Những số phận nghiệt ngã nơi xóm núi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ở rừng núi xa xôi, có những người khuyết tật đang vươn lên từng ngày để vượt qua sự nghiệt ngã của số phận. Nhưng có những người muốn vươn lên cũng không thể. Bởi, vì một lý do nào đó, cuộc đời đã chốt hạ cho họ một số phận đầy đau khổ, không thể bứt ra được từ khi mới chào đời. Câu chuyện ở xã Hữu Sản, huyện Bắc Quang, Hà Giang.

Định tự tử rồi... giật huy chương thể thao

Tại đây, dấu ấn của con người chỉ là những vệt bánh xe hằn lên con đường độc đạo dẫn vào xã và những mái nhà sàn đơn côi cách nhau có khi đến hàng cây số. Đường đi gập ghềnh lên xuống liên tục, đoạn thì chi chít những ổ voi, ổ gà ngập đầy nước, đoạn thì vực thẳm chỉ cách bánh xe chừng hai gang tay. Vì vậy, đi từ sáng nhưng phải xế trưa, chúng tôi mới đến được nhà anh Ma Văn Dựng.

Những số phận nghiệt ngã nơi xóm núi ảnh 1

Anh Ma Văn Dựng nhận bằng khen khi có những thành tích thể thao cho người khuyết tật

11 năm trước, một vụ tai nạn giao thông đã làm hai chân anh Dựng bị liệt vĩnh viễn. Nhưng anh quyết không dành cả phần đời còn lại trên xe lăn. Anh bảo vợ “nâng cấp” chiếc Wave cũ từ hai bánh thành ba bánh, rồi cùng vợ ngày ngày lái xe đi buôn đủ thứ để kiếm sống: từ thịt lợn, thịt gà đến các loại rau, củ, quả... Một ngày phải băng rừng, vượt suối vài chục cây số là chuyện thường với hai vợ chồng.

“Vất vả nhất là hôm đi giao gà đen cho khách ở tít tận Hoàng Su Phì lúc trời tối. Cả đi cả về hơn trăm cây số, hai vợ chồng em phải đổi lái cho nhau liên tục. Giữa mùa đông, mưa và sương mù giăng kín, có những đoạn đi 5 cây số mà mất cả tiếng đồng hồ. Khi về đến nhà thì trời đã hửng sáng. Em tưởng hai bàn tay cũng liệt luôn vì rét rồi chứ!”, anh Dựng kể.

Tích được chút vốn sau nhiều năm đi buôn, hai vợ chồng anh mở thêm mô hình chăn nuôi dúi và cầy hương tại nhà. Công việc ngày một bận rộn, nhưng cuộc sống cũng ngày một khấm khá hơn. Đến nay, không chỉ lo chu toàn cho cha mẹ già và hai con nhỏ đang tuổi ăn học, họ còn xây được một ngôi nhà sàn bê tông rộng chừng 60 mét vuông. Năm ngoái, anh Dựng còn giành được 2 huy chương bạc và một huy chương đồng tại Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc. Năm nay, anh quyết tâm sẽ giành một tấm huy chương vàng để đủ điều kiện tham dự Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á sắp tới tại Campuchia.“Hồi mới tai nạn, em bị trầm cảm nặng, còn định tìm cách tự tử quách cho xong. Giờ nghĩ lại mới thấy mình hâm thật anh ạ!”, anh Dựng cười.

Ứa nước mắt nhốt chị em ruột

Nhưng không phải người khuyết tật nào tại Hữu Sản cũng làm được như anh Dựng. Không phải họ không cố gắng, mà vì số phận đã tước đi tất cả cơ hội và hy vọng của họ từ trong trứng nước.

Trời sẩm tối, chúng tôi gặp anh Lù Văn Ký và được anh dẫn đến một căn nhà sàn gỗ có lẽ đã rất nhiều tuổi. Vết mốc, mục của gỗ xuất hiện khắp nơi. Bốn bề huơ hoác, không có gì chắn gió. Và, ngay cạnh cửa vào là hai cái lồng giam bằng gỗ, chỉ rộng chừng 5 mét vuông, then cửa cài chặt. Mỗi lồng được khoét hai lỗ nhỏ dưới sàn để làm cầu tiêu lộ thiên. Đó là nơi ở, đúng hơn là nơi nhốt anh Lù Văn Kỷ và chị Lù Thị Dư. Hai người đều bị khuyết tật não bẩm sinh, nhận thức chỉ như trẻ sơ sinh dù năm nay anh Kỷ đã 28 tuổi còn chị Dư cũng 36 tuổi. Qua khe hở giữa các thanh gỗ, ánh mắt vô hồn của họ xuyên qua và rọi thẳng vào người chúng tôi.

