Có bầu thì phải đẻ thôi
Trong căn nhà làm bằng ván gỗ đã xiêu vẹo, 4 đứa con của chị H’Khăn Tơ Ly (xã Cư A Mung, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) đang chuẩn bị bữa cơm tối. “Hôm nay, vừa bắt được ít cá ở suối nên tối gia đình có bữa cá kho khế ngon”, đứa con lớn 14 tuổi, vừa rửa cá vừa nói. Chị H’Khăn Tơ Ly lấy chồng từ năm 16 tuổi đến nay có 4 người con. Kinh tế dựa vào vài sào đất trồng hoa màu, hằng ngày ai thuê gì làm nấy. Cách đây 4 năm, chồng chị bị tai nạn gãy xương đùi. Từ đó đến nay, không thể lao động nặng, mọi công việc đều đè lên đôi vai chị. Cuộc sống khó khăn đủ bề.
Những người con, cháu của bà Y Ten |
Nhiều buôn ở xã Cư A Mung, vấn nạn tảo hôn và sinh đông con khiến các gia đình quanh quẩn trong điệp khúc đói nghèo, nhiều đứa trẻ không được đến trường. Nhận thức của người dân còn hạn chế nên thời gian qua, dù chính quyền địa phương và các ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình song nhiều người vẫn sinh con ngoài kế hoạch.
Đặt cái gùi đựng đầy chai lọ vào một góc nhà, chị H’Nhen (buôn Kon H’ring, xã Ea Hđing, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) tất bật lấy bó rau vừa hái được trên rẫy chuẩn bị nấu bữa tối. “Gia đình không có đất sản xuất, hằng ngày ai thuê gì làm nấy. Trên rẫy, trên đồi, có nhiều loại rau, tôi tranh thủ hái ít về nấu canh hay xào cải thiện bữa ăn”, chị H’Nhen chia sẻ.
Những đứa trẻ bồng bế em |
Chị H’Nhen lấy chồng từ năm 16, đến nay, đã là mẹ của 7 đứa con, cuộc sống cả gia đình phụ thuộc vào những đồng tiền ít ỏi mà hai vợ chồng đi làm thuê. Chị nói, biết sinh đông con là khổ nhưng có bầu thì phải đẻ thôi. “Vì sao không dùng biện pháp tránh thai?” - tôi hỏi, ngại ngùng một lúc chị chia sẻ, đồng bào quan niệm đẻ phải tự nhiên giống như cây đu đủ ra hết hoa, hết quả mới thôi. Cộng tác viên dân số đến nhà vận động sử dụng các biện pháp tránh thai như uống thuốc, dùng bao cao su, đặt vòng… nhưng hầu hết bà con không áp dụng. Thấy nhiều chị em nói sử dụng mấy thứ đó đau đầu, chóng mặt, buồn nôn...
Buôn Kon H’ring, xã Ea H’Đing có gần 99% dân số là người dân tộc Xê Đăng. Một số gia đình mà tôi gặp ở đây, có nhà gần chục người con. Nhiều bà mẹ nói rằng, sinh đông con mới có nhiều người đi làm. Từ nhỏ mấy đứa trẻ đã biết lên nương rẫy làm, bố mẹ không phải nuôi.
Bỏ học giữa chừng
Dù thuộc TP Kon Tum nhưng thôn Kon Hra Chót (phường Thống Nhất) vẫn nặng tư tưởng “trời sinh voi sinh cỏ”. Cán bộ trạm Y tế phường Thống Nhất cũng đã đi mỏi chân qua những hộ dân đông con, khuyên đừng đẻ thêm nữa nhưng rồi đâu lại vào đó. Chúng tôi đến nhà bà Y Ten (57 tuổi, dân tộc Ba Na) lúc sẩm tối. Vợ chồng bà Ten bao năm qua chỉ lo cơm gạo, mà không lo được chuyện học hành, công việc cho các con. Người phụ nữ là mẹ của 12 người con (7 gái, 5 trai), hiện con lớn 32 tuổi, út 13 tuổi. Cuộc sống vất vả nên giờ gia đình bà Ten chỉ có thể nuôi 3 người con ăn học. Sau khi mấy cháu tự lo liệu việc hỏi vợ, lấy chồng, giờ đây căn nhà nhỏ của bà Ten còn 9 người. Để trang trải cho sinh hoạt hàng ngày mỗi người phải đảm nhận một việc, nhỏ cùng cha mẹ đi trồng rau, lớn hơn thì tới các hồ, đập nước rà cá.
Các em nhỏ theo cha mẹ lên rẫy |
Thời tiết những ngày này se lạnh nên việc rà cá được ít hơn mọi hôm, Y Rong (23 tuổi, con bà Ten) ngồi lựa những con cá to chuẩn bị đem ra chợ bán. Rong là cô gái rất thông minh, lanh lợi. Tuy vậy lên lớp 10 em phải nghỉ giữa chừng vì thương cha mẹ. Y Rong bộc bạch: “Em muốn nhường việc học cho các em. Nhà có gì ăn đó thôi anh à. Thường ngày em đi trồng rau với cha mẹ, đến mùa mưa lại lên rừng hái măng đi bán”.
Ông A Phiên - Trưởng thôn Kon Hra Chót cho biết, hiện nay thôn có 358 hộ nhưng có tới hơn 2.000 nhân khẩu. Mấy năm qua, thôn vẫn còn nhiều cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên, thậm chí đến 9-10 con; có những cặp vợ chồng chỉ mới 28-30 tuổi nhưng đã có tới 6-7 người con. Những cặp vợ chồng có đông con đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Theo trưởng thôn, nguyên nhân chủ yếu là do trình độ học vấn, nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao; việc tiếp cận, nhận thức về các dịch vụ, cách sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình còn nhiều hạn chế.
“Nó đẻ con thứ ba rồi mình tới nhắc thì bảo lỡ kế hoạch. Có người thì bảo gia đình cần lao động, người cần có con trai, con gái. Thậm chí, có người nói liều là trời sinh voi, sinh cỏ”.Ông A Phiên chia sẻ
“Nó đẻ con thứ ba rồi mình tới nhắc thì bảo lỡ kế hoạch. Có người thì bảo gia đình cần lao động, người cần có con trai, con gái. Thậm chí, có người nói liều là trời sinh voi, sinh cỏ”, ông A Phiên chia sẻ.
Cũng vì không được học hành đến nơi, đến chốn, nên chỉ mới ngoài 30 tuổi, nhưng chị Giàng Thị Sáo (xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) đã lên chức bà ngoại. Chị Sáo lấy chồng từ năm 13 tuổi. Đến nay, chị đã có 8 người con. Hằng ngày hai vợ chồng phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống gia đình. “Ngày đó, chúng tôi ưng cái bụng thì về ở với nhau chứ không tổ chức cưới xin gì. Phong tục của người Mông, con gái 14-15 tuổi chưa lấy chồng thì ế. Mỗi gia đình phải có con trai, nên phụ nữ đẻ chưa có con trai thì vẫn tiếp tục sinh thôi”, chị Sáo cho biết.
Lấy nhau khi tuổi còn quá nhỏ, vợ chồng chị H’Nhah Niê (xã Ea Sin, huyện Krông Búk) thường “Cơm không lành, canh không ngọt”. Gánh nặng cơm áo gạo tiền, khiến hai vợ chồng xung đột từ những chuyện nhỏ nhặt, vụn vặt. Chị H‘Nhah lấy chồng từ năm 14 tuổi. Theo chị, lúc đó, chỉ biết có tình cảm với nhau, cảm giác không thể sống thiếu nhau nên dọn về chung chăn gối. “Sống với nhau mới phát sinh nhiều vấn đề. Kinh tế phải nhờ vả vào bố mẹ, cuộc sống khó khăn. Có lần hai vợ chồng cãi nhau, chồng tôi uống thuốc cỏ để tử tự, may được đưa đi cấp cứu kịp thời. Bây giờ, thường ngày tôi đi làm thuê để có thêm thu nhập nuôi con”, người phụ nữ thở dài.
(Còn nữa)