Những sự kiện giáo dục thu hút dư luận tại TPHCM thời gian qua

Những sự kiện giáo dục thu hút dư luận tại TPHCM thời gian qua
TPO - Không được Bộ Tài chính chấp thuận đề xuất miễn học phí THCS, TPHCM chuyển sang giảm; Cô giáo lên lớp nhưng không giảng bài suốt nhiều tháng liền khiến học sinh áp lực, bức xúc; Lùm xùm bằng cấp của Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ Tin học khiến hàng ngàn học sinh tốt nghiệp nhiều tháng chưa được cấp bằng trong khi những số phận những tấm bằng đã cấp chưa biết sẽ thế nào…

1. Đề xuất miễn học phí bậc THCS của TPHCM, đây được xem là điểm sáng nhất của giáo dục TPHCM trong năm 2018. Về vấn đề này, ngay sau chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Liên Sở Tài chính - Giáo dục sau đó đã tham mưu cho UBND TPHCM chính sách trên, đề xuất được Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thống nhất. Sau đó, UBND TPHCM có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ chấp thuận việc miễn học phí bậc THCS tại các trường công lập.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính không đồng ý với đề xuất này vì cho rằng TPHCM là địa phương có bình quân thu nhập đầu người cao nên mức đóng học phí không quá lớn, không tạo áp lực cho người dân. Việc miễn giảm học phí THCS sẽ tạo sự không thống nhất giữa các gia đình có con theo học bậc THCS trên địa bàn thành phố và các địa phương liên quan...

Những sự kiện giáo dục thu hút dư luận tại TPHCM thời gian qua ảnh 1

Học sinh THCS TPHCM được giảm học phí

Trước thực tế này, Liên Sở Tài chính - Giáo dục đã đề xuất giảm học phí bậc THCS. Theo đó, mức học phí sẽ giảm học phí từ 100.000 đồng/tháng/học sinh xuống còn 60.000 đồng/tháng/học sinh (đối với học sinh các quận: 1,2,3,4,5,6,7,8,9,10,11,12, Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Thạnh); từ 85.000 đồng xuống còn 30.000 đồng/tháng/học sinh (đối với học sinh các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè). Được biết, nếu đề xuất trên được thông qua, TPHCM sẽ bù vào hơn 150 tỉ đồng mỗi năm học để thực hiện việc giảm học phí cho tất cả học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 trên địa bàn như trên.

2. Bạo lực học đường vẫn chưa giảm dù năm 2018, số vụ bạo lực học đường cũng như mức độ không bằng so với năm 2017 song vẫn có những vụ việc khiến dư luận “dạy sóng”. Đầu tiên phải kể đến vụ việc một cô giáo của trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè, TPHCM) nhiều tháng liên lên lớp nhưng không giảng bài mà chỉ ghi chép. Vụ việc lên đến đỉnh điểm khi tại chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM với học sinh tiêu biểu vào ngày 23/3, em Phạm Song Toàn (lớp 11A1) đã bật khóc khi kể lại câu chuyện trên. Vụ việc sau đó được Sở GD&ĐT vào cuộc làm rõ. Nguyên nhân được giáo viên này cho biết, là “có một học sinh nói bạn bè ghi âm bài giảng của cô, có gì thì tung ra đánh cô giáo". Kết quả, giáo viên bị chuyển xuống làm nhân viên văn phòng, ông Bùi Mình Bình, hiệu trưởng trường THPT Long Thới bị kỷ luật khiển trách do không làm tròn trách nhiệm của người quản lý, dẫn đến sự việc giáo viên lên lớp không giảng bài suốt một thời gian dài. Hiệu phó và giáo viên chủ nhiệm lớp 11A1 cũng bị kỷ luật liên quan đến vụ việc.

Ngoài sự việc trên còn có 1 số vụ bạo hành khác như một bé 5 gái tuổi bị bảo mẫu của cơ sở mầm non Ánh Sao Vàng (xã Đa Phước, Bình Chánh, TPHCM) tát tím mặt, ngày sau đó, giáo viên này công an tạm giữ để làm việc. Cùng thời điểm, một nam giáo viên của trường Tiểu học Lương Thế Vinh (Gò Vấp, TPHCM) bị phụ huynh tố cáo vì liên tục có hành vi tát vào mặt, đá vào mông. Hay như một giáo viên của trường Tiểu học Trần Văn Ơn, Tân Bình bắt học sinh tát nhau theo cấp số nhân nêu nói chuyện riêng trong lớp... Ngay sau đó, các giáo viên này bị đình chỉ công tác để làm rõ vụ việc…

3. TPHCM thực hiện bộ sách giáo khoa (SGK). Việc đề xuất cho TPHCM có một bộ SGK riêng đã có từ lâu và Sở GD&ĐT TPHCM là đơn vị trực tiếp thực hiện việc này. Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, bộ SGK này sẽ được viết theo định hướng phát triển năng lực của từng học sinh, tăng cường tính ứng dụng, giảm lý thuyết hàn lâm trong những bộ môn liên quan đến khoa học. “Bộ SGK này ngoài một số môn học sẽ gắn với giáo dục lịch sử địa phương, lịch sử Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định còn gắn với công tác giáo dục khởi nghiệp, với điều kiện kinh tế xã hội, ứng dụng khoa học kỹ thuật nên không chỉ phù hợp với TPHCM mà phù hợp với đặc điểm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, ông Hoàng cho biết.

