Chật vật dự án tỷ USD
Hiện, ngoài Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) đã đi vào hoạt động và sắp được đầu tư mở rộng, cả nước còn 6 dự án lọc hóa dầu khác, gồm: Dự án lọc dầu tại Nghi Sơn với vốn đầu tư 9 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm; Dự án tại Vũng Rô (Phú Yên) vốn đầu tư 3,2 tỷ USD, công suất 8 triệu tấn dầu thô/năm; Dự án Nam Vân Phong (Khánh Hòa) vốn đầu tư 8 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm; Dự án Nhơn Hội (Bình Định) vốn đầu tư 22 tỷ USD, công suất 20 triệu tấn dầu thô/năm; Dự án Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu) vốn đầu tư 4,5 tỷ USD, công suất 2,7 triệu tấn dầu thô/năm; Dự án tại Cần Thơ có vốn đầu tư 538 triệu USD, công suất 2 triệu tấn dầu thô/năm.
Tuy nhiên, trong tổng số 6 dự án lọc hóa dầu kể trên, chỉ có dự án tại Nghi Sơn triển khai đúng tiến độ (cuối năm 2014, giải ngân được khoảng 3 tỷ USD, duy trì khoảng 11.000 công nhân trên công trường). Số còn lại, có dự án đã động thổ nhưng tới nay đang phải hoãn, giãn tiến độ, một số đang làm thủ tục cấp phép đầu tư, có dự án đứng trước nguy cơ bị thu hồi giấy phép.
Về dự án lọc dầu tại Cần Thơ, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở KH&ĐT Cần Thơ cho biết: Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ 19/5/2008. Tuy nhiên, sau nhiều lần lỡ hẹn triển khai, mới đây, Sở đã có văn bản xin ý kiến Thành ủy và UBND Thành phố Cần Thơ về số phận dự án. Có hai phương án được đưa ra là thu hồi vĩnh viễn giấy chứng nhận đầu tư, hoặc tạm thu hồi 6 tháng để chủ đầu tư tìm đối tác khác. Nếu hết thời hạn vẫn không tìm được đối tác đủ năng lực sẽ thu hồi vĩnh viễn. “Thành ủy đã cho ý kiến nên chọn phương án hai. Tuy nhiên, tới nay UBND Thành phố vẫn chưa có quyết định cuối cùng”, ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, hiện đối tác là Cty Semtech Limited B.V.I của Mỹ đang gặp khó khăn về tài chính, do khủng hoảng kinh tế. Họ chỉ hứa chứ không mấy quan tâm tới dự án, nên chủ đầu tư phía Việt Nam phải tìm đối tác khác.
Tương tự, Dự án lọc hóa dầu Vũng Rô dù đã động thổ hơn nửa năm trước (từ ngày 9/9/2014), nhưng tới nay chưa thể khởi công. “Hiện dự án đang vướng giải phóng mặt bằng. Tỉnh đang rà soát, lên phương án đền bù, tái định cư, trên cơ sở đơn giá đền bù tỉnh phê duyệt, chủ đầu tư sẽ ứng tiền để thu hồi đất. UBND tỉnh yêu cầu phải xong khâu rà soát trong tháng 6 tới, để có mặt bằng sạch cho chủ đầu tư khởi công dự án vào quý 3 hoặc 4 năm nay. Dự kiến, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng khoảng 300 tỷ đồng”- ông Nguyễn Chí Hiến, Giám đốc Sở KH&ĐT Phú Yên nói.
Với “siêu” Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội (dự án Victory), ông Man Ngọc Lý, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định cho biết: Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) và Tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco (Ả-rập Saudi) đang thành lập một công ty liên kết để tỉnh có cơ sở cấp giấy chứng nhận đầu tư. “Tôi mong muốn pháp nhân liên kết sẽ được lập trong quý 2 năm nay để cấp giấy chứng nhận đầu tư”- ông Lý nói. Theo ông Lý, để giải phóng mặt bằng cho dự án địa phương cần khoảng 500 tỷ đồng, tỉnh Bình Định đã có văn bản xin Chính phủ hỗ trợ bằng nguồn ngân sách trung ương.
Nhà đầu tư sẽ không bỏ cuộc?
Việc giá dầu thô thế giới giảm ảnh hưởng ra sao tới các dự án lọc hóa dầu? Ông Man Ngọc Lý cho biết, giá dầu không ảnh hưởng tới tiến độ đầu tư dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội. “Đây là dự án đầu tư nằm trong chiến lược dài hạn của họ, nên giá dầu giảm không ảnh hưởng tới quyết định đầu tư”, ông Lý nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, giá dầu xuống rồi lại lên nên ít ảnh hưởng tới các dự án trong dài hạn. “Với nhà máy lọc hóa dầu, phần lợi nhuận chính không tới từ sản phẩm lọc dầu, chủ yếu ở phần hóa dầu, như nhựa đường, hạt polime, sợi tổng hợp… Các sản phẩm hóa dầu có thể mang lại lợi nhuận chiếm tới 60-70% lợi nhuận của nhà máy. Giá dầu thô giảm nhưng giá các sản phẩm hóa dầu vẫn cao, nhà đầu tư càng có lợi”, ông Ngãi nói.
Ông Ngãi dẫn chứng, dự án lọc hóa dầu của tập đoàn Formosa của Đài Loan, công suất 20 triệu tấn dầu thô/năm, nhưng xuất khẩu hạt polime ra toàn thế giới. Trong khi đó, Nhà máy lọc dầu Dung Quất của Việt Nam mới chỉ có lọc dầu (ra sản phẩm xăng, diezel…), nên lợi nhuận chưa lớn, tới đây phần mở rộng nhà máy chủ yếu tập trung cho hóa dầu.
Theo ông Ngãi, Việt Nam có nhiều lợi thế như môi trường đầu tư tốt (chính sách ưu đãi, chính trị ổn định), có nhiều cảng nước sâu để tàu lớn ra vào, vị trí địa lý thuận lợi; giá nhân công rẻ…, các nhà đầu tư sẽ không dễ dàng bỏ dự án. Hiện, hai dự án còn lại, dự án lọc hóa dầu Nam Vân Phong vẫn đang trong quá trình hình thành liên doanh đầu tư, còn dự án lọc hóa dầu Long Sơn đang xin giãn tiến độ đầu tư tới năm 2025.