Người bị cách chức, người bị cắt thành tích thi đua
Trên mạng xã hội Facebook, tài khoản Facebook Phạm Văn Đạt cho biết, vào khoảng 16h chiều ngày 12/10, khi đang đứng ở cổng trường thì cháu H. - con gái ông - bỗng dưng bị cánh cổng nhà trường đổ sập vào người. Ngay sau đó, H. được cô giáo chủ nhiệm đưa sang trạm y tế xã để khám chữa.
Trước việc H. bị thương tích nặng, nhưng không thấy lãnh đạo nhà trường thăm hỏi, động viên, chiều ngày 13/10, ông Đạt đã gặp ông Trần Xuân Ngọc – hiệu trưởng Trường tiểu học Tam Quan I , Vĩnh Phúc để phản ánh vấn đề này.
Tại clip đối thoại giữa Hiệu trưởng trường tiểu học Tam Quan I và ông Đạt, khi ông Đạt nói: “Bé bị ngã từ hôm qua đến nay mà nhà trường chưa có động thái chăm nom gì cả”, thì ông Ngọc trả lời rằng: “Các thầy giáo ốm phụ huynh có quan tâm đến không, có đến hỏi thăm, hỏi đóm gì chưa?
Liên quan đến phát ngôn của ông Trần Xuân Ngọc rằng nhà trường không có trách nhiệm phải thăm hỏi việc học sinh bị cổng trường đè gãy vai phải nhập viện cấp cứu, ông Nguyễn Văn Tiến – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc cho biết, sẽ cắt thành tích thi đua và kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc đối với ông Ngọc.
Trước đó, dư luận cũng xôn xao khi sự việc bà Tạ Thị Bích Ngọc, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) cùng một số cô giáo của trường này đã có những hành động gian dối về tai nạn của học sinh trong trường. Vụ lùm xùm này cũng có thể coi là một nỗi đau ám ảnh các thầy cô giáo trong ngành giáo dục.
Cũng vì hành xử thiếu trung thực, nên đã khiến nhiều cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra để rồi bà Tạ Thị Bích Ngọc và hiệu phó Nguyễn Thị Hương đã bị cách chức và khai trừ khỏi Đảng vì che giấu thông tin về vụ tai nạn.
Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Thành Tây (Hà Nội) cũng gây “bão” dư luận vì có những phát ngôn không đúng chuẩn mực, đe dọa, thóa mạ phóng viên khi bị một tờ báo đưa tin phản ánh về việc có một nhà máy trộn bê tông hoạt động trong khuôn viên trường.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên được một tờ báo trích dẫn, ông Hiện nói: "Các ông muốn tồn tại thì các ông hãy tránh xa ra. Ông muốn vào thì tôi cũng thẳng tay chơi với các ông luôn!"
Trước đó, 2/2016, hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân (TP Huế) bà Phạm Thị Ngọc Tâm khi trả lời báo chí xung quanh vụ việc bạo lực học đường của học sinh trường này. Bà Xuân nói: “Đây là lứa tuổi mới lớn, nếu các em không đánh nhau, không xích mích nhau thì không bao giờ các em năng động được…”.
Làm quản lý không phải chỉ có kiến thức không
Liên quan đến phát ngôn sốc và cách hành xử không chuẩn mực của những người đứng đầu nhà trường, TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội khoa học giáo dục Tâm lí Hà Nội cho rằng, vị trí của một người đứng đầu một môi trường giáo dục rất quan trọng nó không chỉ ảnh hưởng đến các giáo viên khác trong trường mà còn ảnh hưởng đến học sinh.
Đơn cử vụ đổ cổng trường làm gãy xương học sinh, TS Lâm cho rằng, người hiệu trưởng hơn ai hết phải hiểu về văn hóa chịu trách nhiệm. Cụ thể, để cho có vụ việc cổng trường đổ như thế là do bảo vệ không chăm nom nhưng hiệu trưởng là người quản lý của nhà trường sao không thúc giục, không kiểm tra.
“Lỗi cuối cùng vẫn phải thuộc về hiệu trưởng. Mặt khác, lỗi lớn hơn của vị hiệu trưởng này là khi sự việc xảy ra đã không lo khắc phục mà lại phát ngôn thiếu trách nhiệm ”- TS Lâm nhấn mạnh.
"Trước hết anh là người thầy mà người thầy dạy học sinh bằng chính nhân cách của mình. Nhân cách của người thầy càng lớn thì càng là bài học lớn cho học trò noi theo. Chứ làm quản lý không phải chỉ có kiến thức không. ”- Thầy Lâm nhận định.