Những sự kiện giáo dục thu hút dư luận tại TPHCM thời gian qua ảnh 2

TPHCM vào đầu năm học từng rơi vào cảnh thiếu SGK 

Về thành phần biên soạn SGK, ông Hoàng cho biết, hiện nay, Sở GD&ĐT TPHCM chỉ tuyển chọn riêng giáo viên của TPHCM; còn những giáo viên ở các tỉnh thành có tham gia hay không là do NXB Giáo dục Việt Nam sẽ mời. Ông Hoàng cũng khẳng định: “Chúng tôi tham gia viết sách không chỉ để cho học sinh TPHCM, không bắt buộc học sinh TPHCM lựa chọn. Lựa chọn bộ sách nào là quyền của thầy cô giảng dạy…”

4. Nhiều trường đại học về tay các tập đoàn giáo dục lớn. Trong năm 2018, giáo dục bậc đại học tư thục tại TPHCM đánh dấu nhiều bước ngoặc lớn thông qua những thương vụ chuyển giao trường đại học về tay các tập đoàn giáo dục. Cụ thể, Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng chỉ trong những tháng cuối năm 2018 đã thương thảo thành công, qua đó sở hữu thêm 2 trường đại học là đại học Hoa Sen và đại học Gia Định. Việc thay đổi chủ đầu tư cũng kéo theo việc thay đổi HĐQT và hiệu trưởng, đặc biệt là trường đại học Hoa Sen chỉ chưa đầy 2 năm đã có 4 đời hiệu trưởng, đó là chưa tính đến việc "GS quần đùi" Trương Nguyện Thành dù được đề xuất nhưng không được công nhận. Cùng với việc chuyển nhượng này, Nguyễn Hoàng là một trong những tập đoàn giáo dục sở hữ nhiều trường đại học nhất với 4 trường (gồm đại học Quốc tế Hồng Bàng, Bà Rịa- Vũng Tàu, Gia Định và Hoa Sen), cũng là đơn vị đa dạng về đào tạo với đủ các bậc học từ mầm non đến tiến sĩ.

Những sự kiện giáo dục thu hút dư luận tại TPHCM thời gian qua ảnh 3

 Năm 2018, Tập đoàn Nguyễn Hoàng chính thức sở hữu ĐH Hoa Sen

Cũng trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép thành lập trường Đại học Đại Việt Sài Gòn tại TPHCM là trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Đồng thời giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên ngành thẩm định đề án thành lập trường Đại học Đại Việt Sài Gòn theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định...

Về định hướng, trường Đại học Đại Việt Sài Gòn là trường Đại học đa ngành đa lĩnh vực tập trung đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng trình độ cao bậc thuộc các nhóm ngành mũi nhọn của TPHCM và khu vực. Dự kiến trường tổ chức tuyển sinh và khai giảng khoá Đại học đầu tiên vào tháng 9 năm 2019. Các khối ngành dự kiến đào tạo theo lộ trình gồm khối Kỹ thuật công nghệ, Kinh tế, Ngoại ngữ và Chăm sóc sức khỏe. Chỉ tiêu dự kiến 1000 sinh viên.

5. Lùm xùm bằng cấp của hiệu trưởng trường đại học Ngoại ngữ- Tin học TPHCM (HUFLIT).  Vụ việc xuất phát từ đơn thư tố cáo của một số cán bộ trường này về việc ông Trần Quang Nam, Hiệu trưởng nhà trường có bằng cấp không hợp lệ xong vẫn được bổ nhiệm làm hiệu trưởng, gây bức xúc dư luận. Ngay sau đó, ông Nam bị HĐQT trường HUFLIT miễn nhiệm chức vụ hiệu trưởng, đồng thời chờ kết quả phản hồi của Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT. Không lâu sau, Cục Quản lý chất lượng có công văn gửi trường về việc không công nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ của ông Trần Quang Nam, hiệu trưởng trường này.

Những sự kiện giáo dục thu hút dư luận tại TPHCM thời gian qua ảnh 4

Nguyên do được Cục này lý giải là bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA), ông Nam theo học chương trình hợp tác từ xa giữa ĐH Bách khoa Hà Nội và Southern California University khóa 2000-2002. Văn bằng do trường này cấp cho ông Nam trong thời gian trường chưa được kiểm định nên bằng thạc sĩ chưa được công nhận. Còn về bằng Tiến sĩ, trường Kinh doanh Business School Lausanne không có tên trong danh sách các cơ sở giáo dục đại học được công nhận tại Liên bang Thụy Sĩ, nơi ông Nam theo học là cơ sở giáo dục tư thục không thuộc hệ thống giáo dục đại học của Thụy Sĩ do đó, bằng Tiến sĩ do trường này cấp cho ông Nam không đáp ưng theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Mặc khác, thời gian đào tạo 3 năm song ông Nam chỉ sang Thụy Sĩ 2,5 tháng… Với những lùm xùm này dẫn đến nhiều sinh viên của trường HUFLIT đã ra trường nhiều tháng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bằng, trong khi đó, hàng ngàn tấm bằng đã được ông Nam ký tên hiện chưa biết sẽ thế nào! Tuy nhiên, cũng theo tìm hiểu của PV, hiện ông Trần Quang Nam đã có văn bản phản hồi, khiếu nại đến Cục Quản lý chất lượng về việc không công nhận bằng cấp của ông.

MỚI - NÓNG