Tiền Phong Online xin điểm lại những sự kiện đáng chú ý nhất của ngành Giáo dục nước nhà năm qua:
Năm 2022, dưới tác động nặng nề của dịch COVID-19, toàn ngành giáo dục, từ đội ngũ cán bộ, thầy cô giáo đến các em học sinh và cả các phụ huynh đã phải nỗ lực hết mình để đạt cho được mục tiêu “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học,” vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo chất lượng giáo dục.
Đầu năm 2022, với sự khuyến cáo của các chuyên gia giáo dục, của Tổ chức UNICEF, sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành giáo dục đã quyết tâm đưa học sinh trở lại trường, bắt đầu ở những vùng dịch bệnh đã dần được kiểm soát và với từng khối lớp, trong đó ưu tiên khối lớp cuối cấp và lớp 1.
Dưới tác động nặng nề của dịch bệnh, rất nhiều địa phương đã linh hoạt đóng-mở từng khu vực, từng trường, thậm chí từng lớp tùy theo từng thời điểm.
Mùa tuyển sinh, xét tuyển đại học năm 2022 ghi nhận nhiều ngành học có điểm chuẩn biến động mạnh so với năm 2021. Điểm chuẩn theo hình thức thi tốt nghiệp THPT ở một số ngành chênh lệch "khủng" từ 7 - 10 điểm. Trong khi các ngành sư phạm vật lý, sư phạm lịch sử, sư phạm địa lý của Trường ĐH Quy Nhơn lại tăng 9,5 điểm, ngành quan hệ công chúng của Học viện Thanh thiếu niên tăng 7 điểm.
Một điểm bất ngờ trong mùa tuyển sinh năm nay nữa là sự “lên ngôi” của khối ngành sư phạm. Cụ thể, điểm chuẩn nhiều ngành sư phạm chứng kiến sự “tăng vọt” cả gần chục điểm, có ngành tăng lên tới gần 14/30 điểm so với năm 2021.
Trong 7 đoàn và 38 lượt học sinh tham gia các kỳ thi Olympic quốc tế, 100% thí sinh dự thi đều đoạt giải, gồm 13 huy chương vàng, 12 huy chương bạc, 8 huy chương đồng và 5 bằng khen. Các đoàn Việt Nam đều nằm trong top 10 các nước giành thành tích cao nhất chung cuộc. Đặc biệt ở Olympic toán học, đoàn Việt Nam xếp thứ 4 trong tổng số 104 đoàn tham dự với 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 2 huy chương đồng.
Học sinh Ngô Quý Đăng - Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) - giành điểm tuyệt đối môn Toán lần đầu tiên sau 20 năm tham gia kể từ năm 2003.
Ngày 12/10, Tổ chức xếp hạng Times Higher Education công bố kết quả xếp hạng đại học (ĐH) thế giới 2023 (THE WUR 2023).
Theo đó, trong bảng xếp hạng THE WUR 2023, Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục ĐH lọt bảng xếp hạng ĐH thế giới 2023 (THE WUR 2023) là ĐHQG Hà Nội, ĐH Quốc gia TP HCM, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Tôn Đức Thắng và một cơ sở mới là Trường ĐH Huế.
Theo bảng xếp hạng mới do Nhà xuất bản Elsevier công bố, có 35 nhà khoa học Việt Nam lọt vào danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất năm 2022, tăng thêm 6 người so với năm 2021. Trong đó, nữ tiến sĩ Lê Thái Hà xếp hạng 49.666, là nhà khoa học nữ duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách. Vị trí của nữ tiến sĩ này tăng hơn 24.000 bậc so với bảng xếp hạng năm 2021.
Nữ tiến sĩ duy nhất của Việt Nam lọt vào top nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới năm 2002 có bằng Cử nhân (Honours Degree) và tiến sĩ kinh tế tại ĐH Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore. Vào năm 24 tuổi, cô gái này đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ chỉ trong vòng 2 năm, với điểm PhD CGPA là 4.92/5 (cao nhất khóa). Đây là điều chưa từng xảy ra tại ĐH Công nghệ Nanyang.
Để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhất là các tỉnh miền núi; bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, ưu tiên bảo đảm giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022-2026.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết đã đề nghị các địa phương khẩn trương tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non, phổ thông được Bộ Chính trị giao bổ sung năm học 2022 - 2023.
Trong năm học 2022-2023, cả ba cấp tiểu học, THCS và THPT đều đã bước vào chương trình Giáo dục phổ thông mới. Dù đã đi qua hết một học kỳ, vẫn còn nhiều khó khăn mà giáo viên, nhà trường gặp phải khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Hiện nay, việc thực hiện, triển khai một môn học nhưng đến 2, 3 giáo viên, thậm chí 6 -7 giáo viên dạy (như môn Giáo dục địa phương) đã dẫn đến vô số bất cập, bất hợp lý trong quá trình triển khai về dạy, vào điểm, nhận xét, tiếp thu của học sinh, quản lý của cấp trên,…
Những thay đổi của chương trình Giáo dục phổ thông mới đang đặt ra nhiều thách thức với giáo viên và nhà trường. Tại bậc THCS, cái khó khi dạy những môn học tích hợp là giáo viên phải học thêm kiến thức của những môn khác.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong năm 2022, tổng số giáo viên bỏ việc trên cả nước là hơn 16.000. "Áp lực tăng, yêu cầu đổi mới giáo dục thì cao nên một số giáo viên tìm công việc khác, hoặc chuyển dịch sang hệ thống giáo dục tư thục", ông Sơn nói. Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Bộ trưởng Sơn cho biết sẽ kiến nghị trung ương tiếp tục tăng chỉ tiêu biên chế.
Ngày 11/11/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Theo đó, từ ngày 1/7/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1.800.000 đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng/tháng.
Theo quy định hiện hành, tiền lương của giáo viên được tính bằng công thức sau: Tiền lương = Lương cơ sở x Hệ số lương.
Như vậy, sau khi lương cơ sở tăng từ 1/7/2023, bảng lương của giáo viên sẽ tăng lên với mức tăng tùy vào từng cấp dạy, hạng giáo viên, bậc lương.
Tháng 11, Bộ GD&ĐT ban hành công văn gửi các Sở GDĐT về việc tăng cường quản lý liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài, trong đó có chứng chỉ IELTS.
Theo Bộ GDĐT, trong thời gian qua, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam chưa được quản lý chặt chẽ nên tiềm ẩn những nguy cơ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dự thi.
IDP và Hội đồng Anh phải tạm ngưng tổ chức thi trong một tuần. Sự hốt hoảng sau thông báo tạm hoãn kỳ thi IELTS cho thấy cuộc chạy đua theo chứng chỉ này tại Việt Nam những năm qua.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm này hầu hết các kỳ thi cấp chứng chỉ tiếng Anh, Đức, Nhật cũng đã được cấp phép trở lại.