư tháng nay chưa sửa được.
Về thu nhập, chị Nữ bảo “kiếm được tiền chợ”. Không thể tính lời lãi hàng tháng vì “các nhà máy ra hàng mới hoài, lấy hoài và bị giam vốn hoài” nhưng cuối năm cũng dư được vài chục triệu đồng.
Nhìn hoạt động của tiệm, có thể hình dung dòng chảy hàng hoá trên thị trường hoạt bát, khỏe khoắn. Cái dòng chảy có khả năng cho chị Nữ nụ cười nhẹ nhàng suốt ngày, quanh năm mà không cần trường lớp tuyên truyền giáo dục nào cả.
Có thể hình dung chị Nữ với tiệm tạp hoá nhỏ bé như một mạch máu li ti của cơ thể nền kinh tế hàng hoá, không dễ thấy mà tối cần thiết. Nhưng anh chị bộc bạch, chưa bao giờ đi coi hát, coi phim hay du lịch, “một năm chỉ Tết Nguyên đán là được nghỉ khoảng tuần”.
Bươn chải tối ngày
Hàng xóm của chị Nữ là chị Phạm Thị Nhung, 31 tuổi, nhà cuối con hẻm đất bên hông tiệm chị Nữ vài trăm mét, gập ghềnh qua khu nhà trọ. Chị Nhung và anh chồng Nguyễn Quang Thiện đều quê ngoài Bắc, vào trong này làm ăn, lấy nhau năm 2006, được người bác cho mảnh đất cất căn nhà nhỏ, thêm chỗ nuôi cá, heo.
Nay nhà đất lọt vào khu quy hoạch nhà ở giảng viên Trường Đại học Cần Thơ nên cuộc sống khó khăn hơn, thêm tương lai bất định.
Chị Nhung rời nhà từ mờ đất
Vì khu nhà ở giảng viên đã san lấp mặt bằng xung quanh, chặn hết nguồn nước vào ra, không còn nuôi cá, nuôi heo gì được nữa. Mất nguồn thu nhập một năm mấy chục triệu đồng.
Trong lúc hai đứa con lớn từng ngày, đứa học lớp một đứa đi nhà trẻ; còn mấy đứa em ngoài quê vào ăn ở, đi học. Khu quy hoạch nhà ở giảng viên thì giở đủ thứ văn bản để cho rằng “thực hiện đúng quy định” là không bồi thường nhà cho vợ chồng chị.
“Ở thành phố còn kiếm được việc làm chứ ở quê muốn làm cũng không có việc”
Anh Thiện chồng chị Nhung
Chị Nhung làm ở Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 6, lương tháng trước đây 2,5 triệu đồng, từ tháng 1/2013 chỉ còn 1,6 triệu.
Anh Thiện làm thợ mộc cho một xưởng tư nhân, hưởng theo sản phẩm, mỗi tháng được chừng bảy triệu.
Cuộc sống thắt ngặt, anh Thiện kể: “Tôi làm suốt ngày, khi hàng gấp phải làm cả đêm”. Chị Nhung còn bươn chải hơn. Hàng ngày, chị dậy sớm lo cơm nước cho hai đứa con rồi phóng xe đi làm khi còn mờ đất, tiện đường chở một người con hàng xóm đến trường, tháng được 300.000 đồng.
Ở cơ quan làm việc theo ca, có hôm 17 giờ đã về, có hôm gần nửa đêm. Hôm về trễ là làm ca đêm, buổi sáng được nghỉ, sau khi đưa con hàng xóm đến trường, chị Nhung chạy đi làm việc nhà cho hai người chung cơ quan.
Mỗi tháng, làm mấy chục buổi sáng, được trả hơn 2 triệu đồng. Tết mới rồi, có hai gia đình cũng trong cơ quan về quê, nhờ vợ chồng chị giữ nhà, được 4 triệu đồng.
Chị Nhung cởi mở: “Vất vả nhưng cũng kiếm được tiền lo cho con cái, em út”. Anh Thiện từ tốn: “Ở thành phố còn kiếm được việc làm chứ ở quê muốn làm cũng không có việc”. Một cô em gái của chị Nhung tốt nghiệp đại học, vừa xin việc ở Chợ đêm Du lịch Cần Thơ, thường gần nửa đêm mới về. Cả gia đình chị Nhung đang làm việc suốt ngày, đến đêm khuya.
Như xe trên đường phố chạy suốt ngày đêm, kinh tế đô thị chuyển động liên tục, không nghỉ. Vợ chồng chị Nhung từ thôn quê lên thành phố, hoà nhập được sự chuyển động ấy nên dù những bất trắc, chỗ ở không ổn định hay đồng lương giảm, họ đã nhanh chóng tự điều chỉnh để giữ cuộc sống thăng bằng. Anh Thiện tâm sự, còn phải dành tiền để lo chỗ ở mới.
Chị Nhung học chưa hết phổ thông và cho biết, cũng không được đào tạo nghề nghiệp gì cả. Hai vợ chồng không có cơ hội tiếp cận những chính sách ưu đãi xã hội, chỉ được cuộc đời ưu đãi cho đức tính cần cù. Khi nhiều gia đình trong cơ quan gửi nhà cửa cho họ trông coi, dọn dẹp với tiền công tương xứng thì thấy, cuộc đời còn ưu đãi cho lòng trung thực.
Khó bình đẳng
PV Tiền Phong hỏi: Những khi gặp khó khăn như thiếu tiền chẳng hạn các chị tìm đến ai? Chị Nhung cười: Chạy đến bác ruột mượn. Còn chị Nữ: Mượn của cha mẹ. Gia đình chị Nữ và chị Nhung ở khu vực 3, phường An Khánh (Ninh Kiều, Cần Thơ), một khu vực từng có nhiều tổ hùn vốn và vay vốn ngân hàng chính sách do Hội Phụ nữ tổ chức.
Mờ sáng, chị Nhung lo cho con ăn uống
Trưởng khu vực Nguyễn Việt Thắng kể, mấy năm trước, Chi hội Phụ nữ của khu vực xây dựng được 11 tổ hùn vốn và hai nhóm vay vốn ngân hàng chính sách xã hội, với hơn 100 phụ nữ có hộ khẩu thường trú tham gia. Còn ít so với số cơ sở buôn bán, và càng ít nếu so với 860 gia đình có hộ khẩu thường trú ở khu vực.
Mà trong khu vực còn có nhiều cơ sở kinh doanh của phụ nữ tạm trú, nhân khẩu tạm trú lớn hơn nhân khẩu thường trú. Thế nhưng, ông Thắng cho biết tiếp, các tổ hùn vốn đã xoay hết vòng nên không còn hoạt động; vay vốn ngân hàng thì một bà nhóm trưởng lợi dụng niềm tin, có hành vi chiếm đoạt tiền của chị em, đang phải giải trình nên tình hình hiện nay “rất lộn xộn”.
Nên dễ hiểu là chị Nguyễn Thị Ngọc Nữ và chị Phạm Thị Nhung chỉ biết nương tựa gia đình. Nhiều phụ nữ bươn chải làm ăn mà chỉ biết nương tựa gia đình, phần nào cho thấy xã hội chưa có đủ thiết chế hỗ trợ người yếu thế, và những phụ nữ yếu thế còn khó có vị trí bình đẳng trong xã hội.
Chủ tịch Hội LHPN Cần Thơ, bà Phan Thị Hồng Nhung, khẳng định “phụ nữ thành phố không trông chờ ỷ lại mà nỗ lực đi lên”. Năm 2013, các cấp Hội LHPN Cần Thơ đã hỗ trợ cho 17.307 lượt phụ nữ vay vốn buôn bán nhỏ, với gần 31 tỷ đồng, góp phần xoá đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, bà Nhung cũng thẳng thắn, số vốn đó còn rất ít so với nhu cầu của 15.465 hộ nghèo, riêng hộ nghèo do phụ nữ làm chủ đã là 5.511.
Nhu cầu vốn của phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn rất lớn, để thoát nghèo và làm giàu, “vốn do Hội quản lý có hạn, còn vốn của ngân hàng chính sách chỉ hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo”, bà Nhung nói.