Những số phận nghiệt ngã nơi xóm núi ảnh 2

Cũi nhốt chị em Dư, Kỷ

“Đây là em trai và chị gái em.”, anh Ký ái ngại rồi nói tiếp: “Vạn bất đắc dĩ gia đình mới phải nhốt lại như vậy. Vì nếu thả ra, họ sẽ phá phách khắp nơi, quần áo thì mặc bộ nào là xé nát bộ đó".

Thực ra, còn một lý do nữa cho việc nhốt anh Kỷ và chị Dư như thế. 17 năm trước, chị Dư đã sinh một người con gái. Đáng tiếc, người bố lại là một kẻ hiếp dâm, lợi dụng tình trạng mất ý thức của chị Dư để làm nhục, khiến chị mang thai ngoài ý muốn. Điều an ủi duy nhất là con gái chị phát triển hoàn toàn bình thường, năm nay đã học lớp 11.

Những số phận nghiệt ngã nơi xóm núi ảnh 3

Căn nhà nơi gia đình anh Lù Văn Ký sinh sống

Năm 2021, huyện Bắc Quang đã hỗ trợ gia đình 60 triệu đồng để xây một ngôi nhà tình thương cho anh Kỷ và chị Dư. Nhưng xây xong mới biết không sử dụng được vì hai chị em đã mất hết phản xạ sống bình thường.

Số phận nghiệt ngã đã tuyên cho anh Kỷ và chị Dư một bản án chung thân. Suốt đời, họ phải chịu bị cầm tù trong những chiếc cũi, trong một thế giới không có nhận thức và tư duy. Muốn vươn lên cũng không thể…

Bao giờ công tác hỗ trợ người khuyết tật ở vùng núi thay đổi?

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Bắc Quang, công tác chăm lo cho người khuyết tật trên địa bàn chỉ mang tính hình thức, chứ chưa đi sâu vào đời sống của họ.

“Còn rất nhiều người khuyết tật trong huyện hiện vẫn không được giải quyết chế độ vì sự bàng quan của nhiều lãnh đạo xã. Hồi trước, tôi có gửi công văn đề nghị các xã thống kê số lượng người khuyết tật đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội. Nhưng 23 xã thì chỉ có 4, 5 xã gửi lại danh sách. Trong lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội Người khuyết tật huyện Bắc Quang năm ngoái chỉ có 2 xã tới dự, 21 xã còn lại đều báo bận. Thậm chí nhiều cán bộ xã còn không biết Luật Người khuyết tật là gì.”, ông Thắng nói.

“Ngôi nhà tình thương của anh Kỷ và chị Dư là ví dụ điển hình. Chính quyền chi hàng chục triệu đồng, gia đình phải bán đi một con trâu cày để góp thêm, nhưng kết quả là một ngôi nhà chỉ mang tính tượng trưng. Gia đình họ như một người hành khất được khoác chiếc áo đẹp, nhưng bụng dạ thì vẫn lép kẹp”, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Bắc Quang

Việc dạy nghề cho người khuyết tật ở huyện Bắc Quang cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, phần lớn họ đều ở vùng sâu, vùng xa, nên không được các tổ chức hỗ trợ nhiều như vùng xuôi. Theo ông Thắng, trong 10 năm qua mới chỉ có 3 dự án hỗ trợ người khuyết tật của các tổ chức nước ngoài được đưa về huyện. Thứ hai, mật độ dân cư thưa thớt, các xã thường cách nhau tới vài chục cây số, người dân muốn sang nhà nhau ăn bữa cơm còn khó chứ chưa nói đến hình thành một cộng đồng để cùng nhau học nghề và làm nghề.

Khoản trợ cấp xã hội cho người khuyết tật cũng là một vấn đề. Hiện những người khuyết tật đặc biệt nặng như anh Kỷ và chị Dư chỉ được hưởng 720.000 đồng/tháng. Xét trên thực tế, số tiền này chỉ như một biểu trưng.

Với những gia đình có người khuyết tật, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa như xã Hữu Sản, họ rất cần sự quan tâm, san sẻ nhiều hơn của chính quyền và cộng đồng. Anh Ký chia sẻ, mình rất muốn đi làm xa để kiếm thêm thu nhập, nhưng không thể bỏ em trai và chị gái cho mẹ. Còn mẹ anh năm nay đã 64 tuổi nhưng ngày nào cũng vừa chăn trâu, làm ruộng, vừa nuôi hai người con. Bởi để chăm lo cho người khuyết tật, người khoẻ mạnh cũng phải hy sinh cuộc sống và tương lai của mình…

MỚI - NÓNG