Theo ông Nguyễn Văn Hoàng - phó chủ tịch Hội Khuyến học xã Vĩnh Thanh, ở ấp Vĩnh Cửu chỉ có 350 hộ dân với 1.705 nhân khẩu nhưng có đến 5 tiến sĩ, 6 thạc sĩ, 2 cao học và trên 100 người đã tốt nghiệp cũng như đang theo học đại học, cao đẳng và hàng trăm người đang theo học trung học chuyên nghiệp.
Để hiểu rõ hơn về sự học của vùng đất nghèo khó này, chúng tôi đi dạo quanh ấp Vĩnh Cửu, ghé nhà ông Phạm Cẩn -Trưởng ban đại diện Hội cha mẹ học sinh trường THPT Nhơn Trạch.
Ông Cẩn giải thích: "Từ xưa đến giờ, đây là vùng đất thuần nông nhưng đất đai ngày một eo hẹp nên để thoát nghèo chỉ còn cách tìm cái chữ cho con. Những gia đình có con ăn học, rồi có việc làm và cải thiện được cuộc sống, dần dần mọi người trong làng tự bảo nhau và noi theo việc học”.
Ngay chính gia đình ông cũng xuất thân từ nghề nông, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cày sâu quốc bẫm trên những cánh đồng nhiễm phèn kiếm cái ăn đắp đổi qua ngày và nuôi chữ cho con.
Khó khăn là thế, nhưng ông cũng quyết không để 5 người con thất học. Và hiện 2 người con đầu của ông đã tốt nghiệp ĐH đang làm việc tại thành phố, 2 người con sau đang học năm 2. Không chỉ riêng gia đình ông Cẩn, mà còn có nhiều gia đình khác như gia đình ông Phạm Ngọc Đại có 5 người con đều trí thức thành đạt.
Về những tiến sĩ, thạc sĩ xuất thân từ gia cảnh khó khăn cũng không ít. Riêng gia đình ông Nguyễn Văn Cư (ấp Vĩnh Cửu) có đến 9 người con thì đến 7 người là trí thức thành đạt, có người đang là tiến sĩ ở Thụy Sĩ.
Hay như ông Trần Ngọc Bích cũng có 7 người con đều là trí thức thành đạt. Riêng ông còn có một người em đang học cao học ở Pháp. Và có lẽ chính những điều đó nên ấp Vĩnh Cửu trong những năm gần đây được người dân xã Vĩnh Thanh gọi với cái tên trìu mến mà cũng rất vinh dự "Làng tiến sĩ”.
Thoạt đầu khi nghe câu chuyện về "làng tiến sĩ”, tôi cũng như một số người cho rằng chuyện đó không còn lạ ở xã hội ngày nay khi điều kiện ngày một phát triển. Nhưng khi đến ấp Vĩnh Cửu, trò chuyện với người dân nơi đây, được tận mắt chứng kiến cảnh nhiều trẻ em một buổi đến trường, một buổi theo ba mẹ ra đồng cắt cỏ, bẻ mì; cảnh những ông bố, bà mẹ suốt ngày "đầu tắt mặt tối” với đồng ruộng nhưng vẫn quyết không để con thất học, tôi mới hiểu được họ thật đáng khâm phục.
Những học vị, văn bằng mà con cháu của họ phấn đấu có được hôm nay là một gia tài vô giá, xứng đáng với danh hiệu là vùng đất hiếu học. "Những tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân ở làng Vĩnh Cửu này không chỉ giúp họ thoát nghèo, mà còn là một "bệ phóng” cho phòng trào khuyến học ở xã ngày một lan rộng”, ông Nguyễn Văn Hoàng tâm sự.
Ông Hoàng cho biết thêm, ngày trước vùng đất này lắm cát nhiều phèn, người dân làm ăn sinh sống rất khó khăn. Các bậc làm cha, làm mẹ chịu đựng mọi gian khổ quyết cho con đến trường và phải học hành thành đạt. Và bây giờ đời sống của họ đã khá hơn.
Đặc biệt, ngoài truyền thống và động lực từ gia đình thì ngay ở mỗi gia đình, các anh chị em trong nhà tự bảo ban nhau là chính. Hễ có người anh đỗ đạt thành công thì người em cũng theo thế mà phấn đấu. Và rất nhiều cựu sinh viên ra trường có việc làm đã trở về giúp các em trong làng bằng cách lập quỹ học bổng.