Tiếng kêu cứu từ rừng sâu
Nghe tin đồn người dân ồ ạt vào rừng chặt phá dổi lấy hạt về bán cho thương lái, chúng tôi đã mất gần một tuần thâm nhập các xã vùng sâu huyện Krông Bông để tìm hiểu thực hư. Sau nhiều ngày thuyết phục, cuối cùng chúng tôi cũng được ông H. người dân tộc Mông ở xã Cư Pui dẫn vào rừng chứng kiến tận mắt những cây gỗ dổi bị “thảm sát”.
Trong màn sương mờ ảo, chúng tôi rời thôn 12 xã Hòa Lễ, băng rừng vượt suối khoảng 14 cây số thì nhìn thấy tấm biển sắt đã bị ai đó đập bẹp dí nhưng dòng chữ in trên bảng vẫn đọc được rất rõ: “Địa giới vườn quốc gia Chư Yang Sin”. Băng rừng mươi phút, chúng tôi đã thấy ba cây gỗ dổi lớn, thân cao hơn 30 mét bị đốn ngã nằm chỏng chơ, lá cành khô héo. Xung quanh là cảnh tan hoang của khu rừng bị phát quang để mở đường vào. Ông H. thở hổn hển nói: “Từ đây đi khoảng 2 ngày đường rừng về thị trấn Krông K’mar còn có rất nhiều cây dổi khác bị chặt nằm ngổn ngang, chắn hết lối đi”.
Mấy tháng vừa rồi hàng trăm người đổ xô vào Vườn quốc gia Chư Yang Sin kiếm hạt dổi. Đàn ông đi từng đoàn, chặt mỗi ngày tới vài chục cây, thu được cả tạ dổi bán được mấy chục triệu. Còn đàn bà như tôi chỉ mót được những hạt rụng còn sót lại dưới gốc cây thôi”.
Bà Vàng Thị Đỏ
Đúng như lời ông H., băng thêm vài cây số đường rừng nữa chúng tôi chứng kiến tới 6 bãi gỗ dổi, tới hơn 20 cây có đường kính thân gần 1 mét, dài 30 mét bị đốn ngã. Lẽ ra những cây dổi đại thụ này chưa phải chịu chung số phận “phải chết”, nếu người hái dổi có kinh nghiệm chỉ cần nhìn tán cây, số hạt rụng dưới gốc là biết nên hái dổi thế nào để bảo vệ cây cho mùa sau.
Chỉ những kẻ “nghiệp dư” mới thấy loáng thoáng vài hạt trên cây là ra sức đốn ngã. Cây đổ ầm ầm rồi mới biết trái đã già, hạt đã vỡ hoặc rụng gần hết, cố sức bòn mót cũng chỉ nhặt nhạnh được vài lạng. “Bà con mình cũng xót cây lắm, nhưng vì tranh giành nhau nên ra sức mà cưa thôi. Người Thái, người Mông, người Kinh đều thế cả”, ông H. thiểu não.
Không những thế, để cho cây dổi đổ xuống an toàn, người ta còn phải đốn những cây chắn ngang để tạo thế đón thân dổi ngã. Khi chúng tôi thắc mắc thân cây gỗ dổi có giá bán cũng cao sao không đưa về? ông H xua tay: “Mục đích của bà con chỉ lấy hạt thôi, nên luồn rừng chứ không mở đường, cây chặt nằm ở những hẻm núi sâu không vác ra được. Với lại mang vài kilogam hạt trên người trốn được kiểm lâm chứ chở gỗ ra dễ bị kiểm lâm bắt”.
Hạt quả dổi
Không riêng gì huyện Krông Bông, cơn sốt “vàng đen” còn diễn ra trên nhiều vùng rừng khác, nóng không kém là huyện Krông Năng. Tại rừng phòng hộ đầu nguồn giáp ranh 2 xã Cư Klông và Ea Tam, chúng tôi cũng phát hiện nhiều cây gỗ dổi bị chặt hạ, hái hết quả.
Ông Nông Văn Mạch, người dân tộc Tày (trưởng thôn Tam Hợp, xã Cư Klông) cho biết: “Mỗi cây dổi to chỉ có vài ký quả tươi. Trước đây, khi quả chín chúng tôi đợi chim yểng ăn xong phần vỏ, nhả hạt xuống đất rồi mới ra nhặt về vì cây dổi rất cao, ít cành nên rất khó trèo để hái”.
Ông Mạch xòe tay có mấy hạt dổi vừa lượm được dưới gốc cây, băn khoăn: “Thực ra công dụng của hạt quả dổi tôi cũng không biết nhiều, chỉ biết hạt chứa chất dầu có mùi thơm, được bà con đồng bào phía Bắc dùng làm gia vị tẩm ướp các món thịt cho thơm ngon. Nhưng 2 tháng trở lại đây, không hiểu sao thương lái kéo đến tận cửa rừng mua hạt dổi với giá rất cao, tới 500 nghìn đồng mỗi ký. Người dân thấy lợi mới ùn ùn kéo nhau vào rừng săn lùng quả dổi”.
Quanh huyện Krông Bông, chúng tôi lân la hỏi chuyện chặt phá cây dổi lấy hạt về bán rầm rộ những tháng vừa qua thì hầu như ai cũng biết. Anh Phong- một trong những trung niên thường xuyên vào Vườn quốc gia Chư Yang Sin bắt chim thú tìm lâm sản quý, thản nhiên kể: “Tôi có vào rừng chặt dổi lấy hạt về bán 2 lần trong tháng 9 vừa rồi. Trong đó người ta chặt dổi tùm lum, có chỗ dăm mười cây, có chỗ người ta chặt như phát quang làm rẫy!”.
Còn gặp bà Vàng Thị Đỏ ở xã Cư Đrăm, vừa nghe nhắc đến cây dổi, bà vui miệng kể ngay: Mấy tháng vừa rồi hàng trăm người đổ xô vào Vườn quốc gia Chư Yang Sin kiếm hạt dổi. Đàn ông đi từng đoàn, chặt mỗi ngày tới vài chục cây, thu được cả tạ dổi bán được mấy chục triệu. Còn đàn bà như tôi chỉ mót được những hạt rụng còn sót lại dưới gốc cây thôi”.
“Vàng đen” … khó bắt !?
Nghe hỏi về trách nhiệm bảo vệ rừng trong câu chuyện này, ông Tống Ngọc Chung - Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin cho rằng: khu vực gỗ dổi bị chặt phá có thể đã giao khoán cho dân xã Hòa Lễ theo Quyết định 187 của Chính phủ.
Nhiều cây non khác trong VQG bị chặt dọn chỗ cho dổi đổ xuống
Ngược lại, ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lễ thì khẳng định: “Rừng của xã chỉ có một ít dổi ở tiểu khu 1158. Còn chỗ các anh chị phóng viên vào là tiểu khu 1159 và 1174 thuộc Vườn Quốc gia. Trước đây, Vườn có văn bản đề nghị xã phối hợp kiểm tra việc chặt gỗ dổi lấy hạt, nhưng chính trạm 1 và trạm 2 của Vườn lại báo là không có dổi, nên thôi”.
Còn ông Đinh Công Hương- Bí thư đảng ủy xã Ea Tam, huyện Krông Năng xác nhận: “Khi dư luận rộ lên tình trạng bà con ồ ạt vào rừng đốn cây lấy hạt dổi, Ban Lâm nghiệp của xã đã vào kiểm tra tiểu khu 315. Tại đó, phát hiện 6 cây gỗ dổi bị đốn hạ, UBND xã đã báo cáo cho chủ rừng và các cơ quan chức năng, đồng thời ra văn bản khuyến cáo bà con không được mua bán vận chuyển trái phép hạt dổi”.
Riêng ông Nguyễn Đình Tùng - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Krông Năng thừa nhận lực bất tòng tâm: “Rừng dổi tại tiểu khu 315A và 316 do đơn vị quản lý đã bị nhiều kẻ lẻn vào chặt phá tới 46 cây để lấy hạt, nằm rải rác trên diện tích khoảng 2.000 ha. Chúng tôi đang xin cấp trên cho vào thu gom gỗ nhưng cũng khó, vì không có đường ”.
Cũng theo ông Tùng, hạt dổi chỉ là lâm sản phụ, BQLRPH Krông Năng vẫn cho phép người dân vào thu hái nếu không xâm hại rừng. Nhưng do cây dổi có đặc điểm thân cao, thẳng đứng, trèo lên rất nguy hiểm nên người dân thường hạ cả cây để lấy hạt, trong đó có những cây to chặt xuống chỉ hái được vài lạng hạt, bán chỉ vài trăm nghìn đồng. Trả lời câu hỏi vì sao phát hiện vấn đề sớm, nhưng số cây bị chặt vẫn nhiều, không bắt quả tang được vụ nào?
Ông Tùng giải thích: Các cánh “dổi tặc” hành động rất nhanh, hạ cây xong vặt quả giấu hạt vào người rồi lập tức chuồn ra khỏi rừng. Họ không vận chuyển gỗ về nên rất khó phát hiện hoặc bám theo dấu vết để bắt. Chúng tôi chỉ bắt được một trường hợp là ông Nông Văn Đời (trú xã Cư Klông, huyện Krông Năng) khi đang vận chuyển hạt dổi ra khỏi rừng, thu giữ tang vật là một xe honda và 5,5 kilogam quả dổi tươi, sau đó chuyển cho Hạt Kiểm lâm huyện xử lý.
Không biết mức giá bán cuối cùng của hạt cây gỗ dổi này là bao nhiêu, nhưng để có được vài tạ hạt đổi lấy trăm triệu đồng, thì đã có hàng trăm cây gỗ dổi cổ thụ bị bức tử, và gấp mấy lần số đó những thân cây non bị chặt dọn lối cho thân dổi đổ xuống. Men theo lối mòn nhỏ chúng tôi lầm lũi ra khỏi khu rừng, vẫn còn như văng vẳng bên tai tiếng kêu cứu thảm thiết của rừng dổi đại ngàn.