Những nơi dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí

Những nơi dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí
TP - Thẩm tra Báo cáo thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2012, Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng “năm 2012 lãng phí, thất thoát trong đầu tư công là vấn đề nổi lên, được dư luận xã hội quan tâm”. Không ít ý kiến còn nhận định, đầu tư công là mảnh đất màu mỡ dễ gây thất thoát, tham nhũng nhất hiện nay.

> Áp lực thoái vốn, BĐS khó khăn chồng khó khăn

Báo cáo của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trình bày, cho biết: Những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí là: Quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý dự án sử dụng vốn Nhà nước; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên; quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước...

Chưa rõ kết quả xử lý

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận định, kỷ luật tài chính, ngân sách không nghiêm; việc phân bổ, giao dự toán NSNN, nhất là các chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình trái phiếu Chính phủ rất chậm so với quy định cũng gây lãng phí, thất thoát lớn.

Ví dụ, quý I-2012 phát hành được 31.084 tỷ đồng trái phiếu, nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân được. Trong khi đó, riêng chi thường xuyên từ đầu năm đến nay, Kho bạc Nhà nước phát hiện trên 31.300 khoản sai nguyên tắc (đã từ chối thanh toán trên 371 tỷ đồng).

Các cơ quan thanh tra kiến nghị thu hồi trên 3.529 tỷ đồng, kiến nghị xử lý trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân vi phạm chế độ quản lý, sử dụng ngân sách.

Ngoài ra, nhiều công trình vốn ngân sách do quy hoạch thiếu tính chiến lược gây tốn kém, lãng phí. Qua kiểm toán, nhiều tập đoàn Nhà nước làm ăn yếu kém, thua lỗ (Xăng dầu, Điện lực, Hàng Hải...).

Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại tăng ở mức cao, gây khó khăn cho nền kinh tế.

Một số ý kiến cho rằng chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư công là cực kỳ quan trọng, bởi đây là mảnh đất màu mỡ dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Còn theo Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, chính các dự án xây dựng cơ bản quá chậm trễ, kéo dài từ năm này qua năm khác còn gây lãng phí về thời gian. Đây là thứ lãng phí không đong đếm được, nhưng lại gây tác hại rất lớn.

Không hài lòng với báo cáo Chính phủ, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị, những lĩnh vực nhạy cảm như quản lý tài sản công, đầu tư từ vốn nhà nước, quản lý đất đai, tài nguyên “nên có báo cáo sâu sắc hơn”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhắc nhở một việc nhỏ: “QH ta cũng để điện rất lãng phí. Nhiều lúc ta làm việc xong mà cứ để máy lạnh, nói gì đến ý thức của dân”.

“Cần làm rõ những việc chuyển cơ quan điều tra được xử lý thế nào, xử lý những ai, kết quả ra sao. Nếu chỉ dừng ở việc chuyển hồ sơ vụ việc mà chưa có kết quả phản hồi thì chưa đầy đủ” - Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói.

Ông Hiện cho rằng: “Dư luận nhân dân cho rằng, trong tất cả các khâu từ lập dự án, giám sát cho đến nghiệm thu đều có thể "ăn" được, đều là cơ hội cho tham nhũng, còn nhà nước thì thất thoát”. Ông Hiện bày tỏ lo ngại về thực trạng “cứ hễ xin được dự án là có phần trăm” bất chấp hiệu quả, chất lượng.

Chống tham nhũng – cần đột phá

Dự án KĐT mới Tây Hồ Tây (Hà Nội) đắp chiếu nhiều năm gây lãng phí lớn. Ảnh: Hà Anh
Dự án KĐT mới Tây Hồ Tây (Hà Nội) đắp chiếu nhiều năm gây lãng phí lớn. Ảnh: Hà Anh.
 

Theo Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), năm 2012 đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 425 tập thể, 697 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 27 vụ, 35 người. Trong số sai phạm có 49 vụ, 67 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với giá trị tài sản là 132,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý, Báo cáo của Chính phủ ná ná giống năm trước, không chỉ rõ được vấn đề tồn tại năm 2012 phải giải quyết. “Tham nhũng phức tạp, diễn biến xấu. Văn phòng Ban chỉ đạo PCTN họp nhiều, ban hành hàng trăm văn bản, nhưng hiệu quả đến đâu, chưa thấy nêu rõ” – Ông Lý nhận xét.

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nói, báo cáo nêu ra hai trường hợp không trung thực khi kê khai tài sản, nhưng lại không nói rõ có tham nhũng không. “Vụ Vinashin thất thoát lớn thế, ông Nguyễn Thanh Bình bị xử 20 năm tù, nhưng chúng ta đánh giá không có tham nhũng” - Ông Sơn bình luận thêm.

Một số ý kiến cho rằng, cần phải tìm ra khâu đột phá cho công tác PCTN. Chỉ rõ hạn chế trong PCTN là “phát hiện nhiều nhưng xử lý ít, khắc phục chậm”, Chủ nhiệm Ủy ban KHCNMT Phan Xuân Dũng nói: “Cần phân tích nguyên nhân - đó là chưa kiên quyết, chưa làm đến nơi đến chốn, còn nể nang. Vì vậy, phải chọn một khâu đột phá và phải làm thật tốt”.

Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN Nguyễn Kim Khoa cho rằng, năm 2012 tội phạm tham nhũng diễn biến phức tạp, nhất là trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Nhưng đối tượng là ai, ở khu vực doanh nghiệp hay cán bộ, công chức nhiều hơn, phải chỉ rõ để có giải pháp. Cùng với đó, phải tạo ra đột phá về công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Chốt lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nói: Các Báo cáo cho thấy tình hình tham nhũng còn rất phức tạp, nghiêm trọng, tinh vi ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Mục tiêu trong các Nghị quyết về vấn đề này chưa thực hiện được.

“Chúng ta có nên đặt vấn đề trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán hay không? Những biện pháp kê khai, công khai tài sản theo hướng minh bạch, phát huy thế nào?”- Phó Chủ tịch QH nêu vấn đề.

Tuyển dụng cán bộ: Dư luận nói có nhiều phong bì

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước cho rằng, tham nhũng trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ xảy ra ở nhiều cơ quan, đơn vị. “Dư luận nói có nhiều phong bì ở đây. Tôi cũng nghe chuyện này lâu rồi, nhưng vì sợ ảnh hưởng đến mình, chẳng ai dám nói, dám công khai chuyện này ra thôi. Quy chế thiếu chặt chẽ trong tuyển dụng, đề bạt đó là khâu yếu, nhưng ta không phát hiện được. Đấy là cái rất đáng lo”

